Thị trường

Ưu tiên tiết kiệm điện mùa nắng nóng

20/05/2023, 14:00

Theo các chuyên gia, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo cung ứng điện liên tục mùa nắng nóng.

Năm 2023 được dự báo sẽ xác lập nhiều kỷ lục nắng nóng do tác động của hiện tượng El Nino, trong khi dung tích các hồ thủy điện trên cả nước đang thiếu hụt so với quy chuẩn tích nước mùa cạn, thậm chí có nơi xuống mực nước chết. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn dự báo sẽ diễn ra nghiêm trọng.

Thêm vào đó, theo đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), do thời tiết nắng nóng trên cả nước liên tục trong những ngày gần đây nên nhu cầu sử dụng điện của các hộ sinh hoạt và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều đang có xu hướng tăng cao.

Đơn cử, như ngày cao điểm nắng nóng 6/5 vừa qua, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng nhu cầu điện của hệ thống điện quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục mới gần 895 triệu kWh, cao nhất từ đầu năm đến nay.

EVN cũng đã có cảnh báo tình hình nguy cấp về cung ứng điện năm 2023, trong đó có nêu trường hợp các tình huống cực đoan, những ngày nắng nóng kéo dài, mực nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu... thì hệ thống điện sẽ gặp tình trạng rất khó khăn về cung cấp điện.

Thực tế, những ngày qua, tình hình thiếu điện đã khiến tình trạng cắt điện luân phiên xuất hiện ở một vài địa bàn. Vậy giải pháp nào để đảm bảo cung cấp điện trong những ngày tới?

img

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương)

Doanh nghiệp, người dân cùng tiết kiệm điện

Phát biểu tại toạ đàm “Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả - Giải pháp đảm bảo cung ứng điện mùa nắng nóng” sáng 20/5, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) nhấn mạnh, hiện nay, diễn biến thị trường năng lượng thế giới rất phức tạp, giá năng lượng bị đẩy lên mức rất cao.

Vì thế, trong bối cảnh cộng hưởng với thời tiết cực đoan năm nay, bên cạnh việc các cấp, ngành nỗ lực cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội, thì các giải pháp sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) đóng vai trò rất quan trọng.

Ông cho biết, ngay từ đầu mùa khô 2023, Bộ Công thương đã có những chỉ đạo và chương trình hành động mạnh mẽ để thúc đẩy chương trình sử dụng năng lượng TK&HQ tại địa phương và các khách hàng sử dụng điện lớn.

Cụ thể, sau Tết Âm lịch, Bộ Công thương là cơ quan chủ trì, phối hợp với 63 tỉnh thành thực hiện chương trình Giờ trái đất.

Bên cạnh đó, bộ này cũng đã có đoàn công tác, kiểm tra làm việc với sở, ngành, doanh nghiệp để kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng TK&HQ và Chỉ thị 20 của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2020-2025.

Đồng thời, tổ chức hội nghị khách hàng về tiết kiệm điện, diễn đàn tuyên truyền… với mục tiêu đẩy mạnh sáng kiến, năng cao nhận thức của người dân, cộng đồng về tiết kiệm điện.

Ông Vũ nhấn mạnh, trong việc sử dụng năng lượng TK&HQ rất cần sự hưởng ứng từ phía doanh nghiệp và người dân.

Tiết kiệm điện cách nào?

Là địa phương có mức tiêu thụ điện đứng đầu cả nước năm 2022 (bình thường sau TP.HCM), ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, miền Bắc có biểu đồ phụ tải phức tạp hơn nhiều so với các miền khác, nên ngay từ đầu đặt ra bài toán đầu tư phát triển nguồn điện.

Thực tế, công suất đỉnh của miền Bắc tăng nhanh trong những năm qua, vì thế, năm 2023, thành phố đặt mục tiêu nâng cao tuyên truyền vận động tiết kiệm điện so với những năm trước đây.

img

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội

Cụ thể, đạt mục tiêu tiết kiệm 1,7-2,2% tổng năng lượng tiêu thụ trên toàn địa bàn thành phố; phấn đấu đạt 65% doanh nghiệp sử dung năng lượng trọng điểm (theo danh sách công bố hàng năm) có cam kết giải pháp về tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện tự nguyện (DR); 75% doanh nghiệp ở khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyển đổi dần sang công nghệ tiết kiệm điện.

Ngoài ra, theo ông Thắng, năm 2023, thành phố xây dựng chỉ tiêu đạt trên 55 cơ sở sử dụng năng lượng xanh (năm 2022, chỉ hơn 30 cơ sở), gồm các toà nhà văn phòng, khu công nghiệp…

Để nâng cao ý thức tiết kiệm điện, thành phố Hà Nội cũng đặt mục tiêu tổ chức 1.000 lớp tập huấn đến tổ dân phố và hướng dẫn họ sử dụng trực tiếp giải pháp tiết kiệm điện.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội cho rằng, thay đổi thói quen của người dân và doanh nghiệp không thể trong “ngày một, ngày hai”. Do đó, ông kiến nghị, ngành giáo dục sớm đưa vào môn “tiết kiệm năng lượng” ngay từ cấp 1, để tạo thành ý thức lâu dài trong mỗi người dân chúng ta.

Còn phía doanh nghiệp, ông Thắng cho rằng, chúng ta là nước đang phát triển, các máy móc đầu từ từ trước phần lớn đã cũ kỹ, lạc hậu, tiêu thụ điện lớn, do đó, để họ thay đổi được là cả quá trình phức tạp và tốn kém.

Bởi vậy, ông Thắng mong muốn Nhà nước có cơ chế đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm hỗ trợ họ trong việc chuyển đổi.

Nói thêm về giải pháp tiết kiệm điện trong thời gian tới, ông Trịnh Quốc Vũ cho hay, Bộ Công thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính kiến nghị Thủ tướng ban hành chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 với các biện pháp triển khai mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn… để giúp cung ứng điện, giảm phát thải khí nhà kính hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.