Thị trường

Uỷ ban Chứng khoán: Không còn bất ngờ với những phiên thanh khoản tỷ USD

04/06/2021, 20:54

Thanh khoản và lượng lệnh vào thị trường liên tục tăng đột biến. Hiện tượng nghẽn lệnh tái diễn, nhà đầu tư không được sửa lệnh, huỷ lệnh...

img

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Cuối tháng 6, đầu tháng 7 sẽ hết nghẽn lệnh?

Những phiên giao dịch vừa qua, sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) liên tục nghẽn lệnh, ảnh hưởng tới giao dịch của nhiều nhà đầu tư và sự thông suốt của thị trường. Trước tình trạng trên, HoSE đã phải ngừng phiên giao dịch chiều 1/6, nhiều công ty chứng khoán thậm chí còn phải hạn chế hoặc không cho khách hàng sửa, huỷ lệnh để hạn chế bớt số lệnh giao dịch trên thị trường.

Thông tin vào chiều muộn 4/6, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hệ thống giao dịch trên HoSE đã xảy ra từ cuối năm 2020 và đến nay vẫn là một vấn đề quan trọng được toàn ngành đặc biệt quan tâm.

Đến ngày 31/5/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.328,05 điểm, tăng 7,2% so với cuối tháng trước và tăng 20,3% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 317,85 điểm, tăng 12,8% so với cuối tháng trước và tăng 56,5% so với cuối năm 2020. Đến cuối tháng 5/2021, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.440 nghìn tỷ đồng, tăng 21,7% so với cuối năm 2020, tương đương 102,3% GDP. Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục nằm trong Top thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất khu vực và thế giới trong 5 tháng đầu năm.

Với nhiều giải pháp cấp bách được như tăng lô từ 10 lên 100, chuyển giao dịch tự nguyện, dừng giao dịch cổ phiếu niêm yết mới trên HoSE và nhất là cải biến kỹ thuật,… nhưng những phiên cuối tháng 5, đầu tháng 6, khi thanh khoản và lượng lệnh vào thị trường tăng đột biến hiện tượng nghẽn lệnh tái diễn, thậm chí HoSE buộc Sở phải chủ động ngừng giao dịch phiên chiều 1/6 để đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Ông Sơn cũng cho biết, HoSE và các đơn vị liên quan cũng đã tích cực triển khai đồng thời hệ thống giao dịch phối hợp với FPT và hệ thống công nghệ thông tin cho toàn thị trường. “Tất cả công tác vẫn tiến hành khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình. Hệ thống phối hợp FPT đã vào giai đoạn kiểm thử diện rộng sẽ xử lý vấn đề nghẽn lệnh”, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nói.

Cơ quan quản lý cho biết sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, đồng thời phải đưa bằng được hệ thống do FPT xây dựng vào sử dụng vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 này để giải quyết dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh tại HoSE.

“Về phía nhà đầu tư, chúng tôi mong rằng, cộng đồng nhà đầu tư cần tăng mức độ cẩn trọng, đặc biệt là quản trị rủi ro khi lựa chọn danh mục đầu tư. Cùng với đó, những yếu tố rủi ro vĩ mô đó cần được theo dõi kỹ lượng, đánh giá sâu kỹ, bởi chúng ta biết thị trường chứng khoán sẽ rất nhạy cảm với những biến động vĩ mô, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh tác động như hiện nay”, ông Sơn nói.

Những phiên thanh khoản tỷ đô

Ông Phạm Hồng Sơn cho biết, thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp lập kỷ lục trong thời gian qua. Tháng 5/2021, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.178 tỷ đồng/phiên, tăng 16% so với tháng 4. Đến phiên 4/6, sàn HoSE tiếp tục lập kỷ lục thanh khoản 31.308 tỷ đồng, nâng tổng thanh khoản 3 sàn đạt hơn 38.500 tỷ đồng (hơn 1,6 tỷ USD).

“Đến thời điểm này, có lẽ chúng ta sẽ không còn quá bất ngờ với những phiên thanh khoản tỷ USD”, ông Sơn nói.

Về dòng tiền vào thị trường, ông Sơn thông tin là bằng nhiều kênh khác nhau, và chủ yếu đến từ dòng tiền của nhà đầu tư trong nước.

Trong tháng 5, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 113.674 tài khoản, kỷ lục từ trước tới nay. Lũy kế 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới 480.490 tài khoản chứng khoán, vượt 20% số lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020. Tới cuối tháng 5, số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam ở mức hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số.

“Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế vĩ mô, công tác phòng chống dịch hiệu quả, mặt bằng lãi suất thấp, nhiều kênh đầu tư kém hấp dẫn hơn,… là những nguyên nhân chính giúp dòng tiền tìm đến với TTCK thời gian qua. Chính vì thế, dòng tiền vào TTCK gia tăng không chỉ đến dòng tiền margin”, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói.

Tuy vậy, theo thống kê, đến ngày 31/5/2021, dư nợ margin toàn thị trường đã đạt 112,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020 và tăng 10,7 nghìn tỷ so với cuối quý I/2021.

Thời gian gần đây, một số công ty chứng khoán đã có dấu hiệu cho vay margin chạm trần (không gấp 2 lần vốn chủ sở hữu).

“Chúng tôi cho rằng, việc thị trường tăng trưởng mạnh nên dư nợ margin tăng cũng là điều dễ lý giải. Nhiều công ty chứng khoán cũng đã chủ động và đang triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ, phát hành tăng vốn để có nguồn phục vụ như cầu cho vay thời gian tới. Chúng tôi cho rằng, mặc dù dư nợ margin vẫn trong khả năng kiểm soát, tuy nhiên, việc con số này tăng liên tục và dự báo sẽ còn tăng nữa thì đúng là cần tăng cường thanh tra, giám sát để đảm bảo việc cho vay margin là đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán”, ông Sơn cho hay.

Ông Sơn cũng cho biết, thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường giám sát từ xa, kiểm tra, thanh tra trực tiếp, trong đó sẽ bao gồm các công tác huy động vốn, cho vay ký quỹ, cũng như việc đảm bảo an toàn các chỉ tiêu tài chính của các công ty chứng khoán.

Trong trường hợp phát hiện hành vi sai phạm, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm, đảm bảo tính kỷ cương và kỷ luật thị trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.