Bóng đá

V-League 2021 sẽ đá theo thể thức nào?

19/11/2020, 05:56

Trước ngày chốt thể thức thi đấu V-League 2021, nhiều tranh cãi vẫn nổ ra.

img
V-League 2021 chưa chốt được phương án tổ chức. Ảnh: VPF

Người muốn giữ thể thức như mùa giải 2020, người lại muốn trở lại thể thức truyền thống. Bất chấp những mâu thuẫn, phương án cuối cùng phải đem lại lợi ích cho đội tuyển quốc gia.

Cũ hay mới?

Ngày 20/11, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Tại hội nghị này, chắc chắn thể thức thi đấu mới tại V-League 2020 và Giải hạng Nhất 2020 sẽ được mổ xẻ kỹ càng. Cùng ngày, Ban Chấp hành VFF sẽ họp để quyết định tổ chức V-League 2021, Giải hạng Nhất 2021 theo thể thức nào.

Hiện, VPF đã đề xuất tiếp tục tổ chức hai giải đấu hàng đầu Việt Nam giống mùa giải vừa qua, tức chia hai giai đoạn. Giai đoạn 1 để phân hạng, còn giai đoạn 2 cạnh tranh danh hiệu hoặc tránh suất xuống hạng.

Tuy nhiên, một số ý kiến nhận định, thể thức này chỉ nên áp dụng trong điều kiện dịch bệnh, thiếu thời gian. Tới nay, khi dịch Covid-19 tại Việt Nam đã không còn quá phức tạp thì nên quay lại thể thức cũ, đá vòng tròn hai lượt.

HLV Triệu Quang Hà cho rằng, V-League 2021 nên đá theo cách truyền thống bởi chỉ có thể thức này mới đảm bảo công bằng cho tất cả các đội.

“Thể thức mới có những đội chỉ được chơi 8 trận sân nhà, như vậy rất thiệt thòi cho đội bóng, người hâm mộ. Rồi việc khi đã hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2 các đội hết mục tiêu, đã chắc chân sẽ buông xuôi. Đành rằng cuộc đua vẫn hấp dẫn nhưng chỉ cục bộ còn tính cạnh tranh trên tổng thể thì giảm”, ông Hà nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, chuyên gia Lê Thế Thọ nhìn nhận, đá theo thể thức truyền thống sẽ đem đến sự thỏa mãn cho tất cả các đội.

“Ông đá hay, đá dở, xuống hạng hay không thể đua tranh danh hiệu cũng không thể đổ lỗi nữa. Rồi ngay như việc đội đứng thứ 9, kém đội thứ 8 chỉ 1-2 điểm nhưng những trận giai đoạn 2 phải căng mình lo trụ hạng còn đội thứ 8 thì được thảnh thơi ở giai đoạn 2, thích đá sao thì đá”, ông Thọ nhận xét.

Tổng giám đốc CLB SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa và Chủ tịch CLB SLNA Nguyễn Hồng Thanh cũng nhìn nhận, V-League nên đá lượt đi - lượt về bởi đây là thể thức chủ đạo và đúng với tính chất giải League.

Tuy nhiên, HLV Trương Việt Hoàng lại ủng hộ việc tiếp tục áp dụng phương án như mùa giải 2020. “Đá như vậy các đội buộc phải chạy ngay từ những trận đầu, không thể đủng đỉnh, chờ đợi ai cứu mình mà muốn cứu cũng không cứu nổi”, ông Hoàng nêu quan điểm.

Ở góc nhìn khác, bình luận viên Vũ Quang Huy đánh giá, việc chỉ chơi tối đa 20 trận ở giải vô địch quốc gia là quá ít và khi hạn chế cọ xát thì khả năng chuyên môn của cầu thủ sẽ không phát triển.

Thực tế, cả hai thể thức đều có tính ưu việt nhất định. Thể thức 14 đội đá vòng tròn hai lượt, tổng cộng 26 vòng đấu vốn được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, đảm bảo các đội khi đều gặp nhau hai lần. Nhiều trận đấu cũng đồng nghĩa các đội tăng doanh thu từ bán vé, quảng cáo trên sân.

Ngược lại, thể thức mới rút ngắn thời gian, đẩy cao tính cạnh tranh ở giai đoạn 1, mọi CLB đều phải nỗ lực trong tất cả các trận, không thể chơi cầm chừng. Giai đoạn 2 càng kịch tính bởi cuộc đua bó hẹp, số trận đấu cũng ít nên lỡ sảy chân sẽ phải trả giá rất đắt. Ở mùa giải 2020, cuộc đua tới chức vô địch và trụ hạng đều diễn ra hấp dẫn tới vòng đấu cuối cùng.

Ưu tiên cho các đội tuyển quốc gia

Theo ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF, bất cứ phương án thi đấu nào cũng có mặt tích cực và hạn chế. Bản thân thể thức vòng tròn hai lượt thì giai đoạn cuối cũng có những đội đã đủ điểm sẽ chơi hời hợt.

“Vấn đề này chúng tôi không thể can thiệp bởi họ nói muốn để cầu thủ dự bị được chơi, cầu thủ trẻ cọ xát. Tới khi nào các đội thực sự quan tâm tới việc giữ gìn hình ảnh, luôn chơi hết mình thì mọi phương án đều sẽ được đón nhận”, ông Tú chia sẻ.

Cũng theo ông Tú, sở dĩ VPF đề xuất giữ nguyên thể thức như mùa giải 2020 là bởi quỹ thời gian không cho phép tổ chức đủ 26 vòng đấu. Quả đúng như vậy, nhìn vào lịch hoạt động của đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam sẽ thấy V-League sẽ phải ngắt quãng rất nhiều.

“Chỉ có cách rút ngắn thời gian tổ chức giải chuyên nghiệp thì các đội tuyển quốc gia mới được tạo điều kiện tốt nhất để tập huấn, thi đấu”, ông Tú quả quyết.

Trong khi đó, dù muốn V-League chơi theo thể thức cũ nhưng chuyên gia Lê Thế Thọ cũng cho rằng, phải tính toán kỹ bởi lịch thi đấu quốc tế năm 2021 rất dày đặc. Thậm chí, kế hoạch của đội tuyển quốc gia cũng có nguy cơ đảo lộn, thay đổi do dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, châu Á còn phức tạp. Khi đó, nếu phải điều chỉnh lịch V-League sẽ khó khăn hơn.

Bình luận viên Vũ Quang Huy nhấn mạnh, nếu thời gian thực sự không cho phép, V-League có thể diễn ra như thể thức mùa giải 2020. Mặc dù vậy, VFF và VPF phải đạt được sự đồng thuận, cam kết của tất cả các đội để tránh việc vào giải rồi lại nói qua nói lại.

Trong năm 2021, đội tuyển quốc gia sẽ hội quân 5 đợt để phục vụ vòng loại World Cup 2022 và AFF Cup (dự kiến từ 11/4 - 8/5): Đợt 1 từ 22 - 30/3, đợt 2 từ 31/5 - 8/6, đợt 3 từ 30/8 - 7/9, đợt 4 từ 4 - 12/10, đợt 5 từ 8 - 16/11.

Đội U23 Việt Nam sẽ dự vòng loại U23 châu Á tại Việt Nam từ 23 - 31/10. Sau đó là SEA Games 31. Ngoài ra, năm sau, Việt Nam sẽ có 3 đại diện dự các giải châu Á, gồm Viettel dự AFC Champions League (khởi tranh từ 8/2 - 27/11) và Hà Nội FC, Sài Gòn FC dự AFC Cup (khởi tranh từ 9/2 - 6/11).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.