Bóng đá

V-League không còn là miền đất hứa với tiền đạo ngoại

29/07/2020, 18:51

Về chất lượng, các chân sút ngoại không cho thấy sự vượt trội so với tiền đạo nội.

img
Pedro Paulo (phải) của Sài Gòn FC đang dẫn đầu danh sách làm bàn ở V-League 2020 cũng chỉ mới ghi được 7 bàn thắng

Dù vẫn đang chiếm ưu thế về số lượng trong cuộc đua giành danh hiệu “Vua phá lưới” ở V-League 2020, nhưng về chất lượng, các chân sút ngoại không cho thấy sự vượt trội so với tiền đạo nội.

Thiếu những “máy dội bom”

Trước khi tạm hoãn lần thứ hai vì đại dịch Covid-19, V-League 2020 đang diễn ra hết sức sôi nổi. Do thể thức thi đấu mới, các đội bóng đều nỗ lực thể hiện nhằm đảm bảo có được vị trí tốt sau giai đoạn 1. Tuy nhiên, dường như giải đấu số 1 bóng đá Việt Nam đang thiếu những chân sút cự phách, có khả năng ghi bàn đều đặn.

Theo thống kê từ Ban Điều hành giải, sau 11 vòng đấu, các chân sút ngoại đang chiếm ưu thế tuyệt đối trong danh sách làm bàn. Cụ thể, trong Top 15 cái tên phá lưới đối phương nhiều nhất, cầu thủ nước ngoài chiếm tới 13 suất. Phan Văn Long (SHB Đà Nẵng) và Nguyễn Công Phượng (TP HCM) là hai chân sút nội hiếm hoi lọt vào Top 15.

Chiếm ưu thế về số lượng nhưng tiền đạo ngoại không cho thấy sự vượt trội so với tiền đạo nội. Cụ thể, Pedro Paulo (Sài Gòn FC) - cầu thủ đang dẫn đầu danh sách làm bàn ở V-League 2020 mới sở hữu 7 bàn thắng. Xếp thứ 2 là tiền đạo Rimario (Hà Nội FC) với 6 bàn. Geovane (Sài Gòn FC), Gustavo (B.Bình Dương), Bruno (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh), Fagan (Than Quảng Ninh, đã sang khoác áo Hải Phòng)… đều sở hữu 5 bàn.

Trong khi đó, Công Phượng và Văn Long cũng đã có 4 lần nổ súng. Cạnh đó là hàng loạt cầu thủ nội đã ghi 3 bàn như: Hà Đức Chinh, Hồ Tuấn Tài, Nguyễn Xuân Nam, Hồ Tấn Tài. Nếu tính hiệu suất sau 11 vòng đấu, Pedro Paulo đạt 0,63 bàn/trận. Trong khi đó, Rimario đạt 0,54 bàn/trận còn Công Phượng, Văn Long đạt 0,36 bàn/trận. Chỉ ra vậy để thấy, khoảng cách giữa chân sút ngoại và chân sút nội tại V-League không quá chênh lệch.

Trong quá khứ, V-League từng chứng kiến nhiều chân sút ngoại cự phách, từng “làm mưa làm gió”. Hoàng Vũ Samson, Đỗ Merlo, Huỳnh Kesley, Jose Almeida… ở thời đỉnh cao có thể nổ súng liên tục, ghi hơn 20 bàn mỗi mùa. Dòng chảy V-League tiếp tục đưa nhiều tiền đạo ngoại cập bến bóng đá Việt Nam. Đáng tiếc, cho đến lúc này, chưa cái tên nào thực sự trở thành nỗi khiếp sợ như các đàn anh vừa nêu. Việc Samson, Merlo vẫn còn đang thi đấu và phải gồng gánh nhiệm vụ ghi bàn ở đội bóng chủ quản cũng phần nào cho thấy V-League thiếu hụt chân sút giỏi.

Thực tế, Omar, Rimario hay Bruno, Geovane, Fargan… đều được đánh giá cao nhưng đa phần các tiền đạo ngoại hiện nay đều có xu hướng chơi rộng, sẵn sàng dạt biên hoặc lùi sâu để kiến tạo khi cần. Cũng chính bởi vậy, dù số lượng bàn thắng dồn vào một nhóm cầu thủ nhưng số cầu thủ ghi bàn lại mở rộng. Tính ra, sau vòng 11, có tới 75 cầu thủ ở V-League 2020 nổ súng, tức mỗi đội trung bình sở hữu hơn 5 cái tên đã lập công.

Tuy nhiên, bình luận viên Vũ Quang Huy nhận định, về cơ bản lối chơi của các đội bóng V-League vẫn đang rất thuận lợi cho các tiền đạo ngoại và việc họ không thể có nhiều bàn thắng cho thấy chất lượng đang đi xuống. “Tiền đạo ngoại gần như không phải tham gia vào lối chơi, chỉ việc chạy và sút, mọi việc bên dưới đã có đồng đội lo. Cách chơi này nếu tìm được những cầu thủ làm bàn đẳng cấp thì sẽ rất bùng nổ. Đáng tiếc, các tiền đạo nước ngoài tới Việt Nam vài năm trở lại đây không có cái tên nào thực sự nổi bật”, ông Huy nhận xét.

V-League chưa tạo được sức hút với ngoại binh giỏi

img
V-League 2020 đang thiếu những tiền đạo ngoại đẳng cấp

Theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, nguyên nhân cơ bản nhất khiến V-League thiếu chân sút ngoại cự phách là do việc tuyển chọn, sử dụng chưa thực sự phù hợp. “Quy trình tìm kiếm ngoại binh của các đội bóng V-League khá bị động. Họ chờ cầu thủ tới xin việc hoặc chỉ lấy đi lấy lại của nhau nên nguồn cung hạn chế, việc chọn được cầu thủ chất lượng tốt mang tính chất hên xui. Đó là chưa kể những cơ chế đặc thù khiến nhiều cầu thủ không muốn tới Việt Nam chơi bóng”, ông Hải nhận định.

“Việc sử dụng cầu thủ ngoại cũng bất cập, chưa phát huy được năng lực của họ. Tôi lấy ví dụ như Rimario khi khoác áo Hà Nội FC chơi rất năng nổ, hiệu quả chứ không như tại HAGL. Còn nhiều trường hợp như vậy, tiền đạo ngoại chưa được đặt đúng chỗ hoặc chưa có sự hỗ trợ tốt nhất để tỏa sáng. Đương nhiên, cũng phải đề cập tới chất lượng những vệ tinh xung quanh. Đơn cử như Omar về Hà Nội FC chơi xuất sắc hơn khi còn đá cho Thanh Hóa nhờ có bệ phóng chất lượng”, ông Hải phân tích.

Nhìn rộng hơn, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng, việc V-League không còn duy trì được vị thế giải đấu số 1 Đông Nam Á đã khiến sức hút với những cầu thủ giỏi giảm đi đáng kể. “Cách đây khoảng 10 năm, V-League tự hào là giải đấu số 1 Đông Nam Á với tốc độ phát triển mạnh mẽ, cầu thủ nhận lương cao. Nhưng khi chúng ta mãi giậm chân tại chỗ, thậm chí có những tiêu chí còn tụt lại thì các giải Thái Lan, Malaysia… đã vươn lên”, ông Huy cho hay.

Cũng theo ông Huy, đa phần các cầu thủ tốt từ châu Mỹ, châu Phi sang Đông Nam Á đều chọn Thái Lan hoặc Malaysia dừng chân, số ít chọn Việt Nam. “Để hình dung dễ hơn, chúng ta thấy, cầu thủ đã chơi ở Thai League thì dễ dàng hòa nhập ở V-League nhưng cầu thủ V-League sang Thai League lại gặp khó khăn. Samson là một ví dụ, tiền đạo này từng được Buriram United chiêu mộ nhưng nhanh chóng bật bãi. Ngược lại, Ahn Byung-Keon đã chơi tại Thai League và gần như lập tức tỏa sáng ở V-League trong màu áo Sài Gòn FC”, bình luận viên Vũ Quang Huy lấy ví dụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.