Bóng đá

V-League và chuyện mạnh vì gạo, bạo vì tiền

31/05/2023, 06:30

Diễn biến tại V-League 2023 và những mùa gần đây đều cho thấy, những đội bóng mạnh về tài chính luôn có sức cạnh tranh tốt.

Giải đấu cao nhất bóng đá Việt Nam rất ít chứng kiến những đội bóng thiếu tiềm lực mà vẫn lên ngôi.

Có thực mới vực được đạo

img

Cả HAGL (bên phải) lẫn SHB Đà Nẵng đều đang đứng ở nửa dưới bảng xếp hạng V-League 2023. Ảnh: VPF

Sau vòng 9 V-League 2023, cục diện bảng xếp hạng không có nhiều thay đổi. Top đầu vẫn là Thanh Hóa, Công an Hà Nội, Hà Nội FC, Bình Định, Nam Định. Trong khi đó, TP.HCM, Bình Dương, SLNA, SHB Đà Nẵng, Khánh Hòa, HAGL ngụp lặn ở nửa dưới.

Ngoài phong độ đối nghịch, một chi tiết rất đáng lưu ý, đó là các đội bóng top đầu đa phần đều có nền tảng tài chính ổn định.

Ngược lại, nhìn vào những cái tên phía dưới, hầu hết đều từng là thế lực lớn nhưng nay đã sa sút bởi không còn được giới chủ đầu tư mạnh mẽ.

Bình Dương từng có 4 lần lên ngôi, SLNA có 3 lần, HAGL 2 lần, SHB Đà Nẵng 2 lần. TP.HCM tuy chưa vô địch V-League nhưng từng về nhì và được coi là thế lực mới của bóng đá Việt Nam.

Có thể thấy, tiền đang chi phối tới cuộc đua V-League 2023. Nhìn lại quá khứ, điều này cũng luôn đúng, kể từ thời điểm bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp. 18 nhà vô địch vào thời điểm lên ngôi đều có hầu bao rủng rỉnh.

Trường hợp duy nhất nằm ngoài nhóm này là SLNA - đội vô địch năm 2011. Dù vậy, đội bóng xứ Nghệ lại có nền tảng đào tạo trẻ cực tốt, sở hữu dàn cầu thủ vào độ chín khi bước lên ngôi cao nhất.

Ở góc độ nào đó, đội bóng xứ Nghệ được coi là con nhà nghèo học giỏi.

Nhưng cũng chính SLNA không thể thoát ra khỏi quy luật của bóng đá chuyên nghiệp - mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Việc đơn vị tài trợ gặp khó khăn khiến thày trò HLV Nguyễn Huy Hoàng rơi vào cảnh lo trước lo sau, khó tạo ra sức bật ở mùa giải năm nay.

Tương tự, Khánh Hòa từng chơi tốt tại V-League dù túi tiền không rủng rỉnh nhưng rốt cuộc vẫn phải xuống đá tại giải hạng Nhất cách đây 3 năm. Ngay cả khi trở lại, việc chi tiêu tiết kiệm khiến sức chiến đấu của đội chủ sân Nha Trang phần nào hạn chế.

Câu chuyện tỷ lệ thuận giữa nền tảng tài chính và sức mạnh chuyên môn không chỉ tồn tại ở bóng đá Việt Nam mà hiện hữu khắp mọi nơi trên thế giới.

Nhìn sang Ngoại hạng Anh, giải đấu vốn được coi là hấp dẫn nhất thế giới, Man City - đội sở hữu nền tảng tài chính hùng hậu bậc nhất giới túc cầu vừa có lần thứ 2 liên tiếp đăng quang.

Newcastle, đội bóng tầm trung nhưng mới được giới chủ Ả Rập bơm tiền, lập tức có vé dự Champions League. Chẳng nhìn đâu xa, ngay tại Thái Lan, nhà vô địch Buriram United cũng thuộc top những cái tên giàu có nhất Thai League.

Thiếu tiền, thiếu cả động lực?

Nói là vậy nhưng thực tế bóng đá chuyên nghiệp vẫn chứng kiến nhiều tấm gương vượt khó. Inter Milan mùa này là một ví dụ, tuy không vô địch Serie A nhưng đội bóng áo xanh đen đã đi tới trận chung kết Champions League với đội hình đa phần là những cầu thủ hết thời hoặc giá rẻ.

Năm 2016, bằng công thức tương tự, Leicester City đã vô địch Ngoại hạng Anh. Hay như Thanh Hóa, đội đang dẫn đầu bảng xếp hạng V-League, thật khó để coi đây là tập thể mạnh vì tiền. Điểm chung của ba cái tên trên là biết liệu cơm gắp mắm, xoay xở khéo léo bằng tiềm lực sẵn có.

Chính bởi vậy, theo HLV Triệu Quang Hà, tiền có vai trò quan trọng nhưng không hẳn quyết định tất cả: “Lẽ thường, ông chủ khi đầu tư nhiều tiền của, mua cầu thủ tốt, chế độ tốt thì sẽ thôi thúc được cả tập thể tiến lên. Nếu duy trì được công thức đó trong thời gian dài sẽ tạo nên đẳng cấp. Nhưng có tiền là một chuyện, định hướng đúng đắn mới tạo ra được đội bóng mạnh.

Vung tiền mua cầu thủ nhưng đem về những cái tên không phù hợp, không có triết lý chơi bóng rõ ràng thì cũng khó thành công. Chẳng phải bỗng dưng mà Hà Nội FC suốt nhiều năm qua dù qua các giai đoạn khác nhau họ vẫn là thế lực hàng đầu. Họ có tiền, có hướng đi rõ ràng là theo đuổi bóng đá kiểm soát dựa trên nền tảng cầu thủ tự đào tạo”.

Cũng theo HLV Triệu Quang Hà, với sự chênh lệch không quá lớn tại V-League, cơ hội để các đội bóng nhỏ, ít tiền vươn lên không hẳn không có. Dù vậy, đa phần đều thiếu mục mục tiêu và khát khao.

“Tôi biết nhiều đội bóng hiện tồn tại mà thiếu đích ngắm rõ ràng, nói cách khác là tồn tại cho có, không muốn tranh đấu, chỉ an phận. Chính điều này triệt tiêu sức cạnh tranh của họ và vô tình khiến giải đấu phần nào mất đi tính hấp dẫn”, ông Hà chia sẻ.

Trong khi đó, bình luận viên Vũ Quang Huy cho rằng, việc V-League không có nhiều CLB vươn lên được khi thiếu nền tảng tài chính dồi dào xuất phát từ thực trạng nền tảng đào tạo trẻ tại chỗ còn hạn chế.

“Thanh Hóa không nổi đình nổi đám về đào tạo trẻ nhưng đội hình của họ lại có quá nửa là cầu thủ bản địa, tính địa phương cao, quy tu được sức mạnh tập thể. Ngoài ra, họ cũng có sự tích lũy, kế thừa từ khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, cộng thêm một HLV giỏi nên đã tạo ra nhiều bất ngờ cho đối thủ”, ông Huy phân tích.

Cũng theo bình luận viên Quang Huy, nhiều đội bóng chuyên nghiệp tại Việt Nam không được tổ chức chặt chẽ nên thiếu sức chiến đấu: “Một CLB dù không quá dư giả tiền bạc nhưng nếu vận hành chặt chẽ, quy củ, dùng người đúng việc thì vẫn có thể tạo ra sức mạnh. Nếu quản lý theo kiểu tình cảm thì sẽ trở nên rời rạc, đây là tình trạng mà nhiều CLB Việt Nam mắc phải”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.