Xã hội

“Vạ miệng” vì... Tết

12/02/2015, 10:51

Cuối năm, tiệc tùng nhiều, người ngộ độc rượu, người thì ngộ độc thực phẩm, chưa chữa xong người này người khác đã đến.

211
Bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai)

Những ngày trước, trong và sau Tết, các bác sỹ phòng cấp cứu còn bận rộn hơn ngày thường, bởi ngày Tết, nhiều người dân quên mất thói quen ăn uống khoa học, xao nhãng thể dục thể thao, bỏ qua cả đơn thuốc hàng ngày... nên dễ phát bệnh đột ngột.

Chưa Tết đã nhập viện

Đã một tuần nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh tình của anh Lưu Xuân Linh (Long Biên, Hà Nội) vẫn không có tiến triển. Đôi mắt của anh đã bị mù vĩnh viễn, não liệt hoàn toàn vì uống quá nhiều rượu.

Chị Thơm (người nhà anh Linh) cho biết, cuối năm, anh Linh hết dự tiệc cơ quan lại tụ tập nhậu với bạn bè. Tuần trước, sau khi uống cùng bạn bè về, anh Linh có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và mờ mắt. Gia đình đã đưa anh đi khám ở bệnh viện gần nhà, được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa mắt rồi chuyển sang Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Đến đây, thì anh đã rơi vào tình trạng hôn mê hoàn toàn, dù đang được điều trị tích cực, nhưng khả năng hồi phục của anh Linh là không cao.

"Các biện pháp dự phòng ngộ độc thực phẩm ngày Tết: Không nên ăn quá no, uống quá nhiều trong một bữa và trong cả ngày; Không nên chế biến nhiều thực phẩm, để tủ lạnh lâu và nấu lại nhiều lần; Không nên ăn nhiều thịt, loại thực phẩm rán, chiên có nhiều dầu, mỡ; Hạn chế thực phẩm có đường ngọt; Không nên uống nhiều nước ngọt, hạn chế tối đa uống rượu và bia; Thức ăn cần nấu chín, hạn chế rau sống; Tránh lạnh, giữ sinh hoạt ngủ và ăn điều độ”.

GS. TS. Nguyễn Thị Dụ

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại khoa điều trị của Trung tâm Chống độc, gần 40 giường bệnh đã được nằm kín, bệnh nhân phần lớn là bị ngộ độc thức ăn, ngộ độc rượu. Chị Quỳnh, người nhà bệnh nhân Lương Văn T. cho biết, do uống nhiều loại rượu liên tiếp, anh T. bị sốc nhiệt, da tái xanh, ói mửa, thở chậm và hôn mê. Rất may, sau ba ngày điều trị, anh T. đã tỉnh táo nhưng vẫn bị viêm loét dạ dày.

“Cuối năm, tiệc tùng nhiều, người thì ngộ độc rượu, người ngộ độc thực phẩm. Cảnh tượng người này chưa chữa xong thì người khác đến. Bác sỹ vừa cấp cứu, bệnh nhân vừa nôn ọe, sộc mùi rượu cồn khiến ai nhìn cũng sợ tái mặt. Đấy là chưa đến Tết, mọi người chưa được nghỉ làm, đã lắm bệnh nhân thế. Không hiểu trong Tết, rồi sau Tết, rảnh rỗi hơn thì thế nào?”, chị Quỳnh thở dài.

TS. Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trường hợp bệnh nhân Lưu Xuân Linh bị mù mắt là do uống quá nhiều rượu có cồn công nghiệp (methanol) trong thời gian liên tiếp dẫn đến trụy mạch, mù mắt và liệt não. “Cứ vào dịp Tết, số ca ngộ độc rượu tăng lên là vì người dân uống quá nhiều rượu trong thời gian dài. Đặc biệt, tình trạng ngộ độc rượu trong thời gian qua không chỉ xảy ra ở các bệnh nhân nam mà còn cả ở những bệnh nhân nữ. Việc uống rượu chứa cồn công nghiệp với hàm lượng methanol vượt ngưỡng trên 0,05%, như vậy có thể gây mù mắt và tử vong cao”, TS. Sơn cảnh báo.

Dạ dày, tụy, gan luôn phải làm việc quá sức

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Khiêm (giảng viên Học viện Y học Cổ truyền Việt Nam), do tâm lý thoải mái ngày Tết nên hầu như ai cũng ăn chơi hết mình, ngay cả những người đang điều trị bệnh mãn tính. Khi người dân “ăn thoải mái, uống thả phanh”, dễ dẫn đến mất cân bằng các chất dinh dưỡng, gây hại cho sức khỏe. Chẳng hạn, ăn thịt và mỡ quá nhiều, dạ dày, tụy, gan luôn phải làm việc quá sức, tiết nhiều các enzym để tiêu hoá và chuyển hoá thức ăn sẽ gây ra đầy bụng hay viêm tụy cấp, gan nhiễm mỡ. Ăn đường, tinh bột quá nhiều có thể gây rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy, tăng đường máu...

Mải vui ngày Tết, các thói quen ăn kiêng, tập thể dục hàng ngày cũng bị nhiều người bỏ qua, thậm chí việc uống thuốc theo đơn cũng bị bệnh nhân quên lãng... Do đó, rất dễ xảy ra tình trạng người dân bị đột quỵ tim mạch, tăng huyết áp, mỡ máu...

GS.TS. Nguyễn Thị Dụ, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, không chỉ rượu, bia, việc người dân uống quá nhiều các loại nước ngọt (như pepsi, cocacola, nước cam...) trong dịp Tết cũng khiến cơ thể đột ngột phải tiếp nhận một lượng đường hoá học hay tự nhiên quá lớn, chất gây sinh hơi, đôi khi có thể bị nhiễm các chất độc như: Kim loại nặng, các hoá chất hữu cơ như povinylchlorides, các thuốc màu hoặc nhiễm nấm vi sinh vật...

“Ngoài ra, ngày Tết, các bà nội trợ có thói quen mua và dự trữ quá nhiều thực phẩm, từ thịt, giò, chả, nem, các loại thủy, hải sản, các loại bánh chưng, bánh ngọt, kẹo, mứt... nên sẽ khó khăn bảo quản để đảm bảo vệ sinh thực phẩm, đặc biệt các thực phẩm đã chế biến sẵn”, GS. TS. Nguyễn Thị Dụ cho biết.

Các bác sỹ cảnh báo, nếu thấy các triệu chứng dị ứng, ngộ độc thực phẩm như ngứa toàn thân, da nổi nhiều nốt sừng, cơ thể mệt mỏi, đau bụng và khó thở hoặc tiêu chảy... cần đưa đi viện ngay. Sau bữa ăn nhiều thịt, cá, uống nhiều rượu bia, thấy đau bụng vùng thượng vị, nôn ói dữ dội, người mệt yếu thì cần nghĩ tới bệnh viêm tụy cấp, bệnh này cực kỳ nguy hiểm.

“Những người bị tăng huyết áp nên duy trì uống thuốc đều đặn và thực hiện chế độ ăn kiêng. Không nên ăn đồ làm sẵn có nhiều muối và đường. Nếu thấy người mệt mỏi, nhức đầu thì nên đi kiểm tra ngay. Người có tiền sử bệnh tim mạch tuyệt đối không uống nhiều bia rượu và ăn quá no”, bác sỹ Nguyễn Văn Khiêm nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.