Doanh nghiệp

Vạch chiêu trốn thuế của các đại gia trong “Hồ sơ Paradise”

24/11/2017, 07:07

Theo các chuyên gia tài chính, việc đại gia mở trụ sở công ty tại các thiên đường thuế không có gì sai phạm...

17

Các quốc đảo thường được các đại gia coi là thiên đường để rửa tiền, trốn thuế (ảnh minh họa)

Những cái tên quen thuộc trong Paradise là ai?

Mấy ngày qua dư luận xôn xao về “Hồ sơ Paradise” do Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố. Tính tới hiện tại, Việt Nam có 92 thực thể nước ngoài, 22 cá nhân và 171 địa chỉ được nhắc đến trong “Hồ sơ Paradise” về rửa tiền, trốn thuế.

Trong số hàng chục công ty có trụ sở ở các thiên đường thuế liên quan đến Việt Nam thì có 14 công ty đặt tại quần đảo Virgin thuộc Anh, 11 công ty đặt tại quần đảo Cayman, số còn lại đặt tại Panama, Bahamas và quần đảo Cook. Một số tổ chức, cá nhân trong hồ sơ có liên quan tới một số cái tên và địa danh trên lãnh thổ Việt Nam như: Phú Quốc, Hội An, Furama, Hà Nội, TP.HCM…

"Đa số DN khi làm ăn người ta muốn sòng phẳng, minh bạch thì vẫn tốt hơn. Bởi vậy, nhìn lại xem những công ty nổi tiếng trên thị trường đều không có tên trong “Hồ sơ Paradise”. Những doanh nghiệp thành lập ở những quốc đảo thiên đường thuế thường không phải là những doanh nghiệp bình thường và thuộc số không phổ biến."

Ông Trần Thanh Hải
Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Vàng Việt Nam

Dữ liệu của ICIJ cũng cho thấy  nhiều cái tên quen thuộc trong giới đầu tư Việt Nam như: VinaCapital, Dragon Capital... Cụ thể, hai cá nhân của Tập đoàn VinaCapital là ông Don Lam, Tổng giám đốc và ông Taylor - Brook Colin cùng nằm trong danh sách của ICIJ. Trong khi đó, người đứng đầu Dragon Capital là ông Dominic Scriven có tên trong danh sách này bên cạnh hai cá nhân khác là ông Shrimpton - John và Lockwood - Mark. Hai cá nhân khác làm việc tại Quỹ Indochina Capital là Pham - Brian Quan và ông Ryder - Peter Raymond. Ông Nguyen - Louis T là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Saigon Asset Management…

Sau vài ngày thông tin từ “Hồ sơ Paradise” được tiết lộ, những đại gia có tên trong danh sách này chưa một lần thực sự lên tiếng. Tuy nhiên, cũng có đại gia khẳng định, việc lọt vào danh sách này “không khẳng định điều gì”. 

Những cá nhân ở Việt Nam chuyển ngoại tệ đi thế nào?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Vàng Việt Nam, chuyên gia ngành tài chính cho hay: Panama, Virgin hay Bahamas đều là những cái tên được mệnh danh là những thiên đường thuế quan bởi mức thuế ở đây rất ưu đãi, đồng thời việc thành lập các công ty lại tương đối dễ dàng. “Việc các đại gia bên ngoài kinh doanh tại những thiên đường thuế có thể không sai phạm gì. Tuy nhiên, cũng chính bởi những nơi này được ưu đãi về chính sách thuế, dịch vụ và nhiều thủ tục khác nên khả năng trốn thế cũng có thể xảy ra”, ông Hải nhận định.

Trước câu hỏi làm thế nào để kiểm soát những cá nhân, doanh nghiệp ở Việt Nam có tên trong “Hồ sơ Paradise”, ông Hải cho rằng, nguyên tắc doanh nghiệp Việt đầu tư ở nước ngoài phải đăng ký với Bộ KH&ĐT. “Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu họ có đăng ký với Bộ KH&ĐT, ngoại tệ chuyển đi được cấp phép, hồ sơ pháp lý, dự án đúng quy định. Bởi lẽ theo luật, cá nhân, doanh nghiệp chỉ có thể chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trong các trường hợp sau: Doanh nghiệp xuất nhập khẩu, có các dự án đầu tư nước ngoài hợp pháp. Thứ hai, đối với cá nhân định cư ở nước ngoài, sẽ được căn cứ theo hồ sơ pháp lý cụ thể nhà cửa, vàng… như thế nào mới được phép mang đi. Ngoài ra, còn có các trường hợp như đi du lịch, học tập, khám chữa bệnh… Như vậy, việc người Việt có tên trong danh sách đó cần kiểm tra lại giấy phép đăng ký kinh doanh cụ thể xem đứng tên ai, có đăng ký với Bộ KH&ĐT hay không, chuyển ngoại tệ đi đầu tư như thế nào. Qua đó, chúng ta có thể hoàn toàn kiểm tra, kiểm soát được”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, ông Hải cũng không loại trừ trường hợp doanh nghiệp Việt để người thân ở nước ngoài đứng tên sẽ rất khó để cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra. Ngoài ra, vị chuyên gia tài chính cũng nêu thực trạng: Mục đích thành lập ở những quốc đảo thiên đường thuế của DN nước ngoài nhằm được hưởng những ưu đãi về thuế, dịch vụ, phí của nước sở tại. Vì vậy, họ sẽ tận dụng ưu thế này để kiếm tiền. “Không tránh khỏi trường hợp họ vừa có công ty ở Việt Nam lại vừa có công ty ở các thiên đường “trốn thuế”. Thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam là 22%, nhưng thuế ở thiên đường ấy lại có thể là 0%. Vậy để giảm số tiền bị đánh thuế tại Việt Nam thì đơn vị này chỉ cần để phần lớn thu nhập ở phía quốc gia có ưu đãi là đã tránh được rất nhiều khoản thuế. Trường hợp này đứng ở chừng mực nào đó cũng là trốn thuế”, ông Hải nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.