Thị trường

Vải thiều sạch “ngóng” đầu ra

21/05/2015, 14:46

Gần 60 ha vải thiều ở thôn Kép 1 chưa có doanh nghiệp nào đặt hàng dù mùa thu hoạch vải đến rất gần.

41
Dù vườn vải của anh Lưu đã chuyển màu chín nhưng vẫn chưa nhận được hợp đồng nào

Gần 60 ha vải thiều ở thôn Kép 1, xã Hồng Giang (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào đặt hàng dù mùa thu hoạch vải chỉ còn tính từng ngày.

Chưa thấy “đầu ra”

Đang phun thuốc cho gần 300 gốc vải thiều với quy trình sản xuất sản phẩm sạch, anh Trần Văn Nam (thôn Kép 1, xã Hồng Giang) cho biết, để vựa vải của nhà mình “lọt” vào chương trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP và có cơ hội xuất khẩu sang Mỹ, anh đã quy hoạch lại vườn, khu chăn nuôi, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định; chăm sóc cây theo đúng quy trình sản xuất vải sạch và ghi nhật ký làm vườn đầy đủ theo hướng dẫn; không thả gà, vịt hay trồng xen lẫn với loại cây khác...

“Nhưng hiện vải thiều đạt tiêu chuẩn sản xuất sạch đã chuyển màu chín mà chưa có đơn vị nào đến đặt hàng. Phía chính quyền địa phương cũng mới chỉ nói là đang kết nối các doanh nghiệp, thị trường chứ chưa có thông tin cụ thể địa chỉ đầu ra, số lượng bao nhiêu và chọn vựa vải của hộ gia đình nào”, anh Nam lo lắng.

"Số lượng vải thiều được cấp mã vùng để xuất khẩu chỉ có 60,38ha với sản lượng khoảng 500 tấn, trong đó riêng Mỹ đã cấp “quota” tới 600 tấn. Hiện Vietnam Airlines cũng có chủ trương sẽ đưa vải thiều làm món tráng miệng lên tất cả các chuyến bay đi châu Âu, Mỹ. Do đó, người trồng vải sạch yên tâm”.

Ông Trần Quang Tấn
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn

Anh Nguyễn Văn Lưu (thôn Kép 1) có 250 gốc vải chuẩn bị thu hoạch với sản lượng khoảng 10 tấn cũng băn khoăn: “Đầu năm 2015, một Việt kiều Mỹ đến thăm vườn và gật gù vì thấy người dân chăm sóc theo đúng tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhưng họ chưa hứa hẹn mua bán gì cả. Hiện chỉ thấy một số thương lái trong nước và Trung Quốc đã đến thăm dò tại vườn, nhưng cũng chưa ai mở lời mua hay định giá”.

Theo ông Giáp Văn Vang (trưởng thôn Kép 1), trong thôn có gần 60 ha vải sản xuất theo đúng tiêu chuẩn GlobalGAP để xuất sang Mỹ. Những tiêu chuẩn do nhà nhập khẩu đưa ra rất khắt khe như cấm người trồng sử dụng năm hoạt chất cấm phun lên cây, yêu cầu phải bọc quả vải trong túi ni-lông 21 ngày trước khi thu hoạch... “Chúng tôi đã thực hiện tốt việc không dùng năm hoạt chất cấm nhưng quy định về bọc ni-lông thì không nông dân nào dám mạo hiểm bởi trái dễ hư, nếu hư thì không ai đền vì chưa có cam kết gì cả. Chỉ hy vọng phía doanh nghiệp mua vải sạch xuất khẩu đi Mỹ sẽ thông báo trước và chính xác thời điểm mua để nông dân chúng tôi yên tâm chăm sóc và chờ đợi”, ông Vang đề xuất.

Phập phồng lo ép giá

Năm 2014, hơn 10 tấn vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang được giám sát trên cơ sở thực hiện sản xuất vải theo tiêu chuẩn VietGAP với xuất xứ rõ ràng đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Năm 2015, người trồng vải Lục Ngạn hy vọng sẽ chào hàng thành công và xâm nhập được thị trường Mỹ, Nhật, Úc. Tuy nhiên, hiện phần lớn nông dân vẫn phập phồng lo lắng cho “đầu ra” của vải. Ông Nguyễn Văn Đông (Giám đốc HTX sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang) cho biết: “Những năm trước, vải thiều Bắc Giang chủ yếu do thương lái Trung Quốc thu gom và quyết định giá. Năm nay, thương lái Trung Quốc đã sang Lục Ngạn đặt cơ sở sản xuất thùng xốp để đựng hàng với số lượng nhiều gấp đôi năm ngoái. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn muốn bán cho những thị trường cao cấp và ổn định hơn như Nhật hoặc Mỹ bởi thị trường Trung Quốc thường lắm rủi ro cả về đầu ra lẫn giá bán”.

Trước những lo lắng của người dân, ông Chu Văn Báo (Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn) khẳng định: “Chúng ta đã sản xuất được sản phẩm sạch rồi thì không lo đầu ra, người dân hoàn toàn có thể yên tâm với vải thiều sạch của mình. Vải thiều trồng theo VietGAP và GlobalGAP chắc chắn sẽ cao hơn giá thị trường 10% và đến thời điểm này đã có Công ty Rồng Đỏ (TP HCM) ký hợp đồng với vùng vải mã 6 của 17 hộ dân”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.