Trong nước

Vẫn bệnh thành tích

13/11/2014, 15:55

Một gia đình nọ rất đông con nhưng lại chỉ có cậu út học hành giỏi giang, khôi ngô tuấn tú. Vậy nên đi đâu cha mẹ cũng muốn đưa cậu út đi cùng để được "nở mày nở mặt" với bạn bè.

Đã từ lâu, bóng đá Việt Nam không đem lại được cảm xúc cho người hâm mộ, nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi lứa U19 HAGL ra lò. Những cầu thủ được đào tạo bài bản trong trung tâm huấn luyện bóng đá trẻ hợp tác với Arsenal đã khơi dậy đam mê cho người xem bằng vũ điệu đắm say trên sân cỏ. Cùng với thành tích lọt vào VCK U19 châu Á, U19 Việt Nam với nòng cốt là U19 HAGL vô hình chung trở thành “cái phao” cho cả nền bóng đá nước ta. Thế là dù mới 18,19 tuổi nhưng các cầu thủ U19 Việt Nam liên tục phải đá hết giải này đến giải nọ. Có lẽ những người đứng đầu bóng đá Việt Nam muốn cho bạn bè biết rằng bóng đá Việt Nam vẫn đang khởi sắc. Chưa hết, U19 Việt Nam còn được ca ngợi hết lời và trở thành món hàng hot cho truyền thông khai thác, mổ xẻ dù chỉ là chi tiết nhỏ nhất.

Trong suốt một thời gian dài, U19 Việt Nam khiến người ta quên mất rằng ĐTVN đang khổ luyện chờ tới ngày dự AFF Suzuki Cup 2014. Chỉ đến khi giải U21 Báo Thanh niên khép lại, nhiều người mới nhận ra ĐTVN và AFF Cup mới là mục tiêu hàng đầu của bóng đá Việt Nam trong năm 2014.

Chứng kiến “cậu út” U19 được cưng chiều, các “ông anh” không thể không nóng mặt. Thế mới có chuyện U21 Việt Nam “chặt chém” không thương tiếc U19 HAGL khi hai đội gặp nhau tại giải U21 Báo Thanh niên. Mọi chuyện có lẽ đã dừng lại sau khi U19 HAGL có được chức Vô địch giải U21 Báo Thanh niên. Thế nhưng, việc Bộ GD&ĐT cử đội bóng Trường ĐH Sư phạm TDTT TP HCM (nòng cốt là lứa U19 HAGL mới nhập học) tranh tài tại Đại hội TDTT sinh viên Đông Nam Á diễn ra ở Indonesia vào tháng 12 tới lại khiến dư luận dậy sóng.

Rất nhiều sinh viên đang tham dự Đại hội TDTT sinh viên toàn quốc bày tỏ sự chán nản bởi các em đã nỗ lực hết mình với hi vọng sẽ được đại diện cho Việt Nam thi đấu tại Đại hội TDTT sinh viên Đông Nam Á. Bấy lâu nay, chúng ta kêu gọi xã hội hóa thể thao nhưng khi làm lại không dám gạt đi tư tưởng thành tích.

Trong xu thế xã hội hóa, bóng đá học đường cũng là một mắt xích quan trọng. Để có được một đội bóng sinh viên mạnh phải tạo được sân chơi công bằng, hấp dẫn đủ để các em thấy hứng thú và thể hiện tất cả những phẩm chất tốt nhất của mình. Cách làm của ngành Giáo dục chẳng khác nào "cái tát" vào niềm đam mê của các em sinh viên. Trước sức ép từ dư luận, ngành Giáo dục đã phải gác lại ý định để đội bóng của Trường ĐH Sư phạm TDTT TP HCM tranh tài tại Indonesia. Dẫu vậy, đây chỉ là quyết định mang tính tình thế. Quan trọng nhất là tư tưởng làm thể thao, làm bóng đá ở Việt Nam vẫn chưa thực sự có tầm, có tâm…

Hàm Yên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.