Hồ sơ tài liệu

Vẫn chật vật cứu trợ và khôi phục sau động đất Nepal

05/05/2015, 09:04

10 ngày sau thảm họa động đất, Nepal đang chật vật khắc phục hậu quả và cứu trợ các nạn nhân.

111
Hàng nghìn người dân Nepal trắng tay sau động đất

Vẫn còn nhiều người mất tích

Sau nhiều ngày quá tải, các bệnh viện tại Nepal bắt đầu “dễ thở” hơn. Tờ Kathmandu Post cho biết, lượng bệnh nhân đến Trung tâm y tế Kathmandu giảm từ 2 nghìn người lúc đỉnh điểm, xuống còn 200 người. Thông tin cập nhật về tổng số người thiệt mạng trong hai ngày gần đây bớt gây giật mình hơn so với những ngày trước. Đến chiều 4/5, tổng số nạn nhân thiệt mạng là 7.276 người. Dù vậy, trước đó, tướng Gaurav Rana, Chỉ huy quân đội Nepal nhận định số người thiệt mạng có thể từ 10 - 15 nghìn người, bởi còn nhiều người mất tích chưa tìm thấy.

Hôm qua, lực lượng cứu hộ tìm thấy 100 thi thể du khách và người dân địa phương bị tuyết vùi lấp sau động đất, tại một ngôi làng gồm 55 nhà nghỉ, cách Kathmandu 60km về phía Bắc. Cùng ngày, EU quyết định hỗ trợ thêm cho Nepal 16,6 triệu euro và sẽ chuyển tới Nepal cuối tuần này.Mặc dù phần lớn các tuyến đường đã bị hư hại, nhưng giới chức Nepal quyết định không đóng cửa dịch vụ leo đỉnh Everest. Quyết định leo núi hay không là do các du khách. Mỗi du khách thường phải bỏ ra 11 nghìn USD cho mỗi lần leo lên đỉnh núi này, hiện có khoảng 360 người đăng ký leo núi mùa hè này.

Các tài xế taxi tại Nepal sẵn sàng chở các nhân viên cứu hộ tới những khu vực vùng sâu vùng xa với mức giá rất phải chăng bất chấp địa hình hiểm trở. Nhiều khách sạn mở cửa cho những người dân mất nhà cửa nương náu. Anh Ramesh Giri, quản lý khách sạn Manang ở lại Thủ đô để hỗ trợ các nạn nhân trong khi nhà của anh tại Sindhupal Chowk sập nát. Anh nói: "Phần lớn nhân viên khách sạn đều xin nghỉ. Nhưng chúng tôi vẫn mở cửa, phục vụ đồ ăn 24/24h".

Hiện, Chính phủ Nepal kêu gọi nhân viên cứu hộ nước ngoài tại Thủ đô Kathmandu quay trở về nhà. Bộ trưởng Thông tin Minendra Rijal cho biết, công tác cứu hộ tại Kathmandu và khu vực lân cận đã hoàn tất. Phần việc còn lại, đội cứu hộ địa phương có thể tự đảm nhiệm được. Nếu vẫn ở lại, có thể hợp tác với cảnh sát và cứu hộ địa phương hỗ trợ cứu nạn ở các vùng sâu, vùng xa - những nơi khối lượng công việc vẫn còn nhiều. Một nạn nhân ở làng Pauwathok, cách Kathmandu 50 km cho biết: “Chưa có ai đến đây. Chúng tôi chưa nhận được sự giúp đỡ nào, chúng tôi tự lo cho nhau bằng những thứ ít ỏi còn sót lại”.

Không đón được máy bay cứu hộ

Tới nay, đã có 4.050 nhân viên cứu hộ từ 34 quốc gia khác nhau đến Nepal để hỗ trợ công tác cứu hộ. Trong khi đó, một mặt, Nepal kêu gọi thế giới hỗ trợ nhân đạo hàng hóa, nhu yếu phẩm; Mặt khác, họ bị đánh giá chưa thực sự hợp tác, tạo điều kiện cho công tác cứu trợ quốc tế. Một bộ phận giới chức Nepal e ngại vấn đề an ninh quốc gia bị đe dọa khi các nước trên thế giới đưa binh lính và máy bay tới cứu hộ. Trước đó, ngày 3/5, các đảng đối lập đặc biệt là Đảng Cộng sản Prachanda, Đảng Kisan Mazdoor lo ngại việc quân đội Ấn Độ đưa binh lính cùng một số trực thăng sang tham gia cứu trợ.

Cùng ngày, giới chức Nepal tạm thời đóng cửa sân bay chính tại Kathmandu đối với những loại máy bay lớn chở hàng cứu trợ vì sợ hỏng đường băng. Ông Birendra Shrestha, Quản lý sân bay quốc tế Tribhuwan giải thích: "Thiết kế sân bay chỉ có thể đón được các loại máy bay tầm trung trở xuống, không kham được những loại máy bay quân sự lớn, máy bay chở hàng. Đã có nhiều báo cáo về hiện tượng nứt đường băng, cùng một số vấn đề khác tại sân bay này”.

Trước sự việc này, điều phối viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Nepal ông Jamie McGoldrick nói: "Điều mà các bạn cần đặt lên hàng đầu lúc này là công tác tiếp đón lượng hàng cứu trợ khổng lồ đang trên đường tới và xử lý tình trạng các đội tìm kiếm cứu hộ kẹt tại sân bay". Dù vậy, ông nhận định, tình hình đang dần được khắc phục, sau khi Chính phủ nới lỏng quy định hải quan cùng một số rào cản chồng chéo khác. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.