Văn hóa - Giải Trí

Vẫn chuyện tác quyền!

10/01/2019, 07:20

Chưa bao giờ, câu chuyện bản quyền trong làng nhạc Việt thôi trở thành chủ đề được đưa ra bàn luận.

chau-dang-khoa

Nhà thơ Linh Linh cân nhắc việc kiện Châu Đăng Khoa

Những ngày qua, chàng “phù thủy tạo hit” Châu Đăng Khoa liên tiếp vướng vào những rắc rối liên quan tới bản quyền ca hát. Ca khúc “Tình nhân ơi” của Châu Đăng Khoa bị nhạc sĩ người Hàn Quốc Lee Jung Ho tố đạo nhạc ca khúc “Nước mắt” của người này được viết từ năm 2006. Thậm chí, người này còn đe dọa sẽ khởi kiện Châu Đăng Khoa ra tòa. Sau đó, Châu Đăng Khoa đã phải có những chia sẻ khá dài, những bản phân tích để chứng minh mình không đạo nhạc.

Lùm xùm đạo nhạc chưa qua, nam nhạc sĩ trẻ lại tiếp tục vướng vào nghi án đạo thơ. Theo đó, ca khúc “Tình nhân ơi” tiếp tục bị tố sử dụng thơ của tác giả Linh Linh vào bài hát. Bản thân Châu Đăng Khoa cho biết, anh thường dạo internet, đọc thơ văn lấy cảm hứng sáng tác. Có nhiều nơi không để nguồn thơ nên anh cũng không biết tác giả là ai. Nam nhạc sĩ sinh năm 1990 thừa nhận, anh đã sai vì sơ ý trong việc kiểm tra nguồn và đã sửa lỗi bằng cách xin tác giả cho mình trả chi phí tác quyền đoạn thơ đó.

Người tình cũ của Ngọc Trinh - tỷ phú Hoàng Kiều cũng đang gây xôn xao khi tuyên bố khởi kiện Công ty Sky Music (đơn vị kinh doanh nhạc trực tuyến và từng vướng lùm xùm về bản quyền) vì sử dụng bài hát mà chưa xin phép bản quyền. Theo đó, tỉ phú Hoàng Kiều (cháu của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ) đã ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) giải quyết vụ việc, khởi kiện Sky Music vì đã sử dụng tác phẩm của Hoàng Thi Thơ mà không xin phép. Ông Hoàng Kiều đòi đền bù 150.000 USD/bài.

Có thể nói khi âm nhạc phát triển, vấn đề bản quyền ngày càng trở nên phức tạp và dường như đã trở thành một chuyện hiển nhiên xảy ra trong xã hội. Giới văn nghệ sĩ Việt luôn bày tỏ sự bất bình vì vấn nạn vi phạm bản quyền tràn lan và ngày càng tinh vi ở Việt Nam, nhưng điều này vẫn chưa thể tháo gỡ và xử lý triệt để.

Chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng than thở, từ trước đến nay, đã có nhiều vụ việc vi phạm bản quyền nhưng chưa có tiền lệ về một vụ kiện. Cách xử lý trong thực tế khiến cho những người làm sai cũng không có gì phải sợ. Dù rằng, Luật Sở hữu trí tuệ đã được ban hành từ năm 2005, đã quy định rõ về hành vi xâm phạm quyền tác giả nhưng vẫn chưa thể giải quyết hay bảo vệ được những người làm sáng tạo vì theo như đại diện của VCPMC: “Do ý thức kém của các bên xâm phạm và hình phạt chưa đủ sức răn đe”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.