Thời sự

Vẫn còn hàng ngàn liệt sĩ chưa xác định được danh tính, quê quán

01/09/2014, 21:17

Tại nghĩa trang đường 9 và nghĩa trang Trường Sơn có 1.000 liệt sĩ có tên, tuổi nhưng chưa xác định được quê quán. Thậm chí còn hơn 6.000 liệt sĩ vẫn chưa xác định được tên, tuổi quê quán.

Vào những ngày ngày này, nghĩa trang Quốc gia Đường 9 và nghĩa trang Trường Sơn, tỉnh Quảng Trị là hai địa điểm mà các đoàn cựu chiến binh khắp mọi miền đất nước tìm về thăm lại chiến trường xưa, thắp nén nhang cho những người đồng đội đang nằm yên nghỉ tại đây.

Các lực lượng vũ trang thắp nén nhang tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Quốc gia Đường 9
Các lực lượng vũ trang thắp nén nhang tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Quốc gia Đường 9

Tìm người thân ở nghĩa trang lớn nhất nước

Chị Cao Thị Kim Dung ở Phúc La, Hà Đông, Hà Nội theo đoàn cựu chiến binh vào nghĩa trang Trường Sơn tìm mộ của anh trai là liệt sĩ Cao Đức Nghĩa hy sinh năm 1972, được quy tập đưa về an táng tại nghĩa trang Trường Sơn. Sau một hồi lâu tìm kiếm dưới sự giúp đỡ của những người tìm mộ “bất đắc dĩ” là những đứa trẻ sống gần nghĩa trang, chị đã khóc nức nở khi tìm được mộ của anh trai mình ở khu 2, khu mộ dành cho các liệt sĩ tỉnh Hà Tây (cũ), Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình.

Những giọt nước mắt đã rơi theo lời tâm sự của chị. Chiến tranh đã lùi xa 39 năm, nhưng đây là lần đầu tiên chị mới có dịp vào nghĩa trang Trường Sơn để tìm mộ của anh trai mình. Chị chỉ mang vội một đóa cúc trắng, cùng một bộ áo binh để đốt trước mộ của anh trai.

Từng công tác tại viện quân y 103 ở Hà Nội, nay đã về hưu, thiếu tá Đỗ Thị Hiên ở Phúc La, Hà Đông cũng theo đoàn cựu chiến binh vào tìm mộ của người thân. Bà đã tìm được mộ của người cậu là liệt sĩ Ngô Công Chức tại nghĩa trang Trường Sơn, nhưng vẫn chưa tìm được mộ của anh trai mình là liệt sĩ Đỗ Quang Phú.

Theo lời kể của đồng đội của anh trai, thì anh bà hy sinh năm 1972 do bị địch ném bom tại chân núi Dài, nay là huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang trong một lần đưa đoàn cán bộ miền Nam ra miền Bắc họp. Cho đến  nay bà vẫn chỉ biết tung tích của anh trai mình ngang đó và chỉ mong có ngày bà có thể vào miền Nam tìm được hài cốt của anh trai, đưa về Hà Tây để an táng.

Bà Đỗ Thị Hiên bên cạnh ngôi mộ của người cậu là liệt sĩ Ngô Công Chức.
Bà Đỗ Thị Hiên bên cạnh ngôi mộ của người cậu là liệt sĩ Ngô Công Chức.

Hàng ngàn liệt sĩ vẫn chưa xác định tên, quê quán

Nghĩa trang Trường Sơn được xây dựng vào tháng 5.1975  và hoàn thành vào năm 1977. Đây là nơi an nghỉ của 10.263 liệt sĩ đến từ mọi miền của tổ quốc, được các cựu chiến binh là bộ đội từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Trường Sơn quy tập về đây, đa số là liệt sĩ hy sinh từ năm 1959 cho đến năm 1975.

Với số lượng mộ liệt sĩ lớn như vậy, nghĩa trang Trường Sơn được chia làm 5 khu mộ, các liệt sĩ các tỉnh gần nhau nằm một khu, để người thân và đồng đội dễ tìm về để thắp nén nhang lòng. Mặc dù được chia làm 5 khu mộ, nhưng việc tìm ra mộ của đồng đội và người thân cũng rất là khó khăn. Bên cạnh những mộ liệt sĩ đã xác định được tên tuổi, quê quán, vẫn còn 68 liệt sĩ chưa xác định được. 

Cùng với nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Quốc gia Đường 9, TP. Đông Hà là nơi có số lượng liệt sĩ đang yên nghỉ lớn nhất nước. Ông Ngô Thanh Hoài, Trưởng Ban quản lý nghĩa trang Quốc gia Đường 9 cho biết, với quy mô diện tích 15ha, hiện nay nghĩa trang Quốc gia Đường 9 đang là nơi yên nghỉ của hơn 10.500 liệt sĩ, thuộc các quân binh chủng khắp mọi miền của đất nước. Hàng năm nghĩa trang tiếp nhận khoảng 100 liệt sĩ được quy tập về đây. Hiện nay, tại nghĩa trang có 1.000 liệt sĩ có tên, tuổi nhưng chưa xác định được quê quán. Bên cạnh đó còn có hơn 6.000 liệt sĩ vẫn chưa xác định được tên, tuổi quê quán. Đa số các liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây thuộc Đoàn 559 làm nhiệm vụ mở tuyến, sửa chữa đường mòn Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

Võ Thanh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.