Thời sự

Vấn đề Biển Đông nhìn từ Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 6

17/11/2014, 20:38

Trong 2 ngày 17/18 -11, Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 6 với chủ đề "Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực" đã diễn ra tại TP biển Đà Nẵng.

 

 

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến phát biểu tại hội thảo.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo lần này do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đồng phối hợp tổ chức. Đó là sự tiếp nối các nỗ lực tăng cường trao đổi, tìm hiểu quan điểm của giới học giả và nhà tư vấn chính sách trong và ngoài khu vực về vấn đề Biển Đông - nằm trong chuỗi hội thảo quốc tế hằng năm về Biển Đông được tổ chức từ 2009.

Là "chủ nhà”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến cho biết: “Đà Nẵng là một trong những địa phương của đất nước hướng ra Biển Đông, các diễn biến trên biển, căng thẳng hay hoà dịu tại đây đều tác động trực tiếp đến môi trường an ninh, phát triển kinh tế và ổn định xã hội của thành phố. Hơn lúc nào hết, tình hình Biển Đông hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về một giải pháp lâu dài cho các tranh chấp trong khu vực này. Vấn đề Biển Đông chỉ có thể được giải quyết dựa trên nhận thức đầy đủ, hiểu biết sâu sắc về các thách thức cũng như cơ hội đặt ra hiện nay và với sự chủ động, nỗ lực tích cực dựa trên tinh thần hợp tác của tất cả các bên liên quan khi đối mặt với những thách thức và cơ hội đó”.

Đại diện khu vực, ông Mr. Myint Thu, Phó Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao Myanmar, nước Chủ tịch ASEAN đương nhiệm, khẳng định trong năm chủ tịch của Myanmar, vấn đề Biển Đông luôn là một ưu tiên cao của ASEAN. Lãnh đạo ASEAN đã ra nhiều tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), Tuyên bố nguyên tắc Sáu Điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Đáp lại ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao khẳng định, nguyên tắc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng DOC và tiến tới COC, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình đã trở thành tiếng nói và đòi hỏi chung của cộng đồng quốc tế đối với các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông.

Do đó, tình hình Biển Đông càng phức tạp thì càng gia tăng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta càng cần nỗ lực lớn hơn, sáng tạo hơn để công chúng quan tâm hơn tới Biển Đông; giới lãnh đạo các nước tính toán kỹ hơn lợi ích của chính mình, của dân tộc mình trước khi quyết định tiến hành các hoạt động ở Biển Đông và liên quan đến Biển Đông để thiết lập các cơ chế kiểm soát hiệu quả tranh chấp, ngăn ngừa xung đột ở Biển Đông.

Có thể nói, hội thảo Biển Đông lần thứ 6 này đã, đang và sẽ tạo ra diễn đàn và cơ hội cho các học giả trao đổi quan điểm, biện pháp giúp ASEAN và các bên liên quan tìm các giải pháp hữu hiệu nhằm “cải thiện” tình hình căng thẳng trên biển Đông.

Nga Dương

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.