Chính trị

Vấn đề Biển Đông: Việt Nam - ASEAN tôn trọng luật pháp quốc tế

18/08/2016, 16:01
image

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình...

13924884_1194482730615887_8282218439693740735_n

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn báo chí sáng 18/8. 

Sáng nay (18/8), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn với báo chí, với chủ đề: “Các vấn đề đối ngoại và ngành ngoại giao Việt Nam”.

Biển Đông luôn “nóng” trên mọi diễn đàn

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã trả lời các câu hỏi liên quan tới 3 chủ điểm chính: Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 sắp tổ chức tại Hà Nội, các vấn đề nóng của thế giới hiện nay và chính sách đối ngoại của Việt Nam, tình hình Biển Đông.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh, về đường lối ngoại giao, Nhà nước Việt Nam duy trì các phương châm “Làm bạn với tất cả các nước”, “Thêm bạn bớt thù”, nhằm phát triển mối quan hệ tốt với các nước hiện nay, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thành lập Cục Ngoại vụ để hỗ trợ công tác ngoại giao tại các tỉnh, thành trong cả nước. Cục Ngoại vụ (từ năm 2013 tới nay) đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, sát cánh cùng các địa phương thực hiện tốt công tác đối ngoại.

Liên quan tới tình hình Biển Đông vốn được dư luận hết sức quan tâm hiện nay, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, chủ trương của Việt Nam cũng như của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về vấn đề Biển Đông luôn có một mẫu số chung, là: Tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, thông qua đàm phán và đối thoại.

Về phán quyết của Tòa Trọng tài Phụ lục VII theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982 ngày 12/7, liên quan tới vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng, Phó Thủ tướng nói: “Cần phải xác định rằng, Tòa Trọng tài ở đây không giải quyết tranh chấp giữa các bên. Tòa Trọng tài quốc tế trong vụ kiện Biển Đông đã giải thích rõ luật pháp quốc tế, giải thích và làm rõ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS)”.

Trước đó, ngày 12/7, Tòa Trọng tài Phụ lục VII theo Công ước LHQ về Luật biển 1982 đã ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông, do Philippines khởi xướng - kiện Trung Quốc về những yêu sách phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Phán quyết của Tòa khẳng định, không có cơ sở pháp lý đối với cái gọi là “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh “tự vẽ ra” trên Biển Đông. Phán quyết cũng chỉ rõ Trung Quốc có các hành động làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường và hệ sinh thái ở Biển Đông.

Theo cơ chế giải quyết tranh chấp về biển của Liên Hợp Quốc, Tòa Trọng tài đặc biệt (như Trọng tài Phụ lục VII) được thành lập nhằm giải thích hay áp dụng Công ước năm 1982 trong từng lĩnh vực riêng biệt, như nghiên cứu khoa học biển, đánh bắt hải sản, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, giao thông biển...; trong đó, các tổ chức quốc tế có thẩm quyền trong từng lĩnh vực được cử các chuyên viên của mình tham dự với tư cách thành viên của Tòa. Song, luật pháp quốc tế cũng không có cơ chế cưỡng chế thi hành đối với phán quyết của Tòa Trọng tài.

“Tuy nhiên, bên cạnh việc hoan nghênh phán quyết - bày tỏ sự tôn trọng với luật pháp quốc tế, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét kỹ các nội dung phán quyết có liên quan tới chúng ta”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói thêm.

Phó Thủ tướng bật cười vì câu hỏi của phóng viên

Tại buổi phỏng vấn, một phóng viên đặt câu hỏi với Phó Thủ tướng: “Trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố ngày một gia tăng trên khắp thế giới, khu vực Đông Nam Á cũng không là một ngoại lệ. Việt Nam có những chính sách và biện pháp tăng cường an ninh như thế nào trước sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố? Đồng thời, là một nhà ngoại giao lớn của Việt Nam với khối lượng công việc khổng lồ, ông có những “bí quyết” riêng gì để cân bằng giữa việc nước và công việc gia đình, cá nhân?”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã bật cười trước câu hỏi trên của phóng viên liên quan tới cá nhân ông, đồng thời nhấn mạnh: “Trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố đe dọa, với các cuộc tấn công khắp thế giới như hiện nay, việc thắt chặt an ninh quốc gia là hết sức cần thiết. Việt Nam chúng ta đã có các biện pháp hữu hiệu và thiết thực để ngăn chặn các cuộc tấn công và nâng cao cảnh giác, rà soát về mặt an ninh, đảm bảo an toàn cho đất nước trước nguy cơ tấn công của chủ nghĩa khủng bố”.

“Với câu hỏi… “bí quyết”, tôi xin phép không trả lời”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh mỉm cười thân thiện với các phóng viên. “Tất nhiên, phải có “hậu phương” vững chắc thì tiền tuyến mới vững mạnh được”, Phó Thủ tướng nói thêm.

>>>Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.