Thế giới

Vấn đề Triều Tiên phủ bóng chuyến thăm châu Á của ông Trump

06/11/2017, 08:40

Ngày 5/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump dừng chân tại Nhật Bản, đất nước đầu tiên trong chuyến công du châu Á...

28

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng phu nhân Melania Trump tới căn cứ không quân Yokota, ngoại ô Tokyo, Nhật Bản

Ngày 5/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump dừng chân tại Nhật Bản, đất nước đầu tiên trong chuyến công du châu Á dài nhất kể từ năm 1992 của một ông chủ Nhà Trắng. Chuyến đi này được đánh giá là bài kiểm tra, thử nghiệm tầm cỡ quốc tế, quan trọng đối với Tổng thống Mỹ về chính sách Á châu.

Vấn đề Triều Tiên phủ bóng chuyến thăm

Dừng chân tại Nhật Bản từ sáng sớm 5/11, khoác chiếc áo kiểu dáng bomber, đứng trước toàn thể binh lính tại căn cứ không quân Mỹ ở ngoại ô Tokyo, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định căn cứ này là trung tâm cung ứng quan trọng cho bất cứ cuộc xung đột nào trong khu vực nổi lên vì căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Ông chủ Nhà Trắng phát biểu đánh giá lực lượng quân đội tại đây là “tấm khiên cuối cùng” chống đỡ mối hiểm họa thù địch từ bên ngoài nước Mỹ nhưng ông không nhắc cụ thể tới cái tên nào. Đồng thời, ông Trump tái khẳng định bình luận của chính quyền Washington về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do. “Không một ai - không một quyền lực - không một chế độ nào - nên đánh giá thấp Mỹ”.

Theo Los Angeles Times, chính sách bên miệng hố chiến tranh hạt nhân (nuclear brinkmanship) với Triều Tiên sẽ phủ bóng trong suốt chuyến công du châu Á của ông Trump. Khởi đầu, nó đã được thể hiện ngay trong cuộc gặp giữa ông và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kể cả khi hai lãnh đạo cùng chơi golf, ăn tối, thưởng thức hình thức Teppanyaki của Nhật Bản…

Trước đó, chia sẻ với báo giới trên chuyên cơ Không lực Một trong hành trình tới Tokyo, ông Trump thể hiện mong muốn hòa bình cho toàn thể người dân Triều Tiên. Ông ca ngợi họ là “dân tộc lớn”, “cần cù” và “nồng ấm hơn rất nhiều những gì thế giới bên ngoài biết về họ”. Tổng thống Trump cũng đã tiết lộ việc ông dự định gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin khi tham dự hội nghị cấp cao kinh tế tại Việt Nam và chắc chắn sẽ kêu gọi người đồng cấp ở Moscow gây áp lực lên Triều Tiên để chấm dứt chương trình hạt nhân gây nhiều quan ngại.

“Dù mối đe dọa Triều Tiên” bao trùm các chương trình nghị sự của chuyến thăm nhưng theo Nhà Trắng, Tổng thống Trump vẫn thúc đẩy những lợi ích kinh tế Mỹ tại khu vực.

Bài kiểm tra quốc tế

Theo giới quan sát, sở dĩ nói đây là một bài kiểm tra quốc tế với ông Donald Trump ở cương vị Tổng thống Mỹ vì phong cách chính trị, nghi thức ngoại giao của khu vực châu Á khá khác biệt với sự cá tính, sự khó đoán và không ưa gò bó của ông Trump.

Tổng thống Mỹ sẽ có 2 bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Hàn Quốc. Lúc này, những lời cảnh báo mạnh mẽ với Triều Tiên như ông Trump thường phát ngôn trước nay sẽ tạo cho người nghe cảm giác rất khác về những mối đe doạ chiến tranh.

Theo Nhà Trắng, các cam kết của Tổng thống Trump với Hàn Quốc đã hết sức rõ ràng, nghĩa là Mỹ sẵn sàng tấn công Triều Tiên nếu họ không chấm dứt đe doạ đồng minh của nước này. Nhưng theo các chuyên gia, việc leo thang “khẩu chiến”, cảnh báo Triều Tiên lâu nay, đã làm xói mòn niềm tin của các nước trong khu vực về sự hiện diện ổn định, vững chắc của Mỹ tại châu Á.

Bên cạnh đó, “sẽ rất nguy hiểm nếu ngày càng phô trương sức mạnh”, ông Mike Chinoy, nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện Nghiên cứu Mỹ - Trung thuộc Đại học Nam California cho biết và nói thêm: “Tôi sẽ không loại trừ khả năng Triều Tiên có phản ứng mạnh mẽ trước sự hiện diện của ông Trump trên bán đảo Triều Tiên”.

Dù vậy, Nhà Trắng khẳng định, Tổng thống Trump sẽ không nao núng. “Ông có thể sử dụng mọi ngôn từ ông muốn. Điều này thể hiện sự tái đảm bảo to lớn với các nước đồng minh, đối tác và các nước khác trong khu vực, những người về lý thuyết mà nói đang nằm ngay dưới họng súng của Triều Tiên”, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng H.R. McMaster nhận định.

Theo giới chức Mỹ, một trở ngại khác mà ông Trump gặp phải trong chuyến thăm Hàn Quốc, đó là chưa biết nhiều về tân Tổng thống Moon Jae-in. Dù vậy, ông Trump đã từng chứng minh khả năng xây dựng mối quan hệ thân mật với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và xây dựng tình bạn với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Một yếu tố khác đó là cuộc gặp thứ 2 giữa ông Trump và Tổng thống Nga Putin sẽ diễn ra trong thời điểm khá nhạy cảm đó là ngay sau khi tại Washington, một hội đồng đặc biệt điều tra về vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 truy tố đối với 3 trợ lý của ông Trump. “Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm không có lợi cho Tổng thống Trump. Ông đang trải qua nhiều vấn đề nội bộ ngày càng nghiêm trọng được cập nhật tới từng giờ từng phút”, ông Jonathan Pollack, nghiên cứu sinh cấp cao tại Viện Brookings ở Washington cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.