Thời sự

Vận động bầu cử: Được dùng mạng xã hội, cấm mua chuộc cử tri

20/04/2016, 06:24

Luật Bầu cử không cấm người ứng cử vận động bầu cử trên mạng xã hội, nhưng cấm mua chuộc cử tri.

11

Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN: Luật không cấm vận động bầu cử trên mạng xã hội, nhưng cấm mua chuộc cử tri

Trao đổi với Báo Giao thông về những quy định liên quan đến việc vận động tranh cử của các ứng viên ĐBQH và HĐND. Ông Pha cho biết:

Sau khi Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức những người ứng cử về các đơn vị bầu cử ở các tỉnh, thành phố (chậm nhất là ngày 27/4/2016) thì người ứng cử có quyền vận động bầu cử. Việc vận động bầu cử được tiến hành tại địa phương nơi đại biểu ứng cử. Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định hai hình thức vận động bầu cử: Gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại các hội nghị tiếp xúc cử tri; Trả lời các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương nơi mình ứng cử về chương trình hành động nếu được bầu làm ĐBQH.

Hiện nay, mạng xã hội đang rất phát triển, các ứng cử viên có thể sử dụng vào việc vận động tranh cử không, thưa ông?

Luật Bầu cử không cấm người ứng cử vận động bầu cử trên mạng xã hội. Nhưng với các ĐBQH ứng cử ở vùng sâu, vùng xa thì tôi cho rằng có vận động trên mạng xã hội thì cử tri ở khu vực đó cũng không thể biết tới mình được vì cử tri khó có điều kiện tiếp cận được cách thức này. Do đó, người ứng cử nên cố gắng sử dụng tối đa hai hình thức được pháp luật quy định nói trên.

Từ ngày 2-21/5 tới đây, các ứng viên ĐBQH sẽ đưa ra chương trình vận động tranh cử. Ông có thể cho biết, các ứng viên được làm gì và không được làm gì khi tiếp xúc cử tri? Họ có được tặng quà, làm từ thiện hoặc bỏ tiền ra để PR hình ảnh bản thân không? 

Việc này đã được quy định trong Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND. Chương VI trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND có quy định về vận động tuyên truyền, bầu cử. Theo quy định, tại các hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử, người ứng cử ĐBQH trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH. Khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử thì cũng tương tự như vậy. Luật cũng đã quy định những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử, trong đó có việc “sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri”.

Nếu người ứng cử mắc phải các sai phạm trong vận động bầu cử thì bị xử lý thế nào thưa ông?

Các điều cấm thì Luật đã ghi rõ rồi, sai phạm bị xử lý ở mức cao nhất là xóa tên khỏi danh sách ứng cử. Những người đã được đưa tên vào danh sách người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND sau hội nghị hiệp thương lần thứ 3 chưa chắc sẽ được đưa ra bầu nếu vi phạm các quy định về bầu cử. Ở các cấp có các tổ chức phụ trách bầu cử như Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử. Đó là những tổ chức vừa làm nhiệm vụ tổ chức bầu cử vừa xử lý các tình huống xảy ra. Không chỉ Mặt trận mà các cơ quan, đoàn thể khác cũng có quyền giám sát. Quy trình cụ thể thì chưa có, nhưng giám sát của Mặt trận là rộng rãi và chắc chắn bảo đảm phát hiện các vi phạm trong bầu cử.

Theo ông, đâu là cơ chế để đảm bảo công bằng giữa các ứng viên trong vận động bầu cử?

Theo tôi, việc vận động bầu cử phải theo quy định của pháp luật. Việc vận động bầu cử ở Việt Nam chúng ta khác với những nước khác là phải qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Mặt trận tổ chức. Trong một hội nghị tiếp xúc cử tri, mỗi người ứng cử chỉ được dành thời lượng trình bày chương trình vận động bầu cử về cơ bản là như nhau; Người ứng cử không được hứa những thứ không đúng, không được dụ dỗ, cưỡng ép, mua chuộc cử tri…

Theo tôi, điều quan trọng nhất đối với người ứng cử do T.Ư giới thiệu là sau khi được phân bổ ứng cử ở đâu thì việc đầu tiên là phải tìm hiểu cụ thể tình hình địa phương đó, nắm được thông tin chủ yếu về phát triển KT-XH của địa phương như thế nào; Tình hình dân cư, những nét đặc thù về văn hóa, dân tộc, tôn giáo... đến những vấn đề mà cử tri đang quan tâm, bức xúc. Từ đó, người ứng cử sẽ xây dựng chương trình hành động sát thực tế và có tính thuyết phục cao hơn.

Cảm ơn ông! 

"Có hai việc quan trọng mà người ứng cử ĐBQH phải nói được với cử tri: Một là, lắng nghe và tiếp thu đầy đủ kiến nghị, nguyện vọng của cử tri để phản ánh đến Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền; Đồng thời, sẽ theo dõi, đôn đốc, báo cáo kịp thời cho cử tri về kết quả giải quyết. Hai là, nếu trúng cử sẽ thực hiện tốt việc tiếp công dân, ghi nhận đầy đủ những khó khăn, bức xúc, khiếu nại, tố cáo của công dân; Việc gì thuộc thẩm quyền của cấp nào thì sẽ kiến nghị cấp đó giải quyết. Sau đó sẽ đôn đốc, giám sát các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết. Đó là những việc cử tri dễ chấp nhận nhất và cũng dễ giám sát nhất”.

Ông Nguyễn Văn Pha
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.