360 độ thể thao

Vận động viên Việt Nam đón Tết… nghèo

04/02/2021, 06:30

Các giải đấu quốc tế năm 2020 đều hoãn hoặc hủy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên rất nhiều VĐV đang đối mặt với cái Tết… nghèo.

img

Quách Thị Lan là một trong những vận động viên có tiền thưởng thành tích để ăn Tết

“Thưởng Tết” là khái niệm vốn không tồn tại với các vận động viên (VĐV) thể thao Việt Nam. Hàng năm, các chàng trai, cô gái thể thao thường chỉ trông vào tiền thưởng danh hiệu để lo Tết. Tuy nhiên, các giải đấu quốc tế năm 2020 đều hoãn hoặc hủy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên rất nhiều VĐV đang đối mặt với cái Tết… nghèo.

Trông cả vào 270 nghìn đồng tiền công

Lâu nay, thưởng Tết vốn là cái gì đó xa xỉ với các VĐV thể thao bởi gần như chẳng năm nào họ được nhận thưởng đúng nghĩa. Đa phần đều trông vào tiền thưởng thành tích của các giải đấu trong nước lẫn quốc tế. Ở năm có SEA Games diễn ra, vận động viên sẽ có nguồn thu rủng rỉnh và ngược lại.

Như năm 2019, với chiến tích giành 98 HCV, 85 HCB, 105 HCĐ tại SEA Games 30, đoàn thể thao Việt Nam đã nhận được số tiền thưởng lên tới gần 25 tỷ đồng, kèm theo đó là cả chục tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân thưởng cho một số đội, tuyển thủ nổi bật. Cộng thêm số tiền thưởng từ các giải đấu theo môn khác cũng không dưới 20 tỷ đồng, các VĐV đã có một cái Tết ấm no.

Chỉ tính riêng SEA Games, gần 500 tuyển thủ nhận thưởng ở các mức độ khác nhau. Trong đó, có tới vài chục gương mặt xuất sắc lĩnh 150 tới 200 triệu đồng. Cá biệt, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên nhận gần 800 triệu đồng. Những người ít nhất, dù chỉ giành 1 HCĐ cũng có 20 - 25 triệu đồng đủ để lo cho bản thân và gia đình một cái Tết tươm tất.

Tuy nhiên, năm 2020 là một câu chuyện hoàn toàn khác. Dù được dự báo tiền thưởng sẽ hụt nhiều do SEA Games không diễn ra nhưng bỗng dưng Covid-19 xuất hiện khiến hàng loạt giải đấu quốc tế khác bị hủy hoặc hoãn.

Chính xác, chỉ có cử tạ, đấu kiếm và vật là ba đội tuyển quốc gia còn kịp xuất ngoại dự tranh một giải khi dịch Covid-19 chưa bùng phát. Thế là nguồn thu chính của VĐV mỗi dịp Tết đến xuân về bị teo tóp hết cỡ.

Không thưởng Tết, thưởng danh hiệu èo uột, làng thể thao Việt, kể cả các tuyển thủ quốc gia, giờ chỉ còn trông cả vào khoản tiền công tính theo ngày tập: 270 nghìn đồng/ngày. Một số ngôi sao từng lĩnh thưởng đáng kể năm trước còn có thể xoay xở để lo được một số việc cho bản thân và gia đình, còn lại đều khá chật vật.

HLV Trương Minh Sang của Đội tuyển Thể dục dụng cụ Quốc gia chia sẻ: “Năm nay, ngoài giải vô địch quốc gia, học trò của tôi không thi đấu thêm giải nào.

Vận động viên nào có huy chương thì được tiền thưởng huy chương, còn lại chỉ có tiền công trong tháng để lo Tết. VĐV được Nhà nước lo ăn nên tiền công nếu tiết kiệm thì mỗi tháng có khoảng 6 - 7 triệu đồng”.

Người rủng rỉnh, kẻ chỉ đủ dắt lưng

Cũng theo HLV Trương Minh Sang, việc thưởng thành tích cho các VĐV tùy thuộc điều kiện từng địa phương, đơn vị. Ví như TP HCM, nơi ông đang đầu quân, nếu giành HCV được thưởng 5 triệu, HCB thưởng 3 triệu còn HCĐ thưởng 2 triệu.

“Số tiền này đương nhiên chẳng thấm vào đâu nhưng cũng có chút ít gọi là động viên. VĐV cũng hiểu trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành, một đồng cũng quý nên các bạn ấy không kêu than gì. Hi vọng sang năm tình hình dịch bệnh được kiểm soát để SEA Games 31 diễn ra bình thường, bằng không, VĐV lại thêm một cái Tết nghèo”, ông Sang nói.

Chiếu theo quy định trên, VĐV điền kinh Lê Tú Chinh, người giành 5 HCV giải quốc gia sẽ có 25 triệu tiền thưởng. Tuy nhiên, đồng đội của cô là Quách Thị Lan lại được đơn vị Thanh Hóa thưởng tới 30 triệu cho hai tấm HCV quốc gia.

Cũng ở môn điền kinh, cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh có lẽ rủng rỉnh hơn cả. Cô giành 4 HCV giải vô địch quốc gia, HCV giải leo núi Bà Rá. Do Bắc Giang tính lương, thưởng theo hệ số nên những thành tích trên sẽ giúp Nguyễn Thị Oanh thu về khoản tiền kha khá. Ngoài ra, Oanh còn được thưởng nóng 20 triệu đồng do phá kỷ lục ở giải quốc gia. Dẫu vậy, khi hỏi tới thưởng Tết thì Oanh cho biết “em vẫn chưa thấy nói gì”.

Ở môn đua xe đạp, nhà vô địch SEA Games Đinh Thị Như Quỳnh cũng khá may mắn khi được đơn vị chủ quản thưởng 30 triệu đồng cho hai tấm HCV trong năm 2020. Quỳnh còn cho biết, cô sẽ nhận thưởng Tết khoảng ba tháng lương. Như vậy, vợ chồng cô và cậu con trai cũng sẽ có một cái Tết ấm áp.

Ở môn vật, vận động viên Nguyễn Thị Mỹ Hạnh khi được hỏi về thưởng Tết cũng lắc đầu nói “chưa rõ”. Tuy nhiên, theo cô nếu có chắc cũng không đáng kể. Riêng tiền thưởng danh hiệu thì mỗi năm một khác nên năm nay cô chưa biết đơn vị Thừa Thiên - Huế sẽ chi ra sao. Cộng với việc vẫn đang phải tập luyện tại Hà Nội, Tết với nữ đô vật này còn ở rất xa.

Kình ngư Trần Tấn Triệu thì chia sẻ, ở đơn vị Long An, thông thường nếu có thành tích thì ngoài tiền thưởng thành tích sẽ có tiền thưởng kèm theo giấy khen là 250 nghìn đồng. Ngoài ra, anh không nhận thêm bất kỳ khoản tiền nào.

Đấy là với nhóm danh thủ, tuyển thủ quốc gia, còn với những VĐV không có thành tích hoặc vận động viên ở địa phương, họ thậm chí còn chỉ nhận tiền công ít ỏi dắt lưng về ăn Tết, cùng lắm thêm giỏ quà Tết hoặc hộp bánh…

Bóng đá cũng muôn màu

Cách đây khoảng chục năm, bóng đá luôn được coi là “điểm sáng” khi nhắc đến thưởng Tết. Thời đó, các đội bóng thưởng rất đậm, có khi lên tới 60 - 70 triệu đồng/người. Tuy nhiên, hiện tại, hầu hết các đội bóng đều dè dặt trong việc chi chế độ Tết cho cầu thủ, nhất là năm 2020 nhiều đội lao đao vì Covid-19.

Ông Đỗ Vinh Quang, Chủ tịch CLB Hà Nội cho hay: “Thời điểm này toàn đội đang lo đối phó với Covid-19, lên kế hoạch cho chặng đường sắp tới nên chúng tôi chưa nghĩ tới việc khác”. Nói là vậy nhưng nhiều khả năng Hà Nội FC vẫn thưởng 1 tháng lương. Tương tự, SLNA có thể cũng thưởng Tết bằng một tháng lương, khoảng từ 10 - 20 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Bùi Xuân Hòa, Tổng giám đốc CLB SHB Đà Nẵng chia sẻ: “Chúng tôi có thưởng nhưng không đáng kể, vài triệu đồng một người”. Còn ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh tiết lộ, đội nhiều khả năng không có thưởng. Ở địa phương thì vài ngày tới chúng tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo”.

Với bóng đá nữ, đội “nhà giàu” như TP HCM cũng chỉ thưởng từ 3 - 5 triệu đồng. Trong khi đó, những đội bóng tỉnh lẻ như Hà Nam, Sơn La thì mỗi cầu thủ nhận vài trăm nghìn, coi như lì xì năm mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.