Tâm sự

"Văn hóa" thờ ơ và tình thương con người

16/05/2014, 08:00

Ngày nay suy nghĩ "cơm áo gạo tiền" cùng sự hèn nhát đang khiến chúng ta đối xử với nhau thờ ơ và vô cảm hơn bao giờ hết.

“Có lẽ phải cùng sống trong gian khổ, con người ta mới biết yêu thương và che chở lẫn nhau”. Đó là nhận định của nhiều thế hệ đi trước suy xét về lối sống của con người trong thời buổi hiện nay, khi mà suy nghĩ “cơm áo gạo tiền” cùng sự hèn nhát khiến chúng ta đối xử với nhau một cách thờ ơ và vô cảm hơn bao giờ hết.

Chẳng phải đầu … cũng phải tai !?

Chỉ cách đây vài ngày, dư luận bỗng xôn xao và thể hiện sự phẫn nộ trước hành vi được coi là nghiêm trọng của một thanh niên mới 20 tuổi dám cả gan hành hung CSGT sau khi bị yêu cầu xử lý vi phạm giao thông.

Nam thanh niên hành hung CSGT giữa chốn đông người. (Ảnh cắp từ clip)
Nam thanh niên hành hung CSGT giữa chốn đông người. (Ảnh cắp từ clip)

Câu chuyện chống người thi hành công vụ đã không còn là lạ trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng nói ở sự việc lần này, là trước mặt “bàn dân thiên hạ”, một thanh niên trẻ măng lại có hành vi đánh CSGT như chốn không người, thể hiện sự coi thường pháp luật, coi thường quần chúng và người đại diện cho cơ quan hành pháp.

Nhiều người xem clip bị ấn tượng không phải bởi vì những pha võ thuật mà chàng trai trẻ kia “dành cho” CSGT, mà là họ không hiểu vì sao người CSGT ấy lại nhẫn nhịn chịu đòn còn những người dân xung quanh thì chỉ biết đứng nhìn mà không vào can thiệp. Vế thứ nhất có thể dễ dàng trả lời một cách chủ quan rằng, người thực thi pháp luật ấy đang làm đúng phận sự của mình, hành xử với dân một cách đúng mực cho dù kẻ đó đang cố tình vi phạm pháp luật. Còn vế sau, câu trả lời sẽ là rất khó, thật sự rất khó hiểu …!!?

“Dân nó chỉ biết đứng xem mà không nhảy vào giúp ông cảnh sát bắt thằng kia à ?”. Đám bạn nhao nhao hỏi tôi khi vừa xem clip xong, tôi cũng chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm vì không thể giải thích nổi. Trong khi  người CSGT bị đánh, bị chửi hay thậm khí là bị khống chế thì rất đông người dân xung quanh đó chỉ biết đứng nhìn, bàn tán, chụp ảnh quay clip, ngay cả hai nhân viên bảo vệ của một cửa hàng gần nơi xảy ra vụ việc cũng khoanh tay đứng theo dõi từ đầu đến cuối. Có người “tốt bụng” hơn, theo tôi nghĩ là vậy, thì chen vào trong clip được vài câu kiểu “Gọi cơ động trói gô thằng này vào” hay đại loại “Đánh bỏ … nó đi”. Nhưng sau những câu nói như vậy, mà người CSGT kia vẫn đơn độc chống lại kẻ đang tấn công mình.

Có lẽ cái nghĩa cử “ra đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của nhân dân ta từ xưa cho đến nay đang mờ nhạt dần. Ở sự việc trên, rõ ràng người ta cần phải bênh vực lẽ phải, trấn áp cái xấu, thì ở đây họ lại chọn cách im lặng, bình thản mà chứng kiến nó như không có chuyện gì xảy ra. “Tôi chạy xe ôm ở gần đây, tôi kinh doanh ở gần đây … nếu vào can thiệp chẳng may bị trả thù, cuộc sống của tôi sẽ không yên ổn”, nhiều người đã trả lời như vậy khi được các phóng viên báo hỏi vì sao không vào giúp viên cảnh sát, hay ngay tiếng nói chua chát trong clip vọng ra “Thằng này nó con ông cháu cha, nó sợ gì!” cũng cho thấy một thái độ sống hèn nhát, bàng quan.

Giờ đây con người ta sợ cường quyền, áp lực của đồng tiền và sự đe dọa cuộc sống mà không dám bảo vệ, bênh vực nhau. Tính thượng tôn pháp luật cũng đang lung lay, bởi sự coi thường pháp luật nó đang hiện hữu rõ nét trước mắt nhiều người, bởi vậy họ mới không dám xả thân bảo vệ lẽ phải.

Rồi đây, kẻ phạm tội sẽ phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Nhưng con người ta thì đang mất dần niềm tin vào cuộc sống. “Đến công an, cảnh sát nó còn dám đánh thì dân thường nó coi bằng cái đinh rỉ, nếu ở đấy tôi cũng chẳng dám vào giúp”, bác thợ mộc gần 60 tuổi nhấp ngụm trà đá rồi đọc tiếp bài báo.

Tình thương tồn tại nơi đâu?

Tôi xin phép phải lấy tên một bài hát rất nổi tiếng của nhóm The Black Eyed Peas để đặt tên cho phần này, vì tôi sợ đến một ngày nào đó, chẳng còn ai dám hỏi câu hỏi trên, khi mà người ta đã “nhờn” với nó.

Cũng lại mới đây, một đoạn clip ngắn được tung lên mạng với hình ảnh một cô gái nằm giữa phố xá đông đúc trong tình trạng bị co giật, không ai biết là bị tai nạn hay do tác động nào đó mà cô ta lại nằm giữa đường như vậy. Nhìn vào clip, người ta chợt cảm thấy không dám tin vào độ xác thực của nó, trong tình trạng nguy kịch như vậy, mà dòng xe cộ vẫn thản nhiên đi lại, không một ai chịu xuống xe giúp đỡ cô gái này.

Cô gái gặp nguy kịchbị co giật giữa phố, trong khi mọi người thì bình thản đi qua ngoái cổ nhìn mà không giúp đỡ.
Cô gái gặp nguy kịchbị co giật giữa phố, trong khi mọi người thì bình thản đi qua ngoái cổ nhìn mà không giúp đỡ (Ảnh cắt từ clip)

“Khiếp, nhìn ghê chết đi được ai mà dám vào giúp”. Cô bạn tôi mới chỉ xem được gần chục giây rồi tắt vội đi. “Chẳng bù như trong phim, một người bị tai nạn thì người đi đường xúm lại giúp đỡ, đưa vào trạm xá các kiểu …”, một cậu bạn khác chen vào, những tiếng ồ lên không ngớt, tất cả đều cho rằng lòng tốt đó chỉ có trong phim về thời chiến tranh hoặc thời bao cấp mà thôi.

Quay trở lại vụ việc, nhiều người xem clip tỏ ra thất vọng với lối hành xử lạnh nhạt thờ ơ của những người có mặt ở hiện trường. Không một ai vào hỏi thăm, xem xét tình hình của nạn nhân, họ chỉ biết đi qua rồi ngoái lại nhìn, vẫn cái thái độ dửng dưng đứng chụp ảnh, quay clip, dường như đã đến lúc mọi điều trái ngang, bất hạnh trong cuộc sống trở thành món hàng “hot” để con người ta thích thú truyền tải cho nhau xem. Liệu có ai trong số họ nghĩ mạng người mới là quan trọng để rồi vồn vã, hối thúc nhau đến cứu giúp người bị nạn.

Hay như vụ tai nạn xảy ra vào ngày 22/9/2012 trên tỉnh lộ 5 ở TP.HCM, một chiếc xe tải húc văng 2 chiếc xe máy, khiến một người bị thương nặng và người còn lại trong tình trạng vô cùng nguy kịch. Nạn nhân là anh Nguyễn Tấn Phát (17 tuổi – Bình Chánh). Cũng chỉ vì sự thờ ơ của những người đi đường, mà khi được chuyển tới bệnh viện nạn nhân đã tử vong, nhân viên y tế cho biết nếu được chuyển tới sớm hơn chắc chắn anh Phát vẫn có cơ hội sống sót. Nhiều người cho biết vì sợ gặp rắc rối với cơ quan chức năng và người nhà nạn nhân khi đưa đi cấp cứu nên mới dửng dưng như vậy.

Cũng chính từ tâm lý sợ bị liên lụy, phiền phức và thậm chí lo sợ bị hiểu nhầm là người gây ra tai nạn, mà giờ đây con người ta trở nên xa cách với nhau hơn, ai cũng muốn sống yên ổn trong một vỏ bọc an toàn. Nhiều người đã từng “làm ơn mắc oán” cũng bức xúc kể lại từng cứu giúp người bị tai nạn nhưng người nhà nạn nhân hiểu lầm, suýt bắt đền hoặc đánh cho một trận. Thời buổi hiện nay, người ta buộc phải thốt lên câu “Cứ việc ai nấy làm không đụng chạm đến nhau là yên ổn nhất, thà làm ác còn hơn làm ơn mắc oán”.

Viết đến đây, tôi vẫn chưa tìm được cái kết nào thích đáng cho câu chuyện của thực tại, chợt trong đầu tôi văng vẳng câu hát nổi tiếng trong ca khúc Để gió cuốn đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không?”. Giá bất kỳ ai trong chúng ta đều có thể tự trả lời được câu hỏi đó, thì cuộc sống này sẽ vô cùng tốt đẹp, niềm tin vào cuộc sống sẽ tràn đầy hơn và con người sẽ yêu thương nhau nhiều hơn bao giờ hết.

Hoàng Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.