Thể thao

“Văn hóa thưởng” của bóng đá Việt

12/04/2016, 07:57

Cộng thêm 300 triệu từ VFF và 100 triệu đồng từ VPF, B.Bình Dương đã đút túi gần 1,5 tỷ đồng.

binh duong danh bai han quoc

B.Bình Dương đánh bại nhà ĐKVĐ Hàn Quốc

 Tuần trước, làng bóng đá Việt được phen rộn ràng khi B.Bình Dương đánh bại nhà ĐKVĐ Hàn Quốc Jeonbuk Motors tại AFC Champions League. Lập tức cơ quan chủ quản của B.Bình Dương thưởng nóng cho toàn đội 1 tỷ đồng. Cộng thêm 300 triệu từ VFF và 100 triệu đồng từ VPF, B.Bình Dương đã đút túi gần 1,5 tỷ đồng chỉ sau một trận đấu. Trong mặt bằng chung của kinh tế và bóng đá Việt Nam, con số này rất ấn tượng.

Chuyện thưởng ở bóng đá Việt Nam từ lâu đã trở thành một nét “văn hóa”, một quy luật bất thành văn. Sau mỗi trận thắng hoặc hòa, các CLB đều được thưởng. Đội nhà giàu thưởng nhiều, đội nhà nghèo thưởng ít. Có những CLB đang khó khăn về mặt tài chính, lo lương còn chưa xong cũng phải tuyên bố thưởng rồi... khất nợ cầu thủ.

Thưởng trong bóng đá là hình thức góp phần tạo động lực cho cầu thủ trên sân. Thế nhưng, đặt trong hoàn cảnh bóng đá Việt Nam, thưởng chưa chắc đã đem đến những tín hiệu tích cực. Ngoài một số đội bóng khá giả, có đơn vị chủ quản rủng rỉnh tiền bạc, đa phần đều phải chạy vạy mới đủ chi tiêu cho cả mùa giải. Nếu phải chi thưởng, chắc chắn sẽ làm mất cân bằng và đã mất cân bằng thì khó phát triển bền vững.

Cạnh đó, cầu thủ khi ký hợp đồng cho CLB đều phải chấp nhận điều khoản “thi đấu hết mình để giúp đội bóng có thành tích tốt nhất”. Khi đội bóng giành chiến thắng, đồng nghĩa với việc cầu thủ đã hoàn thành điều khoản hợp đồng, nó cũng giống như các ngành nghề khác, lẽ gì CLB phải thưởng? Trừ trường hợp thành tích đột biến như vô địch, việc thưởng là tất yếu. Trận thắng của B.Bình Dương khó giúp đội bóng này đi tiếp ở AFC Champions League. Nếu bị loại ở vòng bảng, rõ ràng toàn đội không hoàn thành nhiệm vụ và lúc ấy số tiền tưởng 1,4 tỷ đồng rõ ràng như một tình huống “việt vị”.

Chẳng riêng gì CLB mà ngay cả ở cấp độ đội tuyển cũng xảy ra kịch bản tương tự. VFF hứng lên là thưởng và chẳng cần quan tâm tới chặng đường phía trước. Còn nhớ, khi thầy trò HLV Miura thắng Malaysia ở trận lượt đi bán kết AFF Cup 2014, VFF thưởng nóng 2 tỷ đồng nhưng liền đó ĐTVN thua thảm ở trận lượt về và bị loại. Thời điểm đó, do VFF chậm giải ngân nên nhiều ý kiến đồn đoán rằng cơ quan này “hối hận” vì lỡ vung tay.

Nhìn ở một hướng khác, “văn hóa thưởng” đã hình thành nên tâm lý chờ đợi ở cầu thủ Việt. Tức có thưởng thì đá hay, không thưởng thì đá cầm chừng. Đã tới lúc các nhà làm bóng đá ở Việt Nam nên nhìn ra các nước nền bóng đá phát triển. Ở đó, rất hiếm khi đội bóng được thưởng khi thắng một trận đấu cụ thể. Mà xin thưa chắc chắn họ có tiềm lực kinh tế khủng hơn chúng ta cả chục, trăm thậm chí là nghìn lần.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.