Y tế

Vấn nạn bác sĩ bị “mượn danh” quảng cáo thuốc, khám chữa bệnh

07/10/2019, 06:39

Câu chuyện “bỗng dưng” bị mượn hình ảnh, tên tuổi để quảng cáo thuốc, khám chữa bệnh khiến bác sĩ, bệnh viện bức xúc.

img
Hình ảnh bác sỹ được sử dụng trong một quảng cáo thực phẩm chức năng

Bác sĩ tá hỏa thấy mình trên... web đen

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, ngành Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân qua mạng xã hội. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn cho chính bản thân và gia đình mình, người dân cần nâng cao cảnh giác, không bị các đối tượng mạo danh bác sĩ, hay bệnh viện điều trị, kê đơn, bán thuốc…

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Bá Hưng, Trưởng khoa Nam học (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) vô cùng bức xúc: Cách đây ít lâu qua một số người bạn, BS. Hưng được biết hình ảnh của mình xuất hiện cùng lời phát biểu bịa đặt quảng cáo cho một sản phẩm thuốc cho nam giới. Không những thế, quảng cáo này xuất hiện trên một trang website “đen” rất phản cảm. “Tôi chưa biết gì về sản phẩm này, chưa bao giờ có phát biểu thiếu khoa học như thế, họ đã bất chấp tất cả sẵn sàng bịa đặt gán ghép hình ảnh để lừa bịp. Dù phản ánh đã hơn chục ngày nay, nhưng hình ảnh của tôi vẫn bị “lạm dụng” đưa vào quảng cáo sản phẩm này trên trang web “đen”, BS. Hưng chán nản cho biết. Chẳng biết làm gì hơn, BS. Bá Hưng đành tự viết lời cảnh báo với mọi người “không quảng cáo cho sản phẩm nam dược” trên chính trang Facebook cá nhân của mình.

Tương tự, TS. BS. Phạm Thị Việt Dung, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cũng vô cùng bức xúc khi biết hình ảnh, tên tuổi của mình bị một loạt các trang mạng “mượn” để quảng cáo cơ sở làm đẹp. Do không biết những trang thông tin do ai quản lý nên bác sĩ phải khuyến cáo trên trang cá nhân của mình.

BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 TP HCM cũng từng bức xúc khi bị trang Facebook “Tăng chiều cao V.” sử dụng hình ảnh cá nhân quảng cáo cho sản phẩm, kèm theo lời quảng cáo cho sản phẩm, khiến nhiều người nghĩ BS. Khanh “đại diện” cho sản phẩm này. Trước tình huống này, BS. Khanh cũng chỉ biết cảnh báo trên trang cá nhân của mình “Không hay biết chuyện này. Bác sĩ hoạt động trong lĩnh vực nhi khoa, không khám điều trị các bệnh khác như tim mạch, xương khớp...”.

Quảng cáo láo còn mượn danh lừa đảo

img
Một trang Facebook lợi dụng tên tuổi Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai để lừa bán thuốc

Chiều 4/10, BV Bạch Mai phát đi thông điệp cảnh báo người bệnh tránh xa một trang Facebook mượn danh Khoa Tiêu hóa của BV để lừa người bệnh. Được biết, trước đó, Phòng CTXH của BV có nhận được điện thoại của chị Th. phản ánh chị vào mạng xã hội thấy có thông tin: “Nhân dịp 100 năm thành lập, Khoa Tiêu hóa của Bệnh viện Bạch Mai quyết định hỗ trợ chi phí 3.000 hộp trà thảo dược trị đau dạ dày cho bà con trên cả nước. Chỉ 5 ngày hết trào ngược. Chỉ 30 ngày khỏi dứt điểm. Bà con nào có dấu hiệu: Trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, viêm hang vị, ợ hơi ợ chua khó tiêu… thì nhanh tay nhấn “đăng ký” để được hỗ trợ…”.

Theo lời chia sẻ của chị Th., bản thân chị bị bệnh dạ dày nên khi nhận được thông tin trên chị rất vui mừng và đã nhấn nút “đăng ký” kèm số điện thoại và thông tin cá nhân. Một lúc sau, chị nhận được điện thoại của một người xưng là bác sĩ của Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai để xác nhận lại thông tin chị đã đăng ký. Sau đó, chị lại nhận được cuộc điện thoại của một người tự xưng là nhân viên của Khoa Dược, BV Bạch Mai hỏi địa chỉ để ship trà đến cho chị và nhắn số tiền chị cần chuẩn bị là 1,3 triệu đồng.

Trước thông tin này, TS. BS. Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai khẳng định: “Khoa Tiêu hóa không sử dụng fanpage và khoa cũng không triển khai hoạt động này. Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân. Đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang”.

Trước đó, tháng 8/2019, BV T.Ư Quân đội 108 cũng đã lên tiếng trước tình trạng gần đây, trên mạng xã hội đăng nhiều thông tin về việc bệnh viện có bán, kiểm nghiệm thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp. Trong khi đó, bệnh viện không sản xuất, kiểm nghiệm các loại thuốc này. Không những vậy, có phòng khám, cơ sở khám, chữa bệnh còn mang danh BV T.Ư Quân đội 108 để quảng cáo thu hút bệnh nhân. Thậm chí, một số đoàn khám bệnh mạo danh bệnh viện để đi tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, thực phẩm chức năng; đồng thời, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám, chữa bệnh ở Hải Dương, Hải Phòng, Lào Cai và một số tỉnh, thành phố khác.

Trong khi đó, thực tế hàng năm bệnh viện đều tổ chức các đoàn y, bác sĩ khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc hoàn toàn miễn phí tại một số địa phương. Đại diện BV T.Ư Quân đội 108 lên tiếng, hiện bệnh viện chỉ có địa chỉ duy nhất tại số 1 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh mang tên “Viện 108” hay “Viện Quân đội 108”… ở các địa chỉ khác đều là giả mạo. Đồng thời, lưu ý người dân nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng mạo danh cán bộ y tế của bệnh viện để lừa đảo tư vấn, bán thuốc, cung cấp dịch vụ thu tiền…

Chuyện tương tự cũng xảy đến với BV Da liễu T.Ư, BV đã cảnh báo trên website chính thống, khi phát hiện 1 trang Facebook lợi dụng hình ảnh bệnh viện để tư vấn và giới thiệu các loại thuốc điều trị hỗ trợ không rõ nguồn gốc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.