Thế giới

Vấn nạn bài ngoại nguy cơ hủy hoại Singapore

06/12/2019, 07:07

Vấn đề bài ngoại và phân biệt giữa các chủng tộc là mặt trái của đất nước đa sắc tộc Singapore.

img
Singapore là một trong những quốc gia đa văn hoá, sắc tộc nhất thế giới

Để Singapore có thể giàu mạnh vượt bậc như ngày hôm nay, một trong những yếu tố quan trọng nhất đó chính là nhân lực giỏi, trẻ, dồi dào và đa sắc tộc. Sở dĩ Singapore sở hữu khối tài sản chất xám khổng lồ này là nhờ chính sách quy tụ nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Song nó cũng đặt ra nhiều mặt trái, đáng chú ý là vấn đề bài ngoại và phân biệt giữa các chủng tộc.

Tức giận, biểu tình rầm rộ

Gần đây, dư luận Singapore sôi sục sau khi một video cho thấy một người đàn ông dùng những lời lẽ thô tục, mạt sát nhân viên bảo vệ bên ngoài toà nhà chung cư được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Anh ta nói rằng, mình đã trả 1,5 triệu đô-la Singapore (tương đương 1,1 triệu USD) để sống tại đây nên không lẽ nào lại phải trả thêm tiền đỗ xe cho khách.

Cư dân mạng Singapore nhanh chóng xác định được danh tính người đàn ông to tiếng và cho biết đó là người gốc Ấn Độ tên là Ramesh Erramalli di cư sang quốc đảo này. Lập tức, cư dân mạng rộ lên làn sóng kêu gọi đuổi người đàn ông này “về nước” và chỉ trích những người nhập cư Ấn Độ mang hệ thống phân biệt đẳng cấp của họ sang quốc đảo sư tử.

Dư luận Singapore cho rằng, đây là một trong những hệ luỵ từ Thoả thuận Hợp tác Kinh tế Toàn diện (CECA) - một thoả thuận thương mại tự do được ký năm 2005 giữa Ấn Độ và Singapore bởi chính CECA tạo điều kiện cho công dân Ấn Độ dễ dàng sang làm việc tại quốc đảo sư tử.

Sự tức giận từ trên mạng đã lan tới đời thực khi hàng trăm người biểu tình đã tụ tập phản đối thoả thuận CECA và chương trình tăng trưởng dân số quá nhanh của Singapore. Nỗi bức xúc của người dân Singapore gợi nhớ lại cảnh tượng năm 2013 khi chính phủ công bố dự án có thể đẩy dân số Singapore lên tới 6,9 triệu người tính đến năm 2030.

Hiện nay, con số này đang đứng ở mức 5,7 triệu người, trong đó có 1,7 triệu người nước ngoài. Bà Trinity Joan, quản lý cho một công ty khởi nghiệp cho biết, làn sóng tức giận đối với Erramalli không phải vì chủng tộc của anh ta mà vì chủ nghĩa yêu nước. “Chúng tôi cần bảo vệ mình. Nếu ai đó cư xử không văn minh và từ nước ngoài tới chúng tôi cần phải có lòng yêu nước và nói thẳng với họ rằng: Nếu bạn không tôn trọng người Singapore, xin mời bạn về nước”, cô Joan nói.

Trong nỗ lực làm dịu dư luận, vài tháng qua, giới chức Singapore đã có những giải thích cặn kẽ nhiều chiều về vụ việc nổi trên mạng. Theo thông tin từ chính phủ, người đàn ông quát mắng nhân viên bảo vệ tên là Ramesh Erramalli, sinh ra tại Ấn Độ nhưng mang quốc tịch Singapore khi lấy vợ là người tại đây. Bằng cấp giáo dục của ông là có thực và chương trình CECA không phải tạo ra lỗ hổng cho người Ấn Độ vào đất nước để làm việc - chính phủ giải thích thêm.

Nhức nhối vấn đề bài ngoại

Tuy nhiên, những giải thích này dường như không làm dịu được ngọn lửa tức giận trong người dân. Thực chất, vấn đề bài ngoại (xenophobia) đã gây nhức nhối tại đất nước đa sắc tộc như Singapore từ lâu.

“Người nước ngoài” chủ yếu đến từ Trung Quốc và Philippines bị cho là nguyên nhân gây ra hàng loạt vấn đề như giao thông công cộng đông đúc và thất nghiệp. Kể từ năm 2011, khi vấn đề di cư trở thành một trong những chủ đề làm nóng chính trường và cuộc bầu cử, Singapore phải thắt chặt các quy định về người nước ngoài chuyển sang nước này sinh sống.

Số lượng Thẻ việc làm (Employment Passes) được cấp cho các giáo sư, nhà quản lý, giám đốc điều hành, kỹ sư nước ngoài được chấp thuận mỗi năm giảm xuống mức trung bình 3.000 trong thời gian từ năm 2014-2017 so với đỉnh điểm 32.000 đơn trong năm 2011.

Mặt khác, Viện Nghiên cứu chính sách Singapore từng thực hiện một khảo sát cho thấy, phần lớn (cứ 7 trên 10 người trong số 4.015 công dân và người cư trú vĩnh viễn được hỏi) cho rằng họ chưa thể hoà nhập với người Singapore.

Để giải quyết vấn đề này, nhà xã hội học của Đại học Kỹ thuật Nam Vang Laavanya Kathiravelu cho rằng, Singapore cần phải thúc đẩy việc xoá bỏ phân chia sắc tộc và khuyến khích tổ chức các sự kiện thảo luận lành mạnh vấn đề này. Cũng theo bà, cần phải thay đổi cơ sở định danh quốc tịch Singapore để trở nên “thực sự đa văn hoá và đa sắc tộc hơn”.

Bản thân chính phủ quốc đảo sư tử cũng nhiều lần kêu gọi người dân phải chào đón người nước ngoài. Mới hồi tháng 3 vừa rồi, Phó Thủ tướng Heng Swee Keat kêu gọi người dân cần phải mở rộng tấm lòng và thấu hiểu người nước ngoài. Đồng thời, Singapore phải duy trì một số hình thức văn hoá và bản sắc.

Một hội đồng hoà nhập quốc gia đã được thiết lập năm 2009 để giúp người nước ngoài và người có hai quốc tịch cho biết, việc hoà nhập là cả quá trình cần có sự tham gia của tất cả mọi người. “Người nước ngoài nên học tập, tôn trọng và chấp nhận văn hoá cũng như quy định của Singapore. Họ cần thời gian để hấp thụ và người dân bản địa có thể giúp đỡ họ hoà nhập với láng giềng”, Phó Thủ tướng Heng Swee Keat nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.