Thế giới giao thông

Vận tải đường sắt Canada tê liệt vì biểu tình lớn nhất thập kỷ

25/11/2019, 07:07

Hàng nghìn công nhân công ty đường sắt lớn nhất Canada đồng loạt đình công để thực hiện cuộc biểu tình rầm rộ nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây.

img
Biểu tình của nhân viên ngành đường sắt Canada làm tê liệt vận tải hàng hóa bằng đường sắt

Cuộc khủng hoảng này làm tê liệt hoạt động vận tải hàng hoá đến mức dư luận Canada đã kêu gọi Thủ tướng Canada Justin Trudeau can thiệp.

3.000 công nhân biểu tình

Khoảng 3.000 công nhân thuộc Đường sắt Quốc gia Canada (CN) bao gồm nhân viên bán vé và nhân viên kho biểu tình rầm rộ trong nhiều ngày liền, bắt đầu từ hôm 19/11 trên một số đường ray chọn lọc sau khi phía công đoàn và ban lãnh đạo không thể giải quyết thỏa đáng các vấn đề hợp đồng.

Phía công đoàn muốn biểu tình để gây áp lực lên ban lãnh đạo đường sắt buộc họ phải giải quyết các vấn đề của người lao động. Đó là tình trạng mệt mỏi, kiệt sức vì công việc cũng như yêu cầu không giảm thời gian nghỉ của công nhân.

Trước đó, CN thông báo sẽ cắt giảm các công việc trong công đoàn cũng như quản lý khi đối mặt với tình trạng kinh tế chậm phát triển. Lần gần đây nhất công đoàn công nhân đường sắt tổ chức biểu tình là vào năm 2009 với hoạt động lãn công trong 5 ngày liên tục của các kỹ sư đầu máy.

Trước động thái biểu tình của công nhân, phía CN tỏ ra thất vọng. Về phía Chính phủ Canada, cuộc biểu tình được thực hiện đúng vào thời điểm nhạy cảm đối với Chính phủ của Thủ tướng Trudeau bởi họ đang phải dựa vào các đảng nhỏ hơn để thông qua một số dự luật đồng thời lại đối mặt chỉ trích từ các tỉnh phía Tây vì thất bại trong các dự án xây dựng đường ống dẫn dầu mới.

Các doanh nghiệp kêu trời

Tuy giới doanh nghiệp liên quan “kêu trời” nhưng theo các nhà phân tích đến từ Credit Suisse, cuộc biểu tình có thể tạm thời làm gián đoạn sản lượng của Đường sắt Quốc gia Canada (CN) nhưng sẽ không có tác động dài hạn đáng kể đối với lợi nhuận của công ty này cũng như các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của họ. Cũng theo các nhà phân tích, Ottawa có lịch sử thường can thiệp rất nhanh. Bộ trưởng Bộ Lao động Canada Patty Hajdu và Bộ trưởng Bộ Giao thông Marc Garneau cho biết, họ đang giám sát rất sát sao tình hình biểu tình tại CN sau cuộc gặp giữa ban lãnh đạo và phía công nhân.


Ước tính thiệt hại từ hoạt động công nghiệp lớn nhất trong 1 thập kỷ trở lại đây sẽ rất rộng, bao trùm trên nhiều lĩnh vực. Hàng loạt lãnh đạo các công ty, tập đoàn vận tải phụ thuộc vào ngành Đường sắt đã kêu gọi chính phủ sớm vào cuộc.

Cụ thể, ông Andrew Scheer, lãnh đạo đảng Bảo thủ, đảng lớn thứ 2 tại Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Năng lượng Sonya Savage đều kêu gọi Thủ tướng Trudeau triệu tập Quốc hội ngay lập tức. Tuy nhiên, ông Trudeau cho biết phải đến ngày 5/12 tới mới triệu tập lại Quốc hội.

Ngành công nghiệp khai thác mỏ của Canada, chiếm hơn nửa lợi nhuận vận tải hàng hoá đường sắt thường niên, phụ thuộc vào công ty đường sắt quốc gia để vận chuyển hàng hoá. “Cuộc biểu tình gây ra gián đoạn nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng tới năng suất đường sắt, dẫn đến nhiều mỏ phải đóng cửa do hàng nghìn nhân viên đình công”, ông Pierre Gratton, Chủ tịch và CEO của Hiệp hội Mỏ Canada nhận định.

Bên cạnh đó, các tập đoàn công nghiệp từ công ty sản xuất và xuất khẩu Canada đến các nhóm phân bón và chất đốt propane cũng tha thiết kêu gọi chính phủ Ottawa cần phải vào cuộc để hạn chế những tổn hại đối với nền kinh tế.

Một trong những hệ lụy khi nhiên liệu không được vận tải kịp thời đó là kho dự trữ nhiên liệu hóa lỏng tại tỉnh Quebec chỉ còn đủ dùng trong rất ít ngày. Nếu thiếu hụt nguồn cung khí hoá lỏng, việc sưởi ấm bệnh viện, nhà dưỡng lão, cũng như sấy khô ngũ cốc, sưởi ấm gia súc tại các trang trại gặp rất nhiều khó khăn.

Do đó, chính quyền tỉnh Quebec phải ra lệnh hạn chế sử dụng propane, chỉ ưu tiên cho các trung tâm y tế, các nhà dưỡng lão. Không riêng tỉnh này, nhiều nơi tại khu vực vùng Đại Tây Dương Canada cũng đứng trước nguy cơ thiếu nhiên liệu.

Động thái biểu tình cũng ảnh hưởng tới hoạt động lâm nghiệp khi Hội đồng ngành Lâm nghiệp tỉnh British Columbia đại diện cho ngành này tại tỉnh British Columbia (BC) bày tỏ e ngại biểu tình trong ngành vận tải đường sắt sẽ làm gián đoạn hoạt động.

“90% sản phẩm lâm nghiệp mà chúng tôi sản xuất đều được chuyển tới các thị trường xuất khẩu tại Bắc Mỹ và trên khắp thế giới bằng đường sắt”, Chủ tịch Hội đồng này, cô Susan Yurkovich nói. “Việc gián đoạn của hệ thống vận tải quan trọng này sẽ ảnh hưởng tới các công ty lâm nghiệp ở tỉnh BC ngay trong bối cảnh chúng tôi đã và đang đối mặt với quá nhiều thách thức lớn cũng như sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên toàn cầu”, cô Susan Yurkovich chia sẻ thêm. Không chỉ thế, Canada, một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về sản phẩm nông nghiệp, dựa vào các tuyến vận tải của hệ thống Đường sắt Quốc gia (CN) và đường sắt Thái Bình Dương Canada (CP) để vận tải dầu canola, bột mỳ và các hàng hoá khác vì quãng đường từ các nông trại phía Tây đến cảng quá xa. Do đó, ngành này không nằm ngoài ảnh hưởng. Ông Wade Soblowich, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Vựa lúa phía Tây Canada (bao gồm các thành viên như Công ty TNHH Cargill, Tập đoàn Viterra và Tập đoàn quốc tế Richardson) nhận định: “Các cuộc biểu tình tạo ra tác động xấu ngay khi nhen nhóm ở giai đoạn kế hoạch vì chỉ cần nghe tin, các công ty sẽ phải hạn chế hoạt động giao thương”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.