Đường sắt

Vận tải đường sắt hết thời “ém” toa rỗng trục lợi

26/10/2018, 09:05

Tổng công ty Đường sắt VN đang thử nghiệm hệ thống quản trị vận tải qua mạng để chấm dứt tình trạng nhân viên...

5

Điều độ viên tra tìm thông tin đoàn tàu trên hệ thống quản trị vận tải hàng hóa

Nhấn enter là biết hàng đang ở đâu…

Anh Nguyễn Sỹ Mạnh, điều độ viên tuyến đường sắt Hà Nội - Thanh Hóa (Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt) vừa nhập dữ liệu vào máy tính vừa nói với PV: “Chỉ vài thao tác gõ phím và click chuột là toàn mạng lưới biết tàu này đang ở đâu, đang chạy hay đang dừng; toa xe trong đoàn tàu thế nào, rỗng hay đang chở hàng, chở hàng gì… Điều này trước kia phải mất hàng giờ đồng hồ truy tìm, có khi cả ngày cũng không biết hàng hóa nằm ở toa nào”.

Theo anh Mạnh, trước kia, việc cập nhật thông tin đều phải qua điện thoại nội bộ đường sắt và cái bút, tờ giấy, hoàn toàn thủ công. Việc tổng hợp thông tin cũng chỉ có “đầu mối” là Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt. Thành ra, khi ai cần thông tin về tàu hay toa xe, cụ thể hơn là hàng hóa vận chuyển trên toa xe đang ở đâu, điều độ phải hỏi là hàng đi tàu nào, đi bao giờ, số toa xe chở hàng để lần ngược lại. Giở hết cả tập giấy ra mà không thấy sẽ phải sang tìm ở các điều độ tuyến khác, rồi gọi điện khắp nơi để tìm. Chưa kể, trường hợp nghe số toa xe qua điện thoại không chính xác do giọng vùng miền hoặc tạp âm sẽ mất thời gian nữa.

"Tổng công ty Đường sắt VN đang xây dựng, thử nghiệm, dự kiến trong tháng 11 sẽ hoàn thành tính năng làm vận đơn điện tử bao gồm hóa đơn điện tử và giấy gửi hàng điện tử. Với tính năng này, chủ hàng hoàn toàn có thể giao dịch với đường sắt qua mạng, email, kể cả đặt đơn hàng vận chuyển, yêu cầu toa xe xếp hàng mà không cần trực tiếp đến cơ sở kinh doanh vận tải đường sắt. Bước tiếp theo sẽ xây dựng phần mềm riêng kết nối với hệ thống để chủ hàng tự tra tìm “đường đi” của hàng hóa qua số vận đơn."

Ông Bùi Thanh Bình
Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ VTHK (Công ty Giải pháp công nghệ FPT)

“Giờ chỉ cần vào ô tìm kiếm toa xe, đánh số xe, nhấn enter là xong, cả doanh nghiệp và nhân viên đường sắt đều biết hàng đang trên tàu nào, ở đâu, vừa giảm được tác nghiệp thủ công, thời gian nhanh hơn”, anh Mạnh nói.

Theo các nhân viên đường sắt, đây chỉ là một trong nhiều tính năng mà hệ thống quản trị vận tải hàng hóa đang được Tổng công ty Đường sắt VN phối hợp với FPT xây dựng và vận hành thử nghiệm. Hiện nay, trên màn hình trực quan đã thể hiện tất cả các tàu đang hoạt động trên tuyến và biết tàu đang ở khu đoạn nào, giờ xuất phát ở ga gốc, ga đến, các thông tin đoàn tàu: Có bao nhiêu toa xe, trọng lượng bao nhiêu, dài bao nhiêu mét, số hiệu đầu máy, tên của tài xế, tên của trưởng tàu, số điện thoại.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó giám đốc Trung tâm Kinh doanh vận tải đường sắt Giáp Bát cho biết, hệ thống hiển thị chi tiết trạng thái tức thời của đoàn tàu, của toa xe trên toàn mạng lưới đường sắt Việt Nam; thống kê lịch sử vị trí, lịch sử di chuyển của toa xe trong mọi thời điểm quá khứ và dự kiến 24 giờ tiếp theo. Ngoài ra, còn có tình hình cấp xe của tất cả các trọng điểm hàng hóa, các ga xếp hàng hóa gì, xếp đi đâu hoặc đang dỡ hàng gì, còn chờ dỡ bao nhiêu toa xe, người gửi hàng là ai, gửi đến đâu...

“Nếu như trước đây, khi chủ hàng cần thông tin hàng đang đi đến đâu để chủ động kế hoạch dỡ hàng, chúng tôi phải gọi điện cho điều độ, điều độ lại truy tìm xem hàng đang đi “du lịch” ở đâu. Giờ có thể tự vào hệ thống, tra tìm nhanh để thông tin luôn cho chủ hàng”, ông Quân nói.

Quản trị minh bạch, không thể “ém” toa rỗng

Ông Bùi Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Giải pháp dịch vụ vận tải hành khách (Công ty Giải pháp công nghệ FPT) cho biết, hệ thống quản trị vận tải hàng hóa thực chất là hệ thống quản trị vận tải đường sắt qua mạng, bao gồm cả vận tải hàng hóa, hành khách, phương tiện.

Trước đây, công tác làm vận chuyển hàng hóa 100% là giấy tờ, từ điều hành đến giao nhận vận tải tại các ga, các kho. “Nhân viên hóa vận cứ cái bút với tập giấy, chép giấy than đến tận 6 liên, giao cho các bộ phận, trưởng tàu, lái tàu... Giờ tất cả có trên hệ thống, ai có chức năng cũng vào được, in ra. Chỉ cần in một bản theo tàu, còn ở các ga, các trạm đều có thể theo dõi được, không cần phải bản chép tay”, ông Bình nói.

Theo Tổng công ty Đường sắt VN, thời gian thử nghiệm hệ thống khoảng hơn một năm để cập nhật, hoàn thiện module, tính năng mới. Dự kiến, tháng 2/2019, sẽ hoàn thành giai đoạn thử nghiệm và có thể xem xét đưa hệ thống vào hoạt động chính thức.

Theo ông Bình, hệ thống này tác động đến rất nhiều đối tượng, nhiều tác nghiệp, từ người điều hành. Tất cả các bộ phận liên quan đều phải khai báo, nhập dữ liệu trên hệ thống trong thời gian quy định theo “đường đi” của đoàn tàu, toa xe. Việc này không chỉ giúp thể hiện trạng thái tức thời của đoàn tàu mà còn lưu lại làm “bằng chứng” kiểm đếm về sau cũng như làm dữ liệu để làm báo cáo doanh thu, báo cáo chỉ tiêu trên hệ thống.

“Ai khai báo, tác nghiệp gì trên hệ thống, ở đâu, vào thời gian nào cũng được lưu lại nên rất minh bạch, công khai. Ví dụ, đơn vị nào muốn “ém” toa xe hàng để chỉ phục vụ khách hàng của mình mà không vì mục tiêu điều hành toa xe hiệu quả trên toàn mạng lưới cũng rất khó”, ông Bình nói và cho biết, hệ thống này sẽ tính được hệ số sử dụng, thời gian quay vòng toa xe, hệ số điều rỗng… Đây là những thông số quan trọng cung cấp thông tin tức thời, giúp cho lãnh đạo đường sắt cũng như các công ty vận tải ra các quyết định điều hành chính xác, nhanh chóng để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp vận tải khác.

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Phan Quốc Anh cho biết, hệ thống này số hóa được toàn bộ quá trình vận tải, bao gồm chuẩn hóa các mẫu biểu báo cáo, thống kê, giúp người điều hành quản trị tốt hơn. Mặt khác, giúp giảm chi phí, giảm lao động thủ công. “Về chi phí sức kéo, hóa đơn gửi hàng khai ở công ty vận tải là bao nhiêu tấn hàng, trên hệ thống sẽ có số hiệu toa xe với tự trọng là bao nhiêu, cộng hàng trên hóa đơn là ra tổng trọng toa xe đó, của đoàn tàu đó, từ đó tính toán chính xác hao tốn nhiên liệu. Điều này sẽ quản lý chính xác hơn chi phí sức kéo, giúp đơn vị giảm được giá thành.”, ông Quốc Anh nêu ví dụ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.