Hàng không

Vận tải hàng hoá hàng không có thực sự “béo bở”?

21/07/2021, 13:53

Vận tải hàng hoá được coi là “cứu cánh” giúp hãng hàng không trong mùa dịch song về lâu dài, đây liệu có phải lĩnh vực “hái ra tiền”?

Tháo ghế chở hàng hoá, giải pháp “cực chẳng đã”

Số liệu của Cục Hàng không VN cho thấy, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, tỷ trọng doanh thu vận tải hàng hoá của các hãng hàng không nội địa đã tăng gấp 3 so với thời điểm trước dịch.

img

Vietjet được vinh danh là hãng hàng không vận chuyển hàng hoá trong khoang hành lý tốt nhất của năm 2020

Cụ thể, tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hoá của Vietnam Airlines tăng từ 11,1% lên 31,4%. Con số tương ứng của Vietjet là 3% và 10%. Tương tự, số liệu này Bamboo Airways cũng tăng từ 2,7% lên 8,2%.

Tính đến 28/6/2021, các hãng hàng không đã hoán đổi 9 tàu bay sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang. Trong đó, Vietnam Airlines hoán đổi 5 tàu bay (2 tàu bay A321 và 3 tàu bay A350), Vietjet Air hoán đổi 4 tàu bay A321.

Ngoài ra, một số tàu bay khác (chưa tháo ghế) cũng được chở hàng trên khoang hành khách với điều kiện không chở khách trên cùng chuyến bay.

Trao đổi với Báo Giao thông, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà CEO Vietnam Airlines cũng cho biết, việc hoán cải nhiều tàu bay Boeing 787, Airbus A350, Airbus A321 để chở hàng trên khoang hành khách, làm tăng năng lực chuyên chở hàng hóa trên mỗi loại máy bay lên gấp 1,8-2 lần so với chở hàng tại khoang bụng. Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng.

Dù khẳng định đã nghiên cứu lập hãng vận tải hàng hoá từ 4 năm trước, CEO Vietnam Airlines cũng thừa nhận “không hề dễ dàng” hay như cách nói của ông “bay hàng hoá cũng khó như bay Mỹ”.

“Chúng tôi đã nghiên cứu từ cách đây 4 năm nay nhằm khai thác vận tải hàng hóa riêng biệt. Tuy nhiên, việc tổ chức hãng hàng không hàng hóa cần đảm bảo quy mô đủ lớn (gồm đội tàu bay, mạng bay) để khai thác các nguồn hàng, chân hàng cho các luồng hàng luân chuyển giữa Việt Nam và các nước trên thế giới”, ông Hà nói và dẫn ví dụ về các hãng bay vận tải hàng hóa như Korean Air và China Air vốn mạng đường bay và đội bay đủ lớn nên mới có thể mang lại hiệu quả.

Phía Vietjet - hãng hàng không được vinh danh là “Hãng hàng không vận chuyển hàng hoá trong khoang hành lý tốt nhất của năm” và “Hãng hàng không chi phí thấp có hoạt động vận chuyển hàng hoá tốt nhất năm”, Giám đốc điều hành Đinh Việt Phương cũng khẳng định: Việc đem tàu khách ra chở hàng là chuyện “cực chẳng đã”. Đây không chỉ là giải pháp riêng có của hàng không Việt trong mùa dịch mà cả thế giới đang làm như vậy để có thêm doanh thu, được đồng nào hay đồng ấy.

“Trong giai đoạn Covid-19, Korean Air sống được là nhờ vận tải hàng hoá”, ông Phương thông tin thêm.

Không quá “béo bở”, hãng vận tải hàng hoá lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay

img

Tỷ trọng doanh thu từ vận tải hàng hoá của Bamboo Airways cũng tăng từ 2,7% lên 8,2%

Trao đổi với Báo Giao thông, Tổng thư ký Hiệp hội hàng không VN Bùi Doãn Nề cho hay: Việc các hãng hàng không trong nước đang tận dụng vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chở khách trong mùa dịch cũng chỉ đơn giản là vì khách không có, tàu nằm không, cực chẳng đã họ mới phải tháo ghế để chở hàng.

“Bay như vậy cũng chỉ là để “được đồng nào hay đồng đấy”, có doanh thu, có tiền về để trang trải chứ không phải là để sinh lời nhờ vận tải hàng hoá”, ông Nề nói và khẳng định: Nếu khách đông trở lại, 100% các hãng lắp ghế bay ngay chứ chẳng đời nào chịu bay hàng hoá.

Thực tế, nhiều năm nay, Cục Hàng không VN đã có rất nhiều văn bản ủng hộ lập các hãng vận tải chuyên hàng hoá hàng không. Trong Quyết định 236 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không, Thủ tướng cũng khuyến khích thành lập hãng vận tải hàng hoá chuyên biệt nhưng bao năm nay đã lập được hãng nào đâu.

Đồng quan điểm, một chuyên gia kỳ cựu về vận tải hàng không cho hay: Vận tải hàng hóa rất khó, khả năng sinh lời là rất yếu. Thực tế trên thế giới các hãng vận tải hàng hoá chuyên biệt không nhiều. Vận tải hàng hoá đòi hỏi sự kết nối mạng rất lớn. Bay điểm nối điểm là “đứt” ngay.

Cũng theo vị này, hãng vận tải hàng hoá lớn hiện này chỉ đếm trên đầu ngón tay, có FedEx, UPS, Cargolux, Korean Air, Lufthansa Cargo… Tại Việt Nam, các hãng hàng không nội địa như Vietnam Airlines, Vietjet đã tính toán rất nhiều việc kinh doanh vận tải hàng hoá tuy nhiên, thực tế là vẫn chưa có hãng vận tải hàng hoá chuyên biệt nào ra đời dù nhà nước khuyến khích.

Liên quan đến vận tải hàng hoá, chuyên gia này cũng nhắc lại đề xuất lập hãng vận tải hàng hoá của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn.

“Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất lập hãng vận tải hàng hoá của ông Hạnh Nguyễn, tuy nhiên tôi cũng cho rằng đây chưa phải là thời điểm hợp lý. Dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ngoài dự đoán của tất cả chúng ta. Tình huống đặc biệt thì phải có có giải pháp đặc biệt. Trong khi vận tải hàng hoá đang là cứu cánh cho các hãng hàng không vốn đang “sống dở, chết dở” trong mùa dịch thì việc có thêm một hãng chuyên biệt vận tải hàng hoá không phải là cách hay”, vị chuyên gia nói và cho rằng: Thành lập hãng hàng không vận tải hàng hoá của Việt Nam là chiến lược đặt ra, tuy nhiên, chắc chắn là không nên vào thời điểm này. Việc chưa cho xem xét thành lập mới hãng hàng không là giải pháp đặt ra trong bối cảnh dịch Covid-19 chứ không phải câu chuyện hạn chế hay không hạn chế của cơ quan quản lý.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.