Vận tải

Vận tải hành khách được xếp hạng theo sao

17/07/2015, 13:23

Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô.

41
Hành khách đi xe của Công ty Phương Trang được đọc Báo Giao thông miễn phí - Ảnh: Linh Hoàng

Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô. Theo đó, chất lượng dịch vụ doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách sẽ được phân hạng từ 1 - 5 sao với thang điểm 100. 

Áp sao theo tiêu chuẩn, không theo quy chuẩn

Theo Tổng cục Đường bộ VN, đơn vị đang xây dựng tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải hành khách bằng xe ô tô với những tiêu chí đánh giá và phân hạng từng loại hình kinh doanh bao gồm: Chất lượng phương tiện, lái xe và nhân viên phục vụ, hành trình, tổ chức, quản lý... Ba loại hình kinh doanh sẽ được xếp loại là: Vận chuyển hành khách theo tuyến cố định, du lịch, hợp đồng; Vận chuyển hành khách bằng xe buýt và vận chuyển hành khách bằng taxi sẽ được đánh giá trên 5 tiêu chí để tính điểm.

Cụ thể, chất lượng phương tiện, tối đa 40 điểm; lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, tối đa 20 điểm; hành trình chạy xe, tối đa 10 điểm, riêng taxi không tính điểm tiêu chí này; tổ chức, quản lý của đơn vị vận tải, tối đa 20 điểm; quyền lợi của hành khách, tối đa 10 điểm.

“Điều quan trọng là cơ quan nào sẽ được giao hậu kiểm, thành phần là những ai để tạo sự độc lập, đồng thời phải thường xuyên theo dõi sát các đơn vị vận tải mới có thể đánh giá đúng, chuẩn mực việc gắn sao”.

Ông Nguyễn Văn Thanh
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN

Trên cơ sở các tiêu chí này, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách của phương tiện được phân thành các hạng chất lượng, vận tải hành khách tuyến cố định, du lịch và xe hợp đồng được phân thành 5 hạng từ 1 - 5 sao với thang điểm 100; Vận tải hành khách bằng xe buýt được phân thành hai hạng  2 sao và 3 sao cũng  với thang điểm 100; Taxi phân thành 3 hạng  từ 3, 4 - 5 sao nhưng với thang điểm 90. Nếu doanh nghiệp vận tải được 50-60 điểm  đạt 1 sao, 60-70 điểm đạt 2 sao, 70-80 điểm đạt 3 sao, 80-90 điểm đạt 4 sao và đạt 90-100 điểm đạt 5 sao.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN nhận định, đề án sẽ khắc phục cơ bản những bất cập trong đăng ký và thực hiện chất lượng dịch vụ vận tải, quản lý ATGT ở các đơn vị vận tải hiện nay. “Đây là cơ sở để hành khách lựa chọn, giám sát chất lượng dịch vụ vận tải. Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có cơ chế khuyến khích, phát triển các đơn vị vận tải quản lý tốt, loại bỏ dần những đơn vị chất lượng dịch vụ kém”, ông Quyền nói.

Về các tiêu chí đánh giá sao, ông Quyền cho biết, sẽ ban hành theo hình thức tiêu chuẩn chứ không phải là quy chuẩn như trước đây. Theo luật hiện hành, quy chuẩn là bắt buộc, còn tiêu chuẩn là hoàn toàn tự nguyện. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có quyền tự nguyện áp dụng chứ không phải bắt buộc, doanh nghiệp tự thấy mình đạt mấy sao thì công bố để cho hành khách lựa chọn.

42
Doanh nghiệp vận tải được đăng ký sao cho chất lượng dịch vụ

Có nảy sinh… “chạy chọt” nâng, hạ sao?

Trước thông tin gắn sao cho doanh nghiệp vận tải khách, nhiều chủ doanh nghiệp vận tải tỏ ra rất hào hứng, bởi họ cho rằng, doanh nghiệp vận tải hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng đã phải tự nâng cao chất lượng để cạnh tranh. Mặt khác, các đơn vị này cũng kiến nghị, gắn sao cho các loại xe theo chất lượng dịch vụ, phải có người thực hiện công tác hậu kiểm, quản lý chặt.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải Thương mại Dịch vụ Đất Cảng bày tỏ quan điểm, gắn sao xe khách là cơ hội để doanh nghiệp kinh doanh vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Khi doanh nghiệp vận tải có thương hiệu sẽ dễ dàng cho hoạt động kinh doanh, đồng thời quyền lựa chọn của người dân, hành khách cũng được đảm bảo, tránh tình trạng “đánh đồng” giữa doanh nghiệp lớn có thương hiệu với doanh nghiệp nhỏ lẻ như hiện nay.

“Nếu đưa ra được các tiêu chí rõ ràng, doanh nghiệp sẽ có sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Hiện nay, phân bố luồng tuyến, quản lý vùng hoạt động, quy hoạch xây dựng chưa chuẩn nên phải làm lại khoa học hơn. Cùng đó, các bến xe cũng phải gắn sao để tương xứng với hoạt động vận tải”, ông Hải nói và đề xuất giao Sở GTVT công bố sao cho doanh nghiệp. Công tác hậu kiểm nên giao cho các Sở GTVT vì cơ quan này quản lý được cả số lượng và chất lượng phương tiện, đồng thời nắm được cả chất lượng dịch vụ vận tải của doanh nghiệp trên địa bàn.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô số 2 đề xuất nên giao cho doanh nghiệp tự đưa ra mức sao. Nhà nước công khai các tiêu chí và để tự các doanh nghiệp bình chọn, tránh tình trạng chủ xe có thể tham gia với tư cách cá thể, hay thành viên của một doanh nghiệp để “núp bóng” và gắn sao. Hiệp hội vận tải chủ trì việc bình chọn sao cho các doanh nghiệp công khai, minh bạch hơn.

Ủng hộ chủ trương gắn sao cho doanh nghiệp vận tải, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, dễ nảy sinh tiêu cực nếu tiến hành phân loại sao mà chưa có cơ quan, hội đồng độc lập đánh giá, hậu kiểm. Cùng đó, làm không chặt cũng nảy sinh tình trạng “chạy chọt” để nâng, hạ “sao” cho xe của doanh nghiệp mình. “Nên thành lập hội đồng thẩm định, trong đó có sự tham gia của Hiệp hội Vận tải ô tô để làm công tác hậu kiểm việc xếp sao cho doanh nghiệp”, ông Thanh đề xuất.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.