Vận tải

Vận tải khách bằng ô tô: “Chuyển đổi số hay là chết”?

09/09/2022, 21:32

Các doanh nghiệp vận tải khách bằng ô tô thừa nhận tính tất yếu phải chuyển đổi số và cũng đã đề xuất nhiều giải pháp khi chuyển đổi số.

“Chuyển đổi số hay là chết”? - là một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận tại buổi tọa đàm "Những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, Bến xe khách" được tổ chức sáng ngày 9/9 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

img

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Chuyển đổi số thì mới tồn tại được

“Chuyển đổi số hay là chết” là câu hỏi được ông Phạm Đăng Thiện - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Thái Nguyên (một doanh nghiệp vừa có bến xe vừa kinh doanh vận tải khách) đặt ra ngay từ đầu trong bài tham luận.

Theo ông Thiện: Chúng ta đều biết, lâu nay Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ GTVT đã có những giải pháp thực thi chuyển đổi số. Thế nhưng, hiện tại bến xe, doanh nghiệp tuyến cố định kết nối với hành khách rất kém.

“Chúng ta đã số hóa, đã kết nối đâu mà nói. Có bao nhiêu người mua vé tuyến cố định trên web…Chúng ta chỉ mới sử dụng chiếc điện thoại đút túi mà thôi. Vì vậy, phải chuyển đổi số”, ông Thiện nêu tính tất yếu và đưa ra bằng chứng:

“Bên cạnh việc quản lý chuyên môn, công ty chúng tôi cũng đã phát triển CNTT. Đã có 280 doanh nghiệp trên cả nước sử dụng hệ thống web của chúng tôi ổn định. Vừa rồi chúng tôi cũng đã chạy phần mềm app trên điện thoại di động và qua thí điểm trên 80 phương tiện cho thấy ổn định”.

Cũng theo ông Thiện: Lái xe sử dụng công nghệ thì sẽ sử dụng app trên điện thoại di động. Bến xe ứng dụng công nghệ điện tử thì cả bến, cả lệnh, cả vé… sẽ chỉ làm trên điện thoại. Cái này chúng ta phải làm, không làm sẽ không có dữ liệu để chuyển đổi số; không có dữ liệu để khách hàng nhìn thấy chúng ta.

“Phải cố gắng mà làm. Chúng ta cứ kêu thủ tục khó khăn, thế nhưng trên thực tế đơn vị thì sau khi ứng dụng CNTT thì kinh phí đã giảm đi được 1 nửa so với in giấy. In giấy bình thường hết 180 - 200 ngàn đồng/đầu xe, nhưng hiện tại chúng tôi cả lệnh, cả vé… chỉ có 90 ngàn đồng/đầu xe/1 năm, không hề tốn tiền”, ông Thiện nói và cho biết thêm:

Nhu cầu của khách hàng ngày đòi hỏi cao, từ nhà đến nhà chứ không phải như ngày xưa từ bến đến bến. Trong bối cảnh đó, xe Limousine, xe ghép ngày càng phát triển mạnh mẽ tạo nên một sức ép cạnh tranh rất lớn. Như ở Thái Nguyên hiện nay có khoảng gần 400 xe Limousine và gần 600 xe ghép và dự đoán càng phát triển nữa.

img

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm

Mục đích tối thượng cuối cùng là phục vụ khách hàng, phục vụ nhân dân. Công năng của xe tuyến cố định rất lớn, nếu chúng ta không số hóa được phương tiện thì người dân tham gia giao thông hoặc gửi hàng hóa không nhìn thấy chúng ta. Thực tế là trung tâm thương mại đã thua sàn giao dịch, vì vậy chúng ta phải chuyển đổi số thì mới tồn tại được.

Cùng quan điểm tất yếu phải chuyển đổi số, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cho biết: Thị trường phát triển rất nhanh trong thời điểm công nghệ 4.0, mạng xã hội bây giờ. Vì vậy, thói quen, hành vi đi lại của người dân đã khác. Ví dụ như grab, họ không có xe nào nhưng mà lượng xe của họ hiện nay lại lớn nhất toàn quốc. Đây là mô hình quản lý, làm vận tải thời công nghệ.

Ông Hải cho biết thêm: Công nghệ làm thay đổi toàn bộ hành vi của hành khách. Ngồi ở nhà, gõ 1 cái là có xe đến đón. Vì vậy, không có doanh nghiệp Limousine này thì có doanh nghiệp khác. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có cấm được không? Nếu công nghệ phát triển như thế này thì rất khó, vì vậy chỉ còn cách là thay đổi bản thân mình.

Ông Nguyễn Văn Long - Giám đốc Công ty Vận tải Thừa Thiên Huế cũng thừa nhận: Hiện nay, số hóa hết sức quan trọng. Các bến xe và các doanh nghiệp phải phối hợp với nhau trong việc này. Ví dụ, Bến xe Vinh đưa lên thông tin tuyến Vinh - Huế có bao nhiêu tuyến, giờ chạy… Người dân ngồi nhà check in cái là biết ngay. Việc người dân tiếp cận nhanh hơn, dễ dàng và thuận tiện hơn sẽ đem lại hiệu quả rất lớn cho bến xe và doanh nghiệp vận tải…

img

Theo ông Phạm Đăng Thiện - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Thái Nguyên, chỉ có chuyển đổi số mới tồn tại được.

Doanh nghiệp phải làm gì khi chuyển đổi số?

Theo ông Phạm Đăng Thiện - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải Thái Nguyên: Khi đã có dữ liệu số thì bến xe và doanh nghiệp vận tải phải ngồi lại, sử dụng chung và chia sẻ với nhau.

Ngoài ra, chúng ta thúc đẩy tiến tới thanh toán điện tử, tức là chúng ta hướng tới một xã hội công bằng, minh bạch. Chính vì đó, các loại hình kinh doanh vận tải trên cùng 1 thị trường cần được các cơ quan quản lý nhà nước đối xử công bằng, minh bạch.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà - Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan (Thái Nguyên) cho biết: Nhà nước đã chuyển đổi số, doanh nghiệp cũng đã chuyển đổi số rất tốt. Trong kinh doanh vận tải hành khách, chuyển đổi số tức là từ nhà nước đến doanh nghiệp, đến Nhân dân cùng giám sát nhau.

Còn ông Phạm Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội, cho biết: "Theo quy định, chỉ doanh nghiệp, HTX mới được kinh doanh bến xe. Đã kinh doanh thì phải hướng tới hiệu quả, lợi nhuận cũng như chất lượng dịch vụ. Những yếu tố đó hiện nay đang có những rào cản không vượt qua được vì giá dịch vụ được quy định tương đối cứng, ít thay đổi".

img

Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng): Công nghệ làm thay đổi toàn bộ hành vi của hành khách

Ví dụ như ở Hà Nội, giá dịch vụ đã được quy định từ năm 2011 đến nay, chưa được điều chỉnh, thay đổi. Trong khi đó, muốn nâng cao được chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp bến phải đầu tư, phải ứng dụng CNTT. Thế nhưng, đầu tư rồi mà đơn giá dịch vụ không vượt đơn giá đã quy định. Đề nghị điều chỉnh quy định này, doanh nghiệp tự chủ động giá dịch vụ theo đúng quy định pháp luật.

Về áp dụng vé điện tử, ông Hùng cho biết hoàn toàn đồng ý với chủ trương này. Đây là giải pháp nhằm minh bạch trong quản lý thuế của Nhà nước, là chủ trương đúng đắn.

Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường có hàng trăm đơn vị cung cấp giải pháp vé điện tử. Mỗi đơn vị 1 nền tảng, 1 công nghệ khác nhau. Mỗi một đơn vị vận tải lại chọn cho mình 1 giải pháp công nghệ, 1 đơn vị cung cấp công nghệ khác nhau. Vì vậy, khi ủy thác bán vé cho các bến xe thì bến gặp rất nhiều khó khăn.

“Chúng tôi đề nghị, chúng ta đề nghị với Tổng cục Thuế có những tiêu chuẩn, quy định chung. Thứ nhất là về thiết kế, giao diện các nền tảng giải pháp công nghệ nói chung để dù bất cứ đơn vị nào cung cấp giải pháp cũng có thể kết nối với nhau”, ông Hùng nói.

Khẳng định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh: "Chuyển đổi số phục vụ cho quản trị của doanh nghiệp; phục vụ trong kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp; phục vụ cho quản lý Nhà nước với hoạt động vận tải.

Hiện nay, trên thị trường đã có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Về phía các đơn vị kinh doanh vận tải cũng đã có những đơn vị áp dụng giải pháp công nghệ có hiệu quả".

img

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam mong muốn những đơn vị đã áp dụng chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý, quản trị công nghệ số để các doanh nghiệp khác nghiên cứu vận dụng

“Chúng tôi mong muốn các đơn vị đã áp dụng có hiệu quả chia sẻ những kinh nghiệm trong quản lý, quản trị công nghệ số để cho các doanh nghiệp khác nghiên cứu vận dụng.

Các đơn vị vận tải tuyến cố định, bến xe khách cần tổ chức lại cho hợp lý, lấy áp dụng công nghệ chuyển đổi số là vấn đề mấu chốt của quản lý. Phối hợp với các đơn vị có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử theo quy định tại Thông tư 78/2021 của Bộ Tài chính để triển khai thực hiện.

Đơn vị vận tải khách, bến xe khách phối hợp chặt chẽ với các đơn vị công nghệ để triển khai giải pháp chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Đảm bảo phát triển hiện đại, đồng bộ và thông suốt lẫn nhau…", ông Quyền đề nghị.

Cũng theo ông Quyền, Hiệp hội đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các địa phương nghiên cứu ổn định quy hoạch các bến xe để các doanh nghiệp kinh doanh bến xe yên tâm đầu tư khai thác. Có quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước với chính quyền các cấp phường, xã để xảy ra tình trạng bến cóc, xe dù. Tích hợp và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình camera gắn trên xe khách để xử lý các vi phạm theo quy định.

Nghiên cứu bố trí các điểm dừng đỗ, đón, trả khách trên đường cho các phương tiện kinh doanh vận tải theo tuyến cố định để đảm bảo các đơn vị thực hiện kinh doanh có hiệu quả, không vi phạm; quy định cơ chế chính sách và biện pháp quản lý bình đẳng giữa xe taxi công nghệ và taxi truyền thống…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.