Vận tải

Vận tải khách sẽ chỉ còn hai loại hình taxi và xe buýt?

16/06/2017, 10:16

Vận tải khách đường bộ hiện nay có 5 loại hình gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng...

8

Thu gọn vận tải khách công cộng còn hai loại hình taxi và xe buýt giúp quản lý tốt hơn, tránh nạn xe dù, bến cóc - Ảnh: Khánh Linh

Vận tải khách đường bộ hiện nay có 5 loại hình gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 86, nhiều ý kiến cho rằng, chính việc chia nhỏ loại hình vận tải khách khiến công tác quản lý thêm khó khăn và làm nảy sinh tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình lộng hành.

Đề xuất chỉ còn taxi và xe buýt

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Luật GTĐB năm 2008 đưa ra 5 loại hình vận tải, nhưng về bản chất nó vẫn là vận tải hành khách. Tôi đã tìm hiểu một số nước, lúc đầu họ cũng tồn tại nhiều loại hình vận tải khách như Việt Nam hiện nay. Quá trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải khách khối lượng lớn, cùng với hành lang pháp lý được quy định chặt chẽ, họ thu gọn lại chỉ còn 1-2 loại hình là taxi và xe buýt. Đối với loại hình xe buýt họ gộp vận tải tuyến cố định, hợp đồng, du lịch lại thành một và có điều kiện kinh doanh cụ thể cho loại hình này.

Theo Thứ trưởng Thọ, khi các đô thị đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển đồng bộ các phương thức vận tải xe buýt và tàu điện, lúc này, phương tiện cá nhân, hay loại hình vận tải khác không phù hợp, người dân sẽ đi bằng vận tải công cộng. “Tới đây, cần có hành lang pháp lý, thể chế đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội. Phải thừa nhận có những lúc sự phát triển của xã hội nhanh hơn xây dựng thể chế. Việc sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự phát triển là tất yếu”, Thứ trưởng Thọ nói.

"Một nghị định có thời gian “sống” 3-5 năm đã là quá tốt, cần luôn điều chỉnh sát với thực tế cuộc sống, với sự phát triển của khoa học công nghệ, sát với những “mánh khóe” mà doanh nghiệp xe hợp đồng trá hình đang lách được."

Chuyên gia vận tải
PGS. TS. Từ Sỹ Sùa

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, nhiều nước không phân biệt rạch ròi các loại hình vận tải như Việt Nam mà chỉ có taxi và xe buýt. Việc phân ra nhiều loại hình vận tải tưởng là chi tiết, dễ quản lý nhưng qua thực tế lại càng thêm phức tạp. Với quy định chi tiết điều kiện cho từng loại hình vận tải, trong khi đó, ranh giới phân biệt giữa một số loại hình như xe hợp đồng, xe tuyến cố định, du lịch rất mong manh.

“Chúng ta lại cố gắng đưa ra các quy định điều kiện kinh doanh để bao cho từng loại hình, nên đã nảy sinh nhiều bất cập không quản lý nổi, nhiều thủ tục phức tạp vô tình đẩy xe tuyến cố định ra chạy hợp đồng”, ông Thanh nói và cho rằng, các điều kiện xe hợp đồng như: Thông báo hợp đồng vận chuyển, không được lặp lại hành trình, danh sách hành khách doanh nghiệp đều có thể đối phó được. Điều này làm nảy sinh xe hợp đồng trá hình, hoạt động như tuyến cố định để né thuế, xe dù, bến cóc tràn lan, tiền không vào ngân sách mà vào túi mấy ông xe dù.

Phải mạnh dạn đổi mới

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, chỉ nên quy định những điều kiện chung tất cả loại hình, doanh nghiệp đáp ứng được thì được phép kinh doanh. “Bao năm nay, thực trạng kinh doanh vận tải vẫn vậy, chúng ta phải mạnh dạn thay đổi. Để thực hiện thành công cần có nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia và phải được bổ sung vào Luật GTĐB”, ông Thanh nói thêm.

Ở góc độ khác, chuyên gia vận tải, PGS. TS. Từ Sỹ Sùa cho rằng, hiện loại hình đang gây bức xúc nhất là loại hình xe hợp đồng, có hai loại đang tồn tại là hợp đồng bằng giấy và hợp đồng điện tử. Loại hình xe hợp đồng còn nhiều bất cập trong quản lý, hiện chúng ta mới chỉ quản được khoảng 10-12% số xe hợp đồng, số còn lại đang hoạt động trá hình. Với cách phân loại hình vận tải như hiện nay, làm cho các nhà quản lý cảm thấy “bàng hoàng” trước thay đổi quá lớn về công nghệ, hợp đồng công nghệ không còn là bằng giấy, hai bên cũng không cần phải ký kết mà chỉ cần nhấp chuột là ký hợp đồng.

“Vấn đề là cần nâng cao năng lực quản lý, có thể tham khảo giải pháp mà doanh nghiệp Phương Trang đề xuất lắp camera giám sát số lượng hành khách trên xe, kết hợp với thiết bị giám sát hành trình, cơ quan quản lý làm chặt chẽ  làm sao mà xe trốn đi đâu được”, ông Sùa phân tích thêm.

Đề xuất thêm giải pháp quản lý kinh doanh vận tải, TS. Sùa cho rằng, hiện đã có nhiều giải pháp triển khai mà xe dù, xe hợp đồng trá hình vẫn hoành hành. Người thiệt thòi nhất là Nhà nước không thu được thuế, không phát huy được vai trò quản lý nhà nước về vận tải công cộng. “Cần phân tích rõ những lỗ hổng của việc phân loại hình vận tải và điều kiện kinh doanh hiện nay để quản lý hiệu quả hơn. Tới đây, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, có đạo đức nghề nghiệp”, ông Sùa đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.