Vận tải

Vận tải nội bộ sẽ phải có giấy phép kinh doanh

21/07/2020, 06:36

Đối tượng xe vận chuyển nội bộ không quy định tại Nghị định 10 sẽ được quy định là kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp, cấp giấy phép...

img
Xe vận chuyển công nhân của doanh nghiệp như Samsung hiện không phải thực hiện các điều kiện về kinh doanh vận tải

Quy định đối với xe vận tải nội bộ tại Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trước đây sẽ được Bộ GTVT luật hóa tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Đối tượng kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp này sẽ phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải.

Tránh “lách” luật sang vận tải nội bộ

Nghị định 10 thay thế Nghị định 86 hiện nay chỉ quy định điều kiện kinh doanh đối với đối tượng kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp. Xe phục vụ sản xuất nội bộ vận chuyển cán bộ, công nhân, hàng hóa của các doanh nghiệp, nhà máy như Samsung, Trường Hải (kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp) dự kiến sẽ được điều chỉnh tại một nghị định riêng. Đối tượng này hiện không phải thực hiện các điều kiện về kinh doanh vận tải, đảm bảo ATGT như lắp thiết bị giám sát hành trình, quy trình đảm bảo ATGT như Nghị định 86 trước đây.

Phát biểu tại cuộc họp lấy ý kiến vào dự thảo Luật được Bộ GTVT tổ chức gần đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Trong Luật xử lý vi phạm hành chính, cá nhân bị xử phạt 1 thì tổ chức sẽ bị phạt gấp đôi, muốn như vậy phải biết được xe đó của tổ chức nào. Kinh doanh vận tải nội bộ cũng phải có giấy phép để biết được số lượng xe cụ thể của doanh nghiệp đó. Đặc biệt, Luật lần này cũng phải đưa ra quy định, doanh nghiệp sai phạm mức nào đó thì sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.


Trao đổi với Báo Giao thông, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, do đối tượng này chưa được quy định trong luật nên không quy định được trong nghị định.

Nếu quy định theo Nghị định 10, xe kinh doanh vận tải sẽ chuyển hết sang vận tải nội bộ. Thực tế, trong số 1,2 triệu xe kinh doanh vận tải được cấp phù hiệu, có một phần ba trong số này (400.000 xe) là xe kinh doanh vận tải nội bộ. Đây là hình thức “lách” luật chuyển sang hình thức vận tải nội bộ để trốn tránh các điều kiện kinh doanh vận tải.

“Cần tiếp tục quản lý đối với kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp. Nếu không quy định đối tượng này sẽ tiếp tục lách luật. ATGT chỉ là một vấn đề, quan trọng nhất là sự không bình đẳng, hai đối tượng cùng có cơ hội kinh doanh như nhau nhưng lại quản lý bởi hai điều kiện trái ngược, bên chặt chẽ, bên thì lỏng lẻo, giống như điều kiện giữa xe taxi và xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ”, ông Hùng nói và nhấn mạnh, kinh doanh vận tải không phải là kinh doanh hàng xén, như bán rau, bán cá ngoài chợ.

Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho rằng, đối với xe vận tải nội bộ, dự thảo Luật đưa ra hai phương án. Phương án 1 là phân định kinh doanh vận tải theo Nghị định 86/2014 trước đây, hoạt động vận tải nội bộ không thuộc cả hai loại hình kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp, không thu tiền trực tiếp mà có một quy định riêng để điều tiết đến các doanh nghiệp FDI. Phương án 2 là phân định kinh doanh vận tải theo Nghị định 10 và không coi vận tải nội bộ là kinh doanh vận tải.

Đề cập ưu, nhược điểm từng phương án, bà Nga cho biết, phương án 1 có ưu điểm là phân định rõ kinh doanh vận tải chuyên nghiệp (thu tiền trực tiếp) và bán chuyên nghiệp (không thu tiền trực tiếp). Theo bà Nga, cần đưa ra điều kiện riêng giữa hai loại hình này đảm bảo quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải của doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ lệ góp vốn trên 51% theo đúng cam kết WTO (đối tượng này không được kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp). Tuy nhiên bà Nga cho biết, việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho doanh nghiệp FDI không đúng cam kết WTO do có cụm từ kinh doanh vận tải và cũng không phù hợp với Nghị định 10.

Đối với phương án 2, quy định phù hợp với toàn bộ các loại hình doanh nghiệp theo cam kết WTO, trong đó doanh nghiệp FDI có vốn trên 51% không phải là kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, theo bà Nga, phương án này chưa phân định đúng bản chất loại hình này do đối tượng không thu tiền trực tiếp thực chất vẫn là kinh doanh vận tải, tiền cước được tính trong giá bán của sản phẩm, dịch vụ do đơn vị vận tải cung cấp. Còn đối tượng vận tải nội bộ chủ yếu là các cơ quan, tổ chức không sản xuất kinh doanh đảm nhận, chi phí của hoạt động vận tải được tính trong chi phí hoạt động của đơn vị do đơn vị này không có sản phẩm, dịch vụ cung cấp ra thị trường.

Từ những phân tích trên, bà Nga cho rằng nên quy định theo phương án 1 và có quy định quản lý riêng đối với các doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ lệ góp vốn trên 51%.

Vận tải nội bộ phải cấp giấy phép kinh doanh

Để tạo sân chơi công bằng, tránh cạnh tranh không lành mạnh, loại bỏ đối tượng vận tải nội bộ lợi dụng chính sách, nhiều ý kiến cho rằng, phải đưa vào quản lý xe kinh doanh vận tải nội bộ như Nghị định 86 trước đây.

Không nên “thả gà ra đuổi”
Cũng như các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác, giấy phép kinh doanh là “chốt” cuối cùng để quản lý người chủ đích thực của hoạt động kinh doanh đó. Việc cấp giấy phép kinh doanh giúp hướng các doanh nghiệp quản trị đảm bảo ATGT trong phương pháp tiến bộ mà không phụ thuộc vào cá nhân người lái xe. Đây là “cây gậy” cuối cùng để quản lý, rút giấy phép là dừng hoạt động cả trăm xe, khác hoàn toàn với “thả gà ra đuổi”, xử lý từng xe vi phạm và lúc này trăm sự đổ lên đầu lái xe. Nếu có giấy phép, ông chủ thực sự của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm, tránh được tình trạng khoán trắng cho lái xe.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia


Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, dự thảo Luật sẽ khác với Nghị định 10, kinh doanh vận tải sẽ bao gồm thu tiền trực tiếp và không thu tiền trực tiếp. Đối tượng xe vận chuyển nội bộ không quy định tại Nghị định 10 sẽ được quy định là kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp và cấp giấy phép kinh doanh vận tải tại dự thảo Luật.

Tuy nhiên, bà Hiền cho rằng, vướng nhất ở đây là doanh nghiệp FDI sẽ được quy định là kinh doanh vận tải và vi phạm cam kết gia nhập WTO của Việt Nam là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không vượt quá 49% đối với vận tải hành khách và 51% đối với vận tải hàng hóa. Vẫn quy định giấy phép kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp và có điều kiện hạn chế đối với xe của doanh nghiệp FDI.

Theo ông Khuất Việt Hùng, khi doanh nghiệp vi phạm, hình thức xử lý rút giấy phép kinh doanh, dừng hoạt động cả trăm xe sẽ có tính răn đe cao hơn so với các hình thức xử lý rút phù hiệu của một vài xe.

Xe vận chuyển nội bộ cũng phải cấp giấy phép kinh doanh, trong đó quy định doanh nghiệp FDI được phép làm gì và có quy định riêng. Đồng thời, cũng phải có phương án vận tải nội bộ mới được cấp giấy phép kinh doanh. Quy định đây là loại hình kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp vào Luật sẽ tạo môi trường pháp luật kinh doanh đảm bảo tính minh bạch, đảm bảo các loại hình doanh nghiệp hoạt động liên quan đến vận tải, có cơ chế quản lý cũng như chế tài xử phạt.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh, sửa Luật GTĐB lần này, Bộ GTVT xác định: Các loại hình và phương tiện kinh doanh vận tải nào cũng đều phải được quản lý. Nếu không dự báo trước, khi thực tế xuất hiện phương tiện và loại hình mới mà không được quy định trong Luật sẽ lúng túng. Kinh doanh vận tải là phải có điều kiện, từ đây sẽ sàng lọc các đối tượng thực hiện kinh doanh vận tải, ngoài các điều kiện chung. Loại hình nào có đặc thù riêng cũng sẽ có điều khoản riêng để quản lý.

“Vận tải nội bộ có cả đối tượng kinh doanh và không kinh doanh vận tải. Trong kinh doanh vận tải có thu tiền trực tiếp và thu tiền gián tiếp, vận tải nội bộ là kinh doanh thu tiền gián tiếp. Các doanh nghiệp thành lập ra các đội xe vận chuyển phục vụ sản xuất và hoạt động như kinh doanh vận tải và phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải”, Thứ trưởng Thọ khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.