70 năm truyền thống ngành GTVT

Vận tải sông, biển chi viện miền Nam thế nào?

10/03/2015, 18:17

Giữa tháng 5/1965, Bộ GTVT quyết định giải thể Cục Vận tải thủy để thành lập Cục Vận tải đường biển

song pha bien1
Tài sản của Công ty Vận tải biển Việt Nam có tới 217 tàu, nhưng tổng trọng tải chỉ vẻn vẹn 34.245 tấn; tàu lớn nhất là 3.500 tấn… Ảnh minh họa

Đây là một bước ngoặt lớn về mặt cơ cấu tổ chức trong ngành GTVT của đất nước, đồng thời mở ra một chặng đường mới cho ngành vận tải thủy. Khi đó, Cục Vận tải đường biển quản lý các đội tàu biển (sau này là Công ty Vận tải biển Việt Nam - VOSCO), hệ thống cảng biển, đại lý hàng hải, bảo đảm hàng hải, công nghiệp sửa chữa cơ khí, xây dựng công trình thủy và trường đào tạo.

Vận tải biển khi đó là lực lượng chủ lực trên các tuyến vận tải Hải Phòng - Hồng Kông, Hải Phòng - Quảng Châu… Tài sản của Công ty Vận tải biển Việt Nam có tới 217 tàu, nhưng tổng trọng tải chỉ vẻn vẹn 34.245 tấn; tàu lớn nhất là 3.500 tấn…

Trong những năm chiến tranh, khi Mỹ phong tỏa các cảng bằng bom từ trường và laze, ngành Vận tải biển đã chế tạo thiết bị rà phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, tổ chức rà phá, góp phần bảo đảm giao thông hàng hải giai đoạn 1967 -1972. Cùng đó, ngành Đường sông đã dùng tàu T5, để dọn sạch bom từ trường, thủy lôi, bom bi trên các tuyến sông, để thông tuyến, thông luồng.

Để có thêm trục đường vận tải vào Khu 4, Bộ GTVT quyết định khai thác kênh đào Nhà Lê với chiều dài 500 km từ Ninh Bình xuyên qua Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình vào tận Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), để tổ chức tiếp chuyển với xe lửa và ôtô vận chuyển hàng hóa chi viện cho miền Nam. Đây là một chủ trương chiến lược, đặc biệt khi đường sắt, đường bộ đã bị đánh phá tê liệt, đây là tuyến đường thủy độc đạo dùng vận chuyển hàng hóa, lương thực và các mặt hàng quan trọng khác; kết hợp với việc tận dụng luồng sông Lam, sông La.

Cũng trong thời gian này, ngành Vận tải đường biển còn đưa vào hoạt động những con tàu “không số” trên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, lập hàng trăm kỳ tích mà cho đến tận bây giờ vẫn chưa được nhiều người biết tới. Từ tháng 6/1961, lãnh đạo Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa đã cử năm con thuyền gỗ từ miền Nam ra miền Bắc để báo cáo tình hình, xin tiếp tế vũ khí và sau đó trực tiếp vận chuyển vũ khí cũng như dẫn đường cho các tàu tiếp tế giả dạng tàu đánh cá từ Bắc vào Nam. Từ đó đã hình thành Đường Hồ Chí Minh trên biển. Đây là tên gọi của tuyến đường vận tải quân sự do Hải quân nhân dân Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam thực hiện bí mật trên biển Đông được thành lập ngày 23/10/1961, để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.