Thị trường

Vàng loạn giá đảo chiều, kẻ cười người mếu

26/02/2020, 06:41

Tăng phi mã và lao dốc không phanh là hai diễn biến trái ngược mà thị trường vàng đã mang lại cho nhà đầu tư trong hai ngày 24 và 25/2 vừa qua.

img
Người dân xếp hàng chờ tới lượt giao dịch vàng tại một cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông sáng 25/2

Vàng bị đầu cơ, dân đổ xô mua - bán

Sáng 25/2, xếp hàng chờ hơn 1 tiếng đồng hồ, anh Nguyễn H.A. (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mới bán được hơn 2 lượng vàng. “Lúc tới lượt mình thì giá vàng chỉ còn 45,71 triệu đồng/lượng. Nhưng bán được lúc này vẫn hơn, để một hai hôm nữa nó xuống mạnh hơn thì sao”, anh H.A. băn khoăn. Dù không bán ra đúng đỉnh trong chiều 24/2 (49 triệu đồng/lượng) nhưng so với mức giá mua vào cách đây hai tháng là 41,58 triệu đồng/lượng, thì anh H.A. đã lãi 8,2 triệu đồng (tương đương tỷ lệ 10%). Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn như anh H.A.

Chị Lan (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) sáng 25/2 cũng mang bán 6 chỉ vàng vừa mua hôm 24/2 với giá 48,52 triệu đồng/lượng. Đến sáng 25/2, khi chị mang bán thì chỉ còn 45,81 triệu đồng/lượng. Như vậy, chị Lan đã lỗ hơn 1,6 triệu đồng chỉ trong chưa đầy 24 giờ. “Mình cũng tính toán rồi, bán đi bây giờ biết là lỗ nhưng còn ít. Nếu giá xuống nữa thì còn lỗ nữa”, chị Lan nói.

Sáng 25/2, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, người dân đổ xô tới các cửa hàng vàng của Bảo Tín Minh Châu và Doji để giao dịch, trong đó cũng có nhiều trường hợp đến mua nhằm đón sóng tăng mới. Số lượng người tới giao dịch khá đông đến mức phải xếp hàng dài từ trong cửa hàng ra tới hết vỉa hè. Cho tới hơn 11h trưa cùng ngày, lượng người tới giao dịch mới vãn. Thông tin với Báo Giao thông, đại diện Doji cho biết, do giá vàng biến động mạnh nên lượng người tới giao dịch cả vàng miếng và vàng trang sức tại hệ thống của doanh nghiệp này trong hai ngày 24 và 25/2 đông bất thường. “Nhu cầu mua vàng của người dân cao hơn nhiều so với nhu cầu bán lại. Riêng trong ngày 24/2, toàn hệ thống Doji đã xuất bán ra hơn 3.500 lượng vàng, bao gồm cả vàng SJC và nữ trang. Trong khi đó, lượng mua vào hầu như không có”, đại diện Doji thông tin.

Vàng bị làm giá như thế nào?

Kiểm soát được dịch Covid-19, giá vàng sẽ ổn định
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, nếu cuối tháng 3 này tình hình dịch bệnh khả quan và được chặn đứng, số người nhiễm trên thế giới được hạn chế thì thị trường có thể ổn định trở lại. Còn nếu không thì chắc chắn giá vàng có thể còn lên cao hơn. “Mốc thời gia thứ hai là tháng 6. Đến thời điểm này dịch bệnh được kiểm soát thì thị trường cũng ổn định, còn nếu không giá vàng sẽ còn biến thiên và diễn biến khó lường. Rất có khả năng giá vàng tăng lên 1.700 USD/ounce nếu tháng 3 dịch bệnh vẫn phức tạp. Còn tới tháng 6, nếu dịch bệnh không được kiểm soát thì giá vàng có thể cao hơn 1.700 USD/ounce và ở mức nào thì khó có thể đoán trước”, ông Hiếu nhận định.

Sau tăng mạnh gần 3 triệu đồng mỗi lượng trong ngày 24/2, nhưng sang ngày 25/2, giá vàng trong nước cũng giảm rất mạnh 2,65 triệu đồng/lượng (tính tới 16h cùng ngày). Đáng chú ý khoảng cách mua vào bán ra cũng được nới rộng lên tới gần 2 triệu đồng. Trước diễn biến bất thường này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vàng đang bị làm giá và khẳng định: “Có yếu tố đầu cơ”. Cụ thể, theo vị chuyên gia, giá vàng trong nước tăng mạnh do chịu tác động từ thị trường thế giới. “Có hai yếu tố khiến vàng tăng giá. Một là do nhà đầu tư đi tìm tài sản an toàn khi rút tiền khỏi thị trường chứng khoán. Đây là hiện tượng rất bình thường. Nhưng yếu tố thứ hai là đầu cơ. Không chỉ trong nước, trên thế giới cũng có nhiều “tay” kinh doanh vàng tạo sóng. Bởi khi giá vàng sốt nóng, họ nhảy vào đẩy giá vàng lên, tạo sóng kiếm lời”, ông Hiếu nói và nhận định: “Giá vàng hai ngày nay không phải do cung cầu mà do hoạt động thổi giá, tạo bong bóng. Bong bóng phình nhanh chóng thì cũng có thể bị xẹp một cách nhanh chóng”.

Lý giải về việc giá vàng trong nước tăng bất thường, gần gấp đôi so với mức tăng của thế giới, đại diện Doji cho biết, nguồn cung vàng trong nước bị hạn chế bởi DN không được phép nhập khẩu vàng và NHNN từ lâu đã không sản xuất cũng như cung ứng vàng SJC ra thị trường. “Thị trường ngày càng khan hiếm vàng SJC. Còn DN nếu bán vàng ra thì phải tự mua bán trên thị trường và phải tự cân đối nên giá vàng trong nước không còn liên thông với giá quốc tế nữa”, đại diện này lý giải. Đây cũng chính là lý do mà Doji cũng như các DN vàng trong nước giãn biên độ giữa mua vào và bán ra để trong trường hợp giá vàng thế giới tiếp tục tăng cao thì không bị rủi ro do không mua được vàng trên thị trường bù đắp lại số vàng đã bán ra. Đồng thời, biên độ chênh lệch cao như vậy cũng sẽ không khuyến khích người dân mua vàng trong lúc này.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM cho biết, sau khi có Nghị định 24 (ban hành ngày 3/4/2012), tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán đã được kiểm soát. Tuy nhiên, với diễn biến hai ngày qua của thị trường vàng trong nước, ông Minh khẳng định NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.