Chính trị

Vàng rất quý nhưng chủ quyền lãnh thổ còn quý hơn vàng

23/05/2014, 17:55

Trước đông đảo báo chí trong nước và quốc tế, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình bác bỏ các luận điệu sai trái của Trung Quốc...

16h chiều nay (23/5), Bộ Ngoại giao tổ chức cuộc họp báo quốc tế về tình hình biển Đông. 

Chủ trì buổi họp báo ngày hôm nay có: ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao; ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban biên giới Chính phủ; ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển; bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ luật pháp quốc tế; ông Đỗ Văn Hậu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam

Mở đầu cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình cho biết: Kể từ lần họp báo quốc tế trước, Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cường sự hiện diện quanh giàn khoan Hải Dương 981 gây nên những căng thẳng trên Biển Đông.

Theo ông Trần Duy Hải, trong thời gian Trung Quốc vẫn vi phạm công ước của LHQ, VN đã nhiều lần yêu cầu TQ rút giàn khoan khỏi vùng biển VN và VN luôn kêu gọi TQ kiềm chế. Tuy nhiên TQ đưa ra nhiều thông tin sai lệch liên quan đến chủ quyền quốc gia của VN. Tôi xin bác bỏ các luận điệu sai trái đó của TQ.

Tại buổi họp báo các phóng viên trong nước và quốc tế đã được xem những tư liệu, bằng chứng hiện vật khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam trên Biển đông, chủ quyền của VN với 2 quần đảo Trường sa và Hoàng Sa.

Trên cơ sở đó xác nhận ít nhất từ thế kỷ 17, các nhà nước phong kiến đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo nói trên.

Năm 1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, từ góc độ luật pháp quốc tế, đó là hành vi phi pháp không thể mang lại chủ quyền cho Trung Quốc. Hiến chương LHQ không thừa nhận hành vi dùng vũ lực và không một quốc gia nào trên thế giới thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa do không có cơ sở pháp lý.

Trung Quốc viện dẫn công hàm 1958  của Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng. Công hàm không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa.

Nửa cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trong thời kỳ Pháp thuộc, Pháp cũng đã nhân danh Việt Nam quản lý Hoàng Sa, Trường Sa.

Ông Lê Hải Bình - người phát ngôn Bộ Ngoại giao tại buổi họp báo
Ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tại buổi họp báo

Theo ông Hải: Chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị ở San Francisco (Mỹ). Chính tại Hội nghị này, đại diện Liên Xô nêu ý kiến trao trả hai quần đảo này cho Trung Quốc, nhưng 48/50 nước tham dự hội nghị đã phản đối. Trong khi đó, các đại biểu hoàn toàn ủng hộ chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Sau hiệp định Geneva năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trung Quốc biết rõ điều này, và Trung Quốc phải tôn trọng sự thật lịch sử, tôn trọng Công ước Quốc tế về luật biển 1982 mà Bắc Kinh đã ký kết, ông Hải cho biết.

Gần đây, Trung Quốc nói Hoàng Sa của Trung Quốc nhưng bản thân ông Đặng Tiểu Bình thừa nhận là có tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa.

Lâu nay Việt Nam vẫn quản lý và khai thác có hiệu quả trên vùng biển của mình. Việt Nam kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo ông Đỗ Văn Hậu, Tập đoàn dầu khí quốc gia được Chính phủ VN giao cho quản lý, khai thác trên toàn lãnh thổ VN. Từ 1969, chính quyền miền Nam Việt Nam đã tiến hành khai thác. 1973-1974 chính quyền miền Nam VN đã ký với một số công ty nước ngoài khảo sát toàn bộ ngoài khơi bao trùm toàn bộ quần đảo Trường Sa.

Đến năm 1996, sau khi QH phê chuẩn Công ước Luật biển 1982, các hoạt động khai thác, thăm dò của tập đoàn dầu khí giới hạn trên thềm lục địa 200 hải lý.

Tất cả các hoạt động dầu khí đều  trong vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Tại buổi họp báo, các phóng viên được xem các clip giới thiệu khu vực mà Tập đoàn dầu khí VN khai thác dầu khí trong 200 hải lý, phù hợp với Luật biển và Công ước quốc tế, được thế giới công nhận.

Các hoạt động dầu khí của VN và các đối tác được triển khai hết sức bình thường, từ rất lâu, công khai trong trong vùng đặc quyền kinh tế của VN . Tại các cuộc hội thảo quốc tế, không có một sự phản đối nào. Hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 thời gian qua là hết sức sai trái.

Báo Giao thông tường thuật phần phỏng vấn của báo chí trong nước và quốc tế tại cuộc họp báo:

PV: Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi công thư cho Chu Ân Lai  có phải là một tuyên bố có giá trị?

Ông Trần Duy Hải: Trong công thư này là một văn bản ngoại giao, nhưng không nêu về việc lãnh thổ, bởi thế không có giá trị về chủ quyền pháp lý. Giá trị công thư phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Hoàng Sa nằm trong quản lý của VNCH theo Hiệp định Giơ - ne - vơ năm 1954 mà Trung Quốc là một bên tham gia và công thư của cố Thủ tướng không có giá trị pháp lý về chủ quyền.

PV : Nhà Trắng ủng hộ VN đấu tranh pháp lý, Vậy, Việt Nam có tận dụng sự ủng hộ của quốc tế để sử dụng các biện pháp pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Việt Nam là một quốc gia thành viên của LHQ, là thành viên công ước Luật biển nên VN có quyền sử dụng tất cả các biện pháp pháp lý để giải quyết. Các biện pháp hoà bình để sử dụng bao gồm cả việc đưa lên các cơ quan tài phán quốc tế. Lãnh đạo VN đã khẳng định không loại trừ bất kỳ biện pháp hoà bình nào để giải quyết tranh chấp.

PV: Trong vài ngày qua, các mạng xã hội, trang nước ngoài đưa tin TQ đưa quân, thiết bị quân sự tới gần biên giới, VN có có chuẩn bị gì không?

Ông Trần Duy Hải: Các hoạt động giao thương ở biên giới vẫn diễn ra bình thường, thông tin đó là không chính xác. Trong cuộc gặp giữa hai Thứ trưởng ngoại giao vừa rồi, hai bên thống nhất không dùng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng.

PV người Đức: Vừa rồi có thông tin 4 người TQ tử vong trong bạo loạn miền Trung, đề nghị khẳng định thông tin về việc này?

Tàu Trung Quốc ngang ngược, phun vòi rồng vào lực lượng chấp pháp của Việt Nam
Tàu Trung Quốc ngang ngược, phun vòi rồng vào lực lượng chấp pháp
của Việt Nam

Ông Lê Hải Bình: Các cơ quan chức năng VN xác định, 2 người quốc tịch Trung Quốc bị chết tại Hà Tĩnh, còn tại Bình Dương, những đối tượng quá khích gây ra 1 cái chết cho người TQ.

PV: Từ đầu năm đến nay có 20 cuộc tiếp xúc giữa VN - TQ, nhưng TQ vẫn leo thang các hành động gây hấn trên biển. Trong khi đó, Thủ tướng khẳng định “Không đánh đổi hoà bình lấy hữu nghị viển vông. Đây có phải là giới hạn của VN?

Ông Trần Duy Hải: Vấn đề chủ quyền hết sức thiêng liêng, không gì có thể đánh đổi. Vàng rất quý nhưng tự do lãnh thổ quý hơn vàng.

Khi được phóng viên hỏi về bài viết trên Ria Novosti đã xuyên tạc về vấn đề chủ quyền của VN, Ông  Lê Hải Bình cho rằng, đây là bài viết thể hiện quan điểm sai trái. Tôi lấy làm tiếc đối với một hãng tin lớn như vậy. Và theo như thông tin từ  đại sứ quán, đây chỉ là ý kiến cá nhân. Rõ ràngTQ đã hạ đặt trái phép giàn khoan vào trong thềm lục đia, vùng đặc quyền kinh tế của VN.

PV: Thời gian qua, người TQ đã về nước và TQ đã bóp méo thông tin đó. Xin cho biết quan điểm của VN?

Ông Lê Hải Bình: Sự việc xảy ra vừa qua hết sức đáng tiếc. Hiện các doanh nghiệp nước ngoài ở VN đã khôi phục hoạt động bình thường. Chính phủ khẳng định sẽ dùng mọi biện pháp đảm bảo an ninh, đảm bảo hoạt động cho các doanh nghiệp, không để nhưng sự cố như vừa rồi xảy ra. Chính phủ VN tạo mọi điều kiện cho mọi doanh nghiệp ổn định làm ăn. Ngoại trừ TQ, không có doanh nghiệp nào đưa công nhân về nước.

PV: VN có  đưa tàu quân sự ra vị trí giàn khoan Trung Quốc?

Ông Ngô Ngọc Thu: Đồng thời với việc đưa giàn khoan, TQ đã đưa các tàu chiến đấu, tàu chấp pháp đến bảo vệ giàn khoan. TQ gửi đến các loại tàu chiến: Tàu vận tải đổ bộ có bệ pháo, 8 ống phóng tên lửa; Tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tuần tiễu tấn công nhanh, tàu khu trục tên lửa,

Còn VN không đưa tàu chiến đến khu vực này. Các phóng viên VN và quốc tế có mặt tại đó có thể khẳng định điều này.

PV: Cho đến nay,  giàn khoan hoạt động đã được 3 tuần, VN đã có bằng chứng nào TQ hoạt động khoan thăm dò ở đó?

Ông Đỗ Văn Hậu: Câu hỏi này khó trả lời, nếu theo quy trình bình thường thì thời gian đã đủ để tiến hành khoan. Nhưng VN chưa tiếp cận nên chưa thể khẳng định.

PV: Quan điểm của VN về  vùng biển tranh chấp như thế nào?

Ông Trần Duy Hải: VN có đầy đủ bằng chứng lịch sử khẳng dịnh chủ quyền của VN. Và VN sẵn sàng trao đổi với TQ. Việc TQ nói Hoàng Sa không có tranh chấp là không chính xác. Ông Đặng Tiểu Bình đã từng thừa nhận, Hoàng Sa là vùng có tranh chấp.

PV: Liên quan đến việc TQ dừng giao thương với VN, đó là những hoạt động gì có ảnh hưởng tới VN. Có dự đoán gì về trữ lượng dầu khí?

Ông Trần Duy Hải: Đến nay, mọi hoạt động giao lưu vẫn chưa có gì bất thường. TQ mới chỉ đưa những lao động phổ thông về nước, không ảnh hưởng gì đến kinh tế.

Ông Đỗ Văn Hậu: Các nước đều có đánh giá, VN có nhiều nghiên cứu, khảo sát. Dự báo từ 4-6 tỷ tấn trong vùng đặc quyền kinh tế VN. Còn một vài số liệu khác ở các vùng khác do nước ngoài đưa ra thì chúng tôi không lạc quan như vậy.

PV: Bình luận về việc TQ luôn cáo buộc VN khiêu khích ở khu vực giàn khoan?

Ông Ngô Ngọc Thu: Trong họp báo Bộ Ngoại giao TQ cáo buộc tàu VN đâm va tàu TQ, đây là thông tin sai lệch, vu cáo. Chúng tôi bác bỏ. Các hoạt động của TQ: sử dụng phun nước, sử dụng máy phát sóng cao tần, đèn pha công suất lớn… tác động lên các tàu VN. Tiếp tục sử dụng tàu để đâm va để ngăn cản tàu VN. VN không đâm va, không súng phun nước, chỉ dùng loa, biểu ngữ yêu cầu TQ dừng hành động sai trái

PV: Một số người VN nhập cảnh vào TQ bị bắt phải ký công nhận bản đồ Trường Sa, Hoàng Sa là của TQ. VN có thông tin và phản ứng thế nào về vấn đề này?

Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi chưa nhận được thông tin và sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng xác minh. Nếu có sẽ yêu cầu, sử dụng các biện pháp tuân thủ theo đúng luật pháp quốc tế.

PV: Có ý kiến nói rằng giàn khoan HD 981 nằm cách đảo của Trung Quốc chỉ 21 km, trong khi cách Việt Nam 221 km. Xin giải thích rõ hơn?

Ông Trần Duy Hải: Theo quy định Công ước quốc tế về Luật biển 1982, mỗi quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Khu vực giàn khoan Trung Quốc đặt là nằm sâu trong thềm lục địa VN 80 hải lý. Trong quần đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn chỉ là một bãi ngầm. Theo Công ước, không có vùng biển vượt quá 12 hải lý. Nên giàn khoan không thể trong vùng biển của đảo Hoàng Sa. Nên trong bất cứ khả năng nào, việc đặt giàn khoan của Trung Quốc đều không hợp pháp.
 
 PV: VN đang sử dụng biện pháp hòa bình. Thời gian tới nếu Trung Quốc không có thay đổi, VN có biện pháp nào mạnh mẽ hơn?

Ông Trần Duy Hải: Như Thủ tướng VN phát biểu tại Philippines, VN sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp hòa bình. Nhưng nếu VN là nạn nhân thì ta phải tự vệ. Chúng ta phải sẵn sàng bằng mọi biện pháp để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng.
 
PV: Trung Quốc ba lần nói khác nhau về vị trí giàn khoan? Xin bình luận về vấn đề này?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà: Bình luận duy nhất  có thể nói, chúng tôi từng được nghe rất nhiều lần Trung Quốc giải thích khác nhau về yêu sách của họ. Chúng tôi luôn đề nghị Trung Quốc có giải thích rõ về cơ sở pháp lý về vùng biển của mình.

Ông Lê Hải Bình: Dù Trung Quốc có nói khác nhau thế nào, VN khẳng định vị trí hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là sâu 80 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, vi phạm chủ quyền của VN theo công ước 1982 mà VN và Trung Quốc đều là thành viên.

Quang Minh 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.