Bạn cần biết

Vào mùa, bệnh tay - chân - miệng gia tăng theo cấp số nhân

23/04/2018, 07:06

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, số trẻ mắc tay - chân - miệng liên tiếp tăng trong 3 tuần qua...

15

Bệnh nhi điều trị bệnh tay - chân - miệng - Ảnh: Tạ Tôn

Trẻ mắc tay - chân - miệng lại nhầm với viêm họng cấp

Tại Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, bé Nguyễn Thúy A. (12 tháng tuổi, Hải Dương) được các bác sĩ thăm khám. Sau khi làm các xét nghiệm bé được chẩn đoán mắc tay - chân - miệng dù các triệu chứng không rõ nét. Chị Trần Thanh M. (mẹ của bé Thúy A.) cho biết, trước đó 3 ngày thấy con sốt cao liên tục, lại không đáp ứng với thuốc hạ sốt nên chị cho con ra phòng khám gần nhà. Tại đây, bác sĩ đã chẩn đoán con viêm họng cấp và cho thuốc uống ở nhà. “Tuy nhiên, con vẫn sốt liên tục và quấy khóc, gia đình mới vội vã đưa con đến BV Nhi T.Ư. Hóa ra không phải con viêm họng mà mắc bệnh tay - chân - miệng”, chị M. cho hay. Cũng theo chị M., cô con gái nhỏ chỉ sốt và quấy, soi họng đỏ, nhìn thật kỹ trong miệng mới phát hiện vài nốt mọng nhỏ li ti. Có lẽ vì vậy bác sĩ gần nhà đã chẩn đoán nhầm bệnh cho con.

"Bệnh tay - chân - miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường tiêu hóa. Với bệnh này, cần chú trọng bàn tay là đường lây truyền bệnh lớn nhất của trẻ nhỏ. Hơn 99% bệnh xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi do trẻ có hệ miễn dịch kém. Hiện, bệnh vẫn chưa có vaccine phòng và thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, các bậc cha mẹ nên phòng bệnh cho trẻ qua giữ gìn vệ sinh cá nhân, tăng sức đề kháng và tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh”.

BS. Nguyễn Tiến Dũng
Nguyên Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai

Tương tự, với khởi điểm dấu hiệu ban đầu là sốt cao, quấy khóc, không có dấu hiệu điển hình là các nốt mụn trên tay, chân hoặc mặt, bé Đỗ Thúy L. (18 tháng tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) cũng được bố mẹ cho ở nhà uống giảm sốt, chườm. Hết ngày thứ 2 thấy con quấy khóc và bỏ ăn, gia đình vội đưa con vào viện khám. Bé L. được chẩn đoán mắc bệnh tay - chân - miệng, tuy nhiên thể nhẹ và bắt đầu xuất hiện nốt mụn nhỏ ở cổ họng, khe bẹn…

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, căn bệnh này xuất hiện rải rác quanh năm, tuy nhiên, thường tăng mạnh và có khả năng tạo thành dịch vào 2 dịp, tháng 9 - tháng 12 và từ tháng 2 - tháng 4. Chính thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh tay - chân - miệng phát triển.

Theo báo cáo mới đây của Sở Y tế Hà Nội, trong 3 tuần liên tiếp vừa qua, số bệnh nhi mắc bệnh tay - chân - miệng gia tăng liên tục. Tính riêng trong tuần thứ 2 của tháng 4 đã có 56 ca mắc, tăng gấp đôi so với tuần trước đó, nâng tổng số ca tính từ đầu năm đến nay là 155 ca.

Riêng tại Khoa Truyền nhiễm của BV Nhi T.Ư, số ca điều trị căn bệnh này đã vượt con số 100 với nhiều ca bệnh nặng, có biến chứng. Đa phần bệnh nhân là trẻ dưới 3 tuổi. Ths.BS. Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi T.Ư cho biết, đa phần trẻ có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, do nhiều trẻ không thể hiện dấu hiệu điển hình của bệnh nên vẫn có sự chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết, hoặc sốt virus, sốt phát ban hay thủy đậu… nên chậm chăm sóc, điều trị. Do vậy, bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ dễ biến chứng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong, đặc biệt là với trẻ có sẵn bệnh nền.

Phát hiện sớm, tránh biến chứng cho trẻ

Theo BS. Hải, khi thấy trẻ sốt và xuất hiện tổn thương ở da như rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như: Họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối… cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh tay - chân - miệng. Do vậy, cần đưa trẻ đến viện để được bác sĩ khám và tư vấn cách chăm sóc và điều trị.

Ông Hải cũng lưu ý, khi trẻ điều trị bệnh tay - chân - miệng ngoại trú, cha mẹ cần theo dõi nếu xuất hiện một số dấu hiệu sau cần cho trẻ nhập viện tránh biến chứng đáng tiếc. Cụ thể, trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài, cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. “Nhiều cha mẹ nghĩ rằng trẻ bị các nốt đau miệng nên khó chịu quấy khóc, mà không ngờ lúc đó có thể trẻ bị nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm”, ông Hải giải thích. Thứ hai, nếu trẻ sốt cao không hạ, dù đã dùng thuốc paracetamol. Cũng cần đưa trẻ tới cơ sở y tế, bác sĩ sẽ chỉ định trẻ dùng hạ sốt Ibuprofen. Hoặc, khi thấy trẻ giật mình với tần suất tăng dần, đó chính là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh.

BS. Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho hay, đa số trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng thường tự khỏi sau 5-7 ngày, với điều kiện trẻ được chăm sóc đúng cách. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa. Cha mẹ chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ kê đơn. Vệ sinh miệng cho trẻ thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Cha mẹ cần lưu ý cách ly khi trẻ bị bệnh, tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho trẻ hàng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.