Thị trường

VASEP: Doanh nghiệp thủy sản tốn hàng trăm tỷ đồng do quy định bất cập

20/04/2022, 12:03

Theo VASEP, các quy định bất cập như TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển đầu tháng 4, việc kiểm dịch thủy sản đông lạnh có nguyên liệu nhập khẩu...

Hiện nhu cầu thủy sản ở các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh… đang rất lớn, giúp các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầy ắp đơn hàng đến cuối năm. Tuy nhiên, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến Thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe (VASEP) cho biết, các DN thủy sản đang phải tốn hàng trăm tỷ đồng chi phí vì các quy định bất cập.

Đó là, việc TP.HCM thu phí hạ tầng cảng biển từ đầu tháng 4 và quy định kiểm dịch hàng thủy sản đông lạnh đối với những nguyên liệu nhập khẩu dùng làm thực phẩm chế biến xuất khẩu...

“Riêng 2 quy định này khiến DN thủy sản rất chật vật, ảnh hưởng đến hoạt động”, ông Hòe nói và cho biết, Hiệp hội đang kiến nghị Chính phủ, HĐND và UBND TP.HCM tạm dừng thu khoản phí cảng biển đến cuối năm nay, hoặc sang đến năm sau.

img

Sau thời gian dài ảm đạm, giá cá tra tăng mạnh trở lại

Dẫn kết quả xuất khẩu thủy sản đang có sự hồi phục tích cực khi 3 tháng đầu năm đạt 2,4 tỷ USD (tăng 38,7% so với cùng kỳ năm ngoái), ông Hòe khẳng định đây là mức tăng kỷ lục tính theo quý từ trước đến nay. Đặc biệt, mặt hàng cá tra sau thời gian dài ảm đạm, nay trở lại tăng giá mạnh nhất, với giá trị ước đạt 646 triệu USD (tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái).

Bởi vậy, theo ông Hòe, DN rất mong chờ trong quý 2 này, Bộ NN&PTNT sớm bãi bỏ quy định kiểm dịch đối với thủy sản nhập khẩu đông lạnh, để DN có sức hồi phục, tạo bước đột phá trong năm nay.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ vừa ban dự thảo sửa đổi Thông tư 26/2016 quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản theo hướng không thực hiện kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản chế biến đông lạnh nhập khẩu dùng làm thực phẩm để sản xuất xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước.

Dự thảo lấy ý kiến từ giữa tháng 4 và dự kiến hoàn thành sửa đổi trong quý 2 năm nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.