Vận tải

Vật ngoại lai, chim va đập uy hiếp an toàn hàng không

08/01/2018, 06:41

Năm 2017 đánh dấu cột mốc quan trọng khi là năm thứ 20 liên tiếp đảm bảo an toàn hàng không tuyệt đối...

3

Năm 2017, cả nước không xảy ra sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng an toàn hàng không

Không xảy ra sự cố nghiêm trọng

Theo Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường, trong năm 2017, cả nước không xảy ra sự cố nghiêm trọng nào (sự cố mức B). Tổng số sự cố an toàn giảm 23%, chỉ còn 72 vụ so với 88 vụ của năm 2016. Chỉ số sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (mức D) cũng giảm 25% so với cùng kỳ năm 2016. Đáng lưu ý, chỉ số sự cố xảy ra do hỏng hóc kỹ thuật giảm tới 27%.

Tuy nhiên, cũng theo ông Cường, một số mục tiêu an toàn trong năm 2017 của Cục Hàng không VN đã không hoàn thành. Cụ thể, trong năm đã xảy ra một một vụ tai nạn liên quan đến lĩnh vực khai thác mặt đất tại cảng hàng không (CHK). Sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao (mức C) không giảm so với năm 2016 (vẫn còn 9 vụ).

Phân tích nguyên nhân xảy ra vụ việc, theo nhà chức trách hàng không, trong tổng số 72 sự cố xảy ra, có tới 39 sự cố liên quan đến hỏng hóc kỹ thuật, 28 sự cố do yếu tố con người, còn lại do các nguyên nhân khác.

Đánh giá cụ thể các yếu tố rủi ro an toàn hàng không, ông Cường cho biết, các báo cáo an toàn xảy ra liên quan đến yếu tố kỹ thuật tàu bay tuy chiếm số lượng lớn nhất so với các báo cáo xảy ra do các nguyên nhân khác (44%) nhưng đều là sự cố mức D - mức có nguy cơ uy hiếp an toàn thấp nhất. Chỉ số sự cố xảy ra do hỏng hóc kỹ thuật cũng giảm tới 27% so với cùng kỳ năm 2016.

Về các sự cố liên quan đến yếu tố con người vốn chiếm tới 30% số lượng sự cố chỉ sau nguyên nhân kỹ thuật, ông Cường cho hay, trong tổng số 125 báo cáo an toàn do lỗi con người mà Cục Hàng không VN nhận được, có tới 89 báo cáo do lỗi của nhân viên hàng không (phi công, tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu và nhân viên phục vụ mặt đất).

Vẫn còn nhiều nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không

Cũng liên quan đến an toàn hàng không, theo nguồn tin của Báo Giao thông, các báo cáo an toàn do yếu tố khách quan như: Vật ngoại lai, chim va đập, thời tiết… trong năm 2017 đều tăng so với cùng kỳ 2016. Trong đó, các báo cáo an toàn bay liên quan đến việc tàu bay bị hỏng hóc do vật ngoại lai tăng 58% (41 vụ, so với 26 vụ của năm 2016) khiến 1 tàu bay phải thay động cơ, 4 tàu phải sửa chữa cánh quạt động cơ và nhiều tàu bay phải thay lốp.

Năm 2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao, ước đạt 94,4 triệu khách thông qua cảng hàng không, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2016. Số lượng tàu bay đăng ký quốc tịch Việt Nam lên tới 167 tàu bay cánh bằng (tăng 13 chiếc so với cùng kỳ năm 2016) và 28 tàu bay trực thăng (giảm 3 chiếc). 

“Công tác kiểm soát chim và động vật hoang dã xâm nhập CHK, sân bay chưa đạt hiệu quả cao do chưa nghiên cứu, áp dụng các phương pháp hiện đại để xua đuổi chim cũng như việc phối hợp với chính quyền địa phương để hạn chế nguồn thức ăn, nơi cư trú của chim và hạn chế nuôi thả động vật của các hộ dân trong khu vực lân cận CHK sân bay chưa hiệu quả”, nguồn tin cho hay.

Thực tế, hồi đầu năm, nhân viên an ninh hàng không CHK Điện Biên đã phát hiện một con chó chạy trên đường băng. Đáng nói là, sự việc xảy ra khi máy bay đang vào tiếp cận hạ cánh. Phi công sau đó đã phải bay lại vòng 2 và hạ cánh muộn 15 phút so với kế hoạch. Tương tự, tại CHK quốc tế Cát Bi, lực lượng chức năng cũng phát hiện tới 6 vụ việc vật nuôi xâm nhập vào khu bay, gây uy hiếp an toàn cho hoạt động bay. Tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, nhiều trường hợp tổ lái phát hiện chó chạy trên đường lăn, sân đỗ. Được biết, một trường hợp tương tự như CHK Điện Biên đã xảy ra tại đây, khi một tàu bay của Jetstar Pacific đã phải bay vòng và hạ cánh an toàn sau đó.

Một thông tin đáng chú ý là tình trạng sử dụng thiết bị chiếu sáng laser tại các CHK sân bay vẫn còn khá nhiều. Trong năm 2017, các hãng hàng không ghi nhận tới 19 vụ việc liên quan đến chiếu đèn laser. Mặc dù vậy, nhà chức trách hàng không cũng cho hay từ tháng 7 trở lại đây, số vụ việc liên quan đến chiếu đèn laser đã giảm đáng kể.

“Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia về phòng, chống sử dụng đèn chiếu tia laser uy hiếp an toàn hàng không dân dụng, nhà chức trách hàng không tại sân bay và các đơn vị trong ngành đã phối hợp với chính quyền địa phương giám sát, hạn chế hoặc cấm sử dụng thiết bị chiếu sáng laser gây uy hiếp an toàn bay”, đại diện Cục Hàng không VN khẳng định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.