Thị trường

VCCI gay gắt về quy định bắt sàn nộp thuế thay người bán hàng

23/05/2022, 19:30

VCCI ngày 23/5 cho biết đã có băn bản gửi Văn phòng Chính phủ về Dự thảo yêu cầu sàn thương mại điện tử kê khai nộp thuế thay người bán.

Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, Nghị định 15/2022/NĐ-CP.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục có ý kiến góp ý đối với Dự thảo này. VCCI cũng nhấn mạnh một số ý kiến góp ý của VCCI trong văn bản trước đây vẫn chưa được Ban Soạn thảo tiếp thu; Đồng thời cho rằng các quy định như tại Dự thảo hiện tại sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp.

img

VCCI phản đối một số quy định trong dự thảo yêu cầu sàn TMĐT nộp thuế thay cá nhân bán hàng. Ảnh minh hoạ

Chưa rõ ràng căn cứ pháp lý

VCCI dẫn Luật Quản lý thuế 2019 và cho rằng không quy định về việc sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên sàn và cũng không trao quyền cho Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này.

VCCI cũng cho hay, tờ trình của cơ quan soạn thảo viện dẫn đến Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, cả hai nghị định đều không quy định trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT.

“Như vậy, quy định tại Dự thảo về nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT là chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng”, VCCI khẳng định.

VCCI cũng cho rằng, sàn TMĐT không được coi là tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người bán. Như vậy, trách nhiệm kê khai, nộp thuế thuộc về cá nhân có thu nhập chịu thuế, trong trường hợp này là người bán trên sàn.

Với với thuế giá trị gia tăng, người bán trên sàn TMĐT cũng là đối tượng có trách nhiệm nộp thuế giá trị gia tăng.

VCCI cũng cho rằng Dự thảo quy định sàn TMĐT có trách nhiệm đại diện cho người bán thực hiện kê khai, nộp thuế thay. Quy định này chưa phù hợp với quy định của pháp luật dân sự về chế định đại diện.

VCCI: Thị trường TMĐT Việt Nam vẫn đang phát triển. Các doanh nghiệp cung cấp nền tảng (hay sàn TMĐT) vẫn đang cố gắng hỗ trợ chuyển đổi số cho người bán, phát triển hệ thống TMĐT cũng như các dịch vụ mới.

Do vậy, chính sách chung với đối tượng này vẫn nên tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển và thúc đẩy các doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực này.

Tăng chi phí tuân thủ

Đáng chú ý, để nhận biết tác động của quy định này đối với doanh nghiệp, VCCI đã khảo sát sơ bộ 107 sàn TMĐT thuộc diện tác động của quy định này trong khoảng thời gian từ tháng 4–5/2022.

Các kết quả sơ bộ từ khảo sát này cho thấy, quy định về kê khai, nộp thuế thay sẽ gia tăng tương đối đáng kể chi phí cho các sàn TMĐT.

Mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu của năm 2022 so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 10,65 điểm phần trăm so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này.

Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 5,2 điểm phần trăm; Chi phí mua ngoài liên quan đến công nghệ thông tin cao hơn 9,45 điểm phần trăm và chi phí nhân sự tăng 19,86 điểm phần trăm.

Mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu dự kiến của năm 2023 so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 8,12 điểm phần trăm so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này. Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 3,55 điểm phần trăm; Chi phí nhân sự tăng 8,35 điểm phần trăm.

Đặc biệt, trong bối cảnh trên 80% các sàn TMĐT đều trả lời đang lỗ và sẽ tiếp tục lỗ trong những năm tới, quy định này có thể sẽ tạo thêm gánh nặng tuân thủ lớn cho các sàn TMĐT.

Khó thực hiện

VCCI cho hay, nhiều công việc cụ thể cần thực hiện theo quy định được đánh giá là “Khó” và “Rất khó” theo cảm nhận của sàn TMĐT, trong đó phân loại hàng hóa theo tỷ lệ thuế (56,9% sàn TMĐT lựa chọn “Khó” hoặc “Rất khó”); Thu thập, trích xuất dữ liệu người bán (43,1%); Thực hiện kê khai, nộp thuế thay (69,2%).

Các sàn TMĐT cũng có chia sẻ nhiều lo ngại nếu thực hiện nghĩa vụ: 57,4% sàn TMĐT lo ngại quy định sẽ thay đổi quy trình quản lý và vận hành của doanh nghiệp; 100% sàn TMĐT cho rằng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định doanh thu của người bán tại kỳ tính thuế; 100% lo ngại gặp rủi ro liên quan đến việc nộp thừa hoặc thiếu tiền thuế.

Trích dẫn quy định tại một số nước với tình huống tương tự, VCCI cho rằng quy định các quốc gia vẫn quy trách nhiệm về nghĩa vụ thuế của người bán trong nước là thuộc về người bán.

“Quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến tại Dự thảo còn thiếu căn cứ pháp lý để ban hành, thiếu sự thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, chưa rõ ràng, không hợp lý và tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định yêu cầu sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến thực hiện trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay người bán trên sàn. Việc kê khai, nộp thuế thay chỉ nên thực hiện trên cơ sở uỷ quyền của pháp luật dân sự”, VCCI kết luận.

Chưa phù hợp với bản chất hoạt động của sàn thương mại điện tử

VCCI cho rằng, sàn TMĐT có thể được coi là nền tảng trung gian kết nối người mua và người bán. Sàn TMĐT là một hình thức “chợ” nhưng thực hiện trên không gian mạng.

“Việc yêu cầu các sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo ra áp lực rất lớn tài chính cho sàn khi phải ứng trước một khoản tiền thuế từ người bán phải đóng (thực tế, các giao dịch thanh toán tiền mặt hiện đang chiếm ưu thế với 86%) và áp lực về hoạt động khi phải thực hiện việc thu lại số tiền thuế của người bán.

Trong nhiều trường hợp, sàn TMĐT không có đủ công cụ cũng như quyền lực để thực thi yêu cầu người bán trả lại tiền thuế mà sàn đã đóng thay. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn cho hoạt động của sàn TMĐT”, VCCI thông tin.

Do đó, VCCI cho rằng các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến chỉ là đơn vị trung gian giữa người bán và người mua. Yêu cầu các sàn TMĐT có trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay cho người bán là chưa phù hợp với bản chất hoạt động của mô hình này đồng thời gây khó khăn rất lớn cho các sàn TMĐT.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.