Thể thao

Về ấp Ba Cau thăm hậu phương của Ánh Viên

18/06/2015, 07:06

Từ bữa Ánh Viên phá hàng loạt kỷ lục SEA Games, xứ này bỗng nhộn nhịp hẳn lên.

 

giadinh3
Bà Võ Thị Bảy, bà nội Ánh Viên cặm cụi chẻ từng trái cau để phơi khô ăn trầu.

Đứa con hiếu thảo…

Thấy có khách đến, vẫn nụ cười tươi, anh Nguyễn Văn Tác (cha của Ánh viên) bông đùa: “Lại nhà báo hả, hổm rày tui trả lời phỏng vấn riết rồi thành chuyên nghiệp luôn”.

Rồi anh kể, dân ở đây trước giờ đều làm nông, chẳng ai mặn mà với thể thao, có xem thì cũng chỉ xem bóng đá. Từ bữa Ánh Viên phá hàng loạt kỷ lục SEA Games, xứ này bỗng nhộn nhịp hẳn lên và ai cũng “ghiền” môn bơi lội. Cứ tối tối, là năm bảy người gom lại, hôm thì bình trà, đĩa bánh; bữa cao hứng thì “lai rai” vài xị rượu đế, vừa coi tivi vừa bình luận.

Những ngày qua, căn nhà thân thương của “nữ hoàng” đường đua xanh Nguyễn Thị Ánh Viên tại ấp Ba Cau, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ lúc nào cũng đông khách.

Nào là bà con hàng xóm, chính quyền địa phương, báo đài… đến chúc mừng, đưa tin, chộn rộn niềm vui.

Câu chuyện đang đến hồi hấp dẫn, anh Tác quay sang trần tình: “Mấy chú ngồi chơi, chờ tui ra vườn cam xịt thuốc, mấy bữa rày sâu bệnh nhiều quá, bỏ mặc là không được”. Chúng tôi theo chân anh Tác ra vườn, vừa đi anh vừa kể: “Trước đây gia đình có hơn chục công ruộng (khoảng 10 nghìn m2) nhưng cách đây mấy năm cha tôi chia cho mấy anh em mỗi người được ba công. Lúc được chia đất, gia đình còn khó khăn lắm nhưng với ba công đất mang đi trồng lúa thì chỉ đủ gạo ăn, tiền ăn học, quần áo của tụi nhỏ là thiếu trăm bề.

Do vậy, hai vợ chồng tôi quyết định trồng màu, khi thì dưa leo, cà, bắp (ngô)… hễ thứ cây gì trồng ngắn ngày, thu hoạch sớm có tiền là làm ngay. Mặc dù hai vợ chồng làm vậy, chứ kinh tế gia đình khi đó chỉ đủ ăn. May thay, đúng lúc sức mình không còn khỏe nữa, cháu Viên có lương, có thưởng cao nhờ những thành tích vượt bậc trong các kỳ thi trong nước và quốc tế, nên vợ chồng tôi bớt vất vả và không còn nặng lo chuyện “cơm áo gạo tiền” như trước kia”.

giadinh5
Góc nghỉ trưa giản đơn của ông nội Ánh Viên, người thầy đầu tiên dạy Ánh Viên biết bơi.
giadinh1
Anh Nguyễn Văn Tác, cha Ánh Viên ra vườn tưới cây, bón phân, làm cỏ…
giadinh4
Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, mẹ Ánh Viên vẫn giữ thói quen nấu bếp củi.

Theo những người dân địa phương, ấp Ba Cau trước đây là vùng đất khốc liệt trong chiến tranh, sau ngày giải phóng vẫn còn chịu sự tàn phá nặng nề. Bà con dù làm lụng vất vả quanh năm, nhưng cái nghèo vẫn cứ bám đuổi. Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em, thuở nhỏ, anh Tác đã phải bỏ học giữa chừng để phụ gia đình kiếm sống. Đến khi cưới vợ, vẫn chưa thoát khổ.

Từ ngày Ánh Viên đi học bơi, rồi liên tiếp giành được những thành tích nổi bật, tất cả số tiền thưởng có được, em đều gửi về gia đình, phụ giúp ông bà cha mẹ. “Con nó hiếu thảo lắm, có lần nó gửi về đến mấy trăm triệu đồng, tui mừng đến run cả tay, vì xưa nay có bao giờ cầm được số tiền lớn như vậy đâu”, anh Tác nhớ lại.

“Công sức của con, cha mẹ phải biết giữ gìn”

Nhờ sự trợ giúp của con gái, anh Tác đã xây cất lại ngôi nhà mới, khang trang hơn, đời sống đã đủ bề sung túc. Tuy vậy, cuộc sống gia đình anh Tác đến nay vẫn bình dị đến lạ thường. “Cách sống của gia đình thằng Tác khiến bà con xung quanh rất quý trọng, dù được con gái gửi về rất nhiều tiền, nhưng không hề có chuyện tiêu xài phung phí. Thậm chí, vợ thằng Tác mỗi ngày ra chợ vẫn đạp chiếc xe cũ, có tiền, họ vẫn chăm chỉ làm lụng như trước”, anh Nguyễn Văn Vĩnh, hàng xóm nhà anh Tác cho biết.

Hiện tại, với ba công ruộng trước kia trồng màu, giờ đây anh đã lên bờ, trồng hàng trăm gốc sầu riêng, cam và chuối cao… Riêng những khoảng đất gần nhà, anh Tác trồng rừng, rau… và tận dụng một diện tích nhỏ nuôi heo, gà vịt.

Vừa bắc ấm nước trên bếp củi, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, mẹ Ánh Viên chia sẻ: “Mở mắt ra là ông nhà tôi đi ra vườn ngay, có khi tôi không kịp rang cơm cho ổng ăn. Ra vườn, khi thì ổng tưới cây, cắt tỉa cành, bón phân… Những công việc này như ăn vào máu của cha Ánh Viên nên bắt ổng nằm nhà có khi lại đổ bệnh. Còn tôi, sáng đi chợ, lo cho ông bà nội Ánh Viên xong quay sang chăm đàn heo, đàn gà… Mọi chuyện xong hết rồi mới lo đến chuyện cơm nước. Khi nào rảnh rỗi nữa thì ra vườn phụ làm cỏ với ông nhà tôi, chứ rảnh tay, rảnh chân là không chịu được”.

Chị Hồng cho biết thêm: “Ông bà nội Ánh Viên đã lớn tuổi nên việc ăn uống vợ chồng tôi có chăm chút nhiều hơn. Buổi sáng khi thì bún riêu, bát phở… nhưng thường là tôi đi chợ mua đồ về nấu cho cả nhà ăn. Cách này tuy cực một chút nhưng tiết kiệm được một khoản kha khá, lại vừa khẩu vị cho cả nhà”. Vừa nói chuyện, chị Hồng vừa tất tả lấy cái thau, múc hết nước trong mấy cái lu ra rồi chà rửa sạch sẽ. Chị giải thích: “Tháng này có mưa lớn rồi nên chuẩn bị lu, khạp trong nhà để hứng nước mưa mà xài cho đỡ tốn tiền nước máy”.

Anh Tác tâm sự: “Có được cuộc sống như ngày hôm nay là thành quả mà con tui đã đánh đổi bằng biết bao mồ hôi, nước mắt, nên làm cha mẹ, mình phải biết quý trọng và giữ gìn. Với lại, mình là nông dân, chân lấm tay bùn quen rồi, đua đòi làm gì cho thiên hạ dị nghị”.

Ngồi trước hiên nhà, cụ Võ Thị Bảy, bà nội Ánh Viên cặm cụi chẻ từng trái cau lấy ruột rồi mang phơi để ăn trầu. Phút chốc bà lại đứng dậy mang cái mâm phơi những cọng màu trắng ra chỗ nắng. Hỏi bà, mới biết những cọng màu trắng kia là khoai cạo được bà cắt mỏng, phơi khô để dành chiên ăn vào buổi trưa mỗi khi có khách. Bà Bảy nói: “Mấy ngày qua, khách khứa đến đông nhà, già thấy vui lắm, vì biết cháu Ánh Viên đang thi đấu được thành tích tốt. Còn thường ngày, vợ chồng tôi cũng buồn. Ở tuổi này, sống vui nhờ con cháu. Nhưng vợ chồng nó cũng ở suốt ngoài vườn, Ánh Viên thì cả năm mới về một lần, còn đứa em nó 2 -3 tháng mới thấy mặt nhưng được vài giờ thì lại đi. Nhưng biết hai cháu đang phục vụ cho quân đội, đất nước… vợ chồng tôi cũng vui!”.

Cụ Nguyễn Văn Tới (ông nội Ánh Viên) nói: “Ánh Viên được như ngày hôm nay, ngoài sự hy sinh vất vả của cha mẹ cháu thì chính bản thân cháu cũng phải cực khổ, hy sinh nhiều thứ lắm. Ánh Viên “hái nhiều vàng”, cũng phải đổ lắm mồ hôi. Nhưng đáng mừng là cha mẹ cháu hiểu điều đó nên chi xài chắt chiu, sống bình dị, chịu khó lao động như ngày nào. Đây là điều mà tôi thấy an tâm và mừng trong dạ!”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.