Khám phá

Về Buôn Đôn nghe thợ săn voi kể chuyện

26/11/2016, 18:20
image

Đến nay những câu chuyện huyền thoại, kì bí giữa rừng sâu chỉ còn lại trong kí ức của các thợ săn voi.

A2

Buôn Đôn - một vùng đất nổi tiếng về săn bắt và nuôi dưỡng voi rừng.

Buôn Đôn - một vùng đất nổi tiếng về săn bắt và nuôi dưỡng voi rừng. Tuy nhiên, đến nay những câu chuyện huyền thoại, kì bí giữa rừng sâu chỉ còn lại trong kí ức của các thợ săn voi.

Gặp thợ săn voi khét tiếng Buôn Đôn một thời

Là người địa phương, tôi không nhớ rõ mình đã chỉ dẫn bao đoàn khách, bạn bè đến với xứ sở voi Buôn Đôn. Về Buôn Đôn, du khách ngoài đi cầu treo, cưỡi voi vượt dòng Sêrêpốk, còn chìm mình trong tiếng cồng chiêng huyền thoại và thổn thức với những câu chuyện kì bí về nghề săn bắt voi nổi tiếng một thời của người M’nông ở núi rừng Tây Nguyên.

Hiện nay, để kể về nghề săn voi rừng, số lượng gru (thợ săn voi) chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Trên lưng voi vượt dòng Sêrêpốk, chúng tôi may mắn được một nài voi giới thiệu về một gru khét tiếng một thời của Buôn Đôn. Đó là ông Y Thốt Knul (71 tuổi, ngụ Buôn Đôn, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). So với độ tuổi ngoài 70, già Y Thốt vẫn còn khỏe với thân hình săn chắc, mái tóc bạc trắng như cước.

Già Y Thốt kể: “Ngày xưa, Buôn Đôn voi rừng nhiều vô kể. Người M’nông chủ yếu sinh sống bằng nghề săn bắt, thuần dưỡng voi để lấy sức kéo. Riêng già, đã săn được hơn 20 voi rừng, nhưng từ sau giải phóng (1975), nghề săn voi bị Nhà nước cấm nên từ đó không ai làm nữa”.

Dẫn chúng tôi xuống gian nhà dưới bếp, già Y Thốt khoe: “Đây là toàn bộ “đồ nghề” mà già còn giữ lại làm kỷ niệm. Mỗi lần nhớ rừng, nhớ đến chuyến đi, già lấy ra xem. Để có được đồ nghề này, người thợ săn chuẩn bị mất vài tháng. Gru phải giết thịt khoảng 7 con trâu to khỏe, lấy da phơi khô, sau đó cắt thành các sợi nhỏ rồi xe lại thành dây thừng to bằng ngón chân cái. Tiếp đó, gru phải vào rừng sâu, chọn những cây gỗ quý để đẽo thành gọng làm khóa chân voi. Mỗi cuộc hành trình thường kéo dài ít nhất 15 ngày, một đội săn voi gồm 4 - 5 gru mang theo những con voi to khỏe, đủ hai ngà để chống chọi lại với voi rừng hung giữ bên ngoài”.

“Trước khi xuất quân, ngoài thức ăn, muối, các gru phải nhờ già làng thực hiện nghi lễ cúng Giàng, cầu mong chuyến đi gặp nhiều may mắn. Lễ cúng gồm ché rượu cần, gà… Nếu trong ngày xuất quân, trong buôn có người chết hay có người sinh đẻ thì chuyến đi đành phải bỏ”, già Y Thốt cho hay.

Nghề săn voi chỉ còn trong kí ức

Già cho hay, để vào địa lãnh địa voi rừng, phải mất hai ngày đi bộ về các cánh rừng Pleiku (Gia Lai bây giờ; rừng Ea H’leo, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk ngày nay). Nơi đây, đoàn voi rừng mẹ thường xuyên dẫn voi con về tìm kiếm thức ăn và nước uống. Sau khi quan sát đoàn voi, gru chọn những con voi con khoảng 1 - 2 năm tuổi để săn.

“Chúng tôi phải chọn những con voi con nhỏ tuổi, cao khoảng 2m trở lại. Loại voi này thường dễ thuần dưỡng hơn, vì voi lớn hơn khi săn về rất khó thuần dưỡng và chúng sẽ quậy phá. Xác định voi cần bắt, gru sẽ gài bẫy và dùng voi nhà xua đuổi. Khi voi con bị mắc bẫy, các gru tiến đến làm các thủ tục khóa chân, vòi để dẫn về. Nhiều đoàn voi hung hãn, nếu voi đi săn sẽ bị tấn công, buộc gru phải thả voi lại rừng. Bắt được voi rừng về, gru lại nhờ già làng làm lễ “tiếp nhận”. Cũng theo nghi thức, già làng đọc thần chú theo tiếng M’nông, xin phép Giàng được đem con thú hoang ở rừng về buôn chung sống”, già kể trong sự vui sướng.

Voi săn về sẽ được xiềng chân, xiềng cổ và bị voi nhà kéo về buôn. Liên tục, voi con được cúng xin phép Giàng. Mỗi tuần, người này phải làm lễ cúng Giàng một lần với nghi lễ gồm một nắm xôi nếp, một ché rượu cần và một con gà. Khi nào chú voi được thuần hóa thì nghi lễ đó mới kết thúc. Sau khi săn được voi thì 1 - 2 năm sau mới tiếp tục cuộc hành trình săn mới. Lúc này, các gru tập trung đào tạo, huấn luyện voi đi, nằm xuống, đứng lên, tập cho voi hiểu tiếng người. Cuộc đào tạo mất khoảng ba tháng với voi hiền và khoảng một năm với voi hung. Theo già Y Thốt, để săn được voi, gru không tránh được những nguy hiểm trong rừng. Nhiều gru bị thú dữ, không ít thợ săn bị cọp, beo tấn công. Nặng thì bỏ mạng lại rừng sâu, nhẹ thì bị thương phải nhờ các gru khác đưa về.

Trăn trở về nghề voi

Kết thức câu chuyện, đôi mắt già Y Thốt đỏ hoe: “Voi Buôn Đôn sắp theo Giàng cả rồi. Voi ở buôn này giờ không sinh sản được nữa. Cứ mỗi năm sẽ có một đến hai con voi chết đi. Giờ nghề săn voi chỉ còn lại trong kí ức của già thôi. Mai mốt, con cháu già sẽ không còn biết đến voi là gì...”.

Trước đây, nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng được xem là nghề truyền thống của một số đồng bào dân tộc ở Buôn Đôn. Sau năm 1975, khi có quyết định cấm săn bắt động vật hoang dã, trong đó có voi, người dân ở Buôn Đôn mới dừng việc săn bắt voi. Thế nhưng, ở một số buôn đồng bào thiểu số vẫn tiếp tục hành nghề. Phải mất thời gian khá lâu chính quyền địa phương vận động, áp dụng những chế tài, đến năm 1986 thì nghề săn voi mới chính chức được xóa bỏ. Nghề săn bắt voi của người đồng bào giờ đây chỉ còn là một kí ức.

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết: Hơn 30 năm qua, đàn voi nhà liên tục giảm từ 502 cá thể (vào năm 1980) xuống còn 46 cá thể (hiện tại). Từ năm 2007 đến hết năm 2014, đã có 21 con voi nhà bị chết do bị giết hại, thiếu thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng kém... Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015, đã có 3 con voi nhà ở huyện Buôn Đôn và Krông Ana chết bất thường. Mặc dù các cơ quan chức năng xác định voi chết vì già yếu và một số bệnh thông thường nhưng nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân khiến voi chết là do bị khai thác quá sức (voi phục vụ du lịch, phục vụ sản xuất) và không được chăm sóc tốt.

Xem thêm video: 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.