Xã hội

Về Đồng Cổ lắng đọng hào khí giữ nước trao truyền ngàn năm

21/04/2019, 06:19

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, mặc dù đền Đồng Cổ (Yên Thọ, Yên Định, Thanh Hóa) bị tàn phá nhưng vẫn còn in đậm bao nhiêu dấu tích.

img
Du khách nghe kể về lịch sử ngồi đền ngàn năm tuổi

Đền Đồng Cổ (xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) được xây dựng từ thời Hùng Vương (2569 trước Công nguyên), bị thực dân Pháp phá hủy năm 1948. Năm 2000, dân làng dựng lại ba gian đền. Đền Đồng Cổ suốt từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn cho tới năm 1994 được ghi vào danh sách các đền chùa được triều đình công nhận và hàng năm vua phái các quan khâm mạng (thường là quan đầu tỉnh) thay vua về đây tế thần.

Ngược dòng lịch sử

Để đến thăm đền Đồng Cổ, từ QL45 rẽ vào TL518, bên ven đường là một cổng tường thành đá vững chắc sừng sững dưới bóng núi Tam Thai hiện ra, đó chính là lối vào đền.

Do đã có hẹn từ trước, ông Trịnh Hồng Chiến (73 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yên Thọ cùng một vài lãnh đạo xã chờ sẵn ở sân đền. Sau cái bắt tay ấm áp dưới những hạt mưa phùn, ông Chiến kể: Đền Đồng Cổ thờ thần Đồng Cổ Đại Vương hay còn gọi là Thần Trống đồng, tọa lạc giữa núi Tam Thai (có tên gọi khác là núi Khả Lao) với ba ngọn (núi Xuân, núi Đổng, núi Nghễ) thoạt nhìn như một chiếc ngai cho thần ngồi. Trước mặt là hồ bán nguyệt quanh năm nước xanh trong như chiếc gương lớn soi mây trời. Sau lưng núi là dòng sông Mã với bến Trường Châu...

Ông Chiến kể, ngày xưa các bậc cao niên truyền tai rằng, từ thời các Vua Hùng, thần Đồng Cổ đã luôn đi theo và giúp đỡ, phù trợ công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Tương truyền khi vua Lê Đại Hành đi đánh Chiêm Thành, trên đường tiến xuống phương Nam, đêm xuống vua cùng quân lính hạ trại nghỉ ở bến Trường Châu (sông Mã) và nằm mộng thấy vị thần với tướng pháp khác thường đến trước mặt mình tự xưng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, vâng mệnh Vua Hùng xin được vua ban cho trống đồng, dùi đồng để trợ chiến”.

img
Cổng Nghinh môn của đền Đồng Cổ

Quả nhiên, khi đánh giặc, từ không trung mơ hồ có tiếng kiếm kích, quân giặc tháo chạy. Chiến thắng trở về, nhà vua qua bến Trường Châu làm lễ tạ ơn. Đồng thời, ghi nhớ công lao của thần, vua còn xin rước linh vị thần Đồng Cổ về kinh đô phụng thờ để giữ nước, hộ dân.

Khi Lý Thái Tông lên ngôi chưa bao lâu thì một đêm lại nằm mộng thấy thần Đồng Cổ báo có “tam Vương mưu phản” để nhà vua đề phòng. Quả nhiên việc mưu phản xảy ra và sau khi dẹp được nạn này, vua Lý Thái Tông đã xuống chiếu phong thần làm “Thiên hạ minh chủ thần, gia tước đại vương”. Và trước bài vị thần ở kinh thành Thăng Long, vua Lý Thái Tổ cùng văn võ bá quan đã có lời thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Ngày nay nơi ấy chính là đền Đồng Cổ thuộc quận Tây Hồ (Hà Nội).

Cũng theo ông Chiến, thời kháng chiến chống Pháp, công binh xưởng Nguyễn Công Cậy sản xuất vũ khí ngay trong hang động Ích Minh trong lòng ngọn núi bên phải của ngôi đền (hiện nay vẫn còn dấu tích). Khi quân Pháp phát hiện ra, chúng đã cho máy bay ném bom san phẳng cả đền Đồng Cổ. Những di tích nguyên gốc còn lại đến nay là hai tấm bia đá, quán Triều Thiên, hồ bán nguyệt và Nghinh môn bằng đá cùng với dãy hang động được nối thông từ hồ bán nguyệt ra bến Trường Châu.

img
Để ra bến Trường Châu, du khách phải khéo léo đi qua dãy hang động nhỏ hẹp

Danh sơn hữu tình

Dạo một vòng quanh ngôi đền mới thấy được cảnh sắc nơi đây hoàn mỹ đến nhường nào. Từ trên quán Triều Thiên (trên đỉnh núi Xuân), dòng sông Mã uốn quanh dãy núi với các phiến đá lô nhô những hình thù kỳ dị, thuyền bè xuôi ngược dập dìu; làng mạc, núi sông xung quanh tạo lên một bức tranh hoàn hảo, hội tụ đủ màu sắc lúc ban mai hay chiều tà.

Trước đây trong đền có cỗ trống đồng lớn, nhưng đến thời Lê Mạt bị mất. Sang thời Tây Sơn khoảng năm 1796, trấn thủ Thanh Hóa là Nguyễn Quang Bàn (con của vua Quang Trung) đã cúng vào đền một trống đồng mà ông tìm thấy ở một bờ sông, ông có làm một bài tán khắc trên biển gỗ sơn son thiếp vàng kể lại sự việc cung tiến trống đồng. Năm 1930, nhà học giả Viện Viễn Đông Bác cổ Victor Goloubew có về tận nơi khảo sát, đo đạc kích thước của trống, dịch bài tán và công bố công trình này trên tập san BEFEO (Bulletin de l’École francaise d’Extrême-Orient). Trống đồng này cũng bị mất trong thời kì chiến tranh Việt Nam. Hiện trong 3 gian đền thờ ở đền Đồng Cổ luôn có 3 chiếc trống đồng do dân làng làm dâng lên thờ.
Cứ vào ngày 14-15/3 hàng năm, chính quyền địa phương tổ chức lễ hội đền Đồng Cổ để tưởng nhớ vị thần có công “Hộ dân bảo quốc”.

Để ra được bến Trường Châu, chúng tôi đã phải đi bộ trong dãy hang động nhỏ hẹp với nhiều thạch nhũ óng ánh. Có những đoạn để qua được chúng tôi phải cúi khom người hay phải leo qua những phiến đá. Đây có thể nói là một tuyệt tác mà tạo hóa ban cho ở Đồng Cổ. Vỏn vẹn chỉ dài khoảng 200m, gần đến cửa hang cảm nhận được một luồng gió mát từ sông Mã thổi vào. Tại bến Trường Châu, có thể quan sát được hết những bản làng, những bãi phù sa ven sông.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, mặc dù đền Đồng Cổ bị tàn phá nhưng vẫn còn in đậm bao nhiêu dấu tích. Và hơn hết, ở nơi đây núi và đền Đồng Cổ hòa quyện vào nhau như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Thọ cho biết: Hiện nay, việc bảo quản di tích đang được địa phương quan tâm sát sao. Việc trùng tu tôn tạo cũng được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án đầu tư, xây dựng, bảo tồn tôn tạo khu di tích theo 2 giai đoạn với tổng kinh phí trên 35 tỷ đồng. Tháng 2/2010, công trình hoàn thành giai đoạn 1 với kinh phí đầu tư 11 tỷ đồng và được gắn biển công trình chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã chấp thuận việc phục dựng lại chùa Thanh Nguyên trên núi Tam Thai. Khu di tích núi và đền Đồng Cổ được quy hoạch tổng diện tích 11ha với núi Tam Thai, đền Đồng Cổ, bến Trường Châu, quán Trường Thiên, hồ bán nguyệt và hệ thống cảnh quan sẽ là nơi để người dân tưởng nhớ công lao của thần Đồng Cổ tối linh, các triều đại vua trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Khu di tích hứa hẹn sẽ trở thành một trong những điểm đến tâm linh “cổ xưa, lâu đời, linh thiêng, hiển hách không chỉ của xứ Thanh”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.