Xã hội

Về làng Dương Nỗ, nơi ghi dấu thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

19/05/2023, 12:28

Dương Nỗ là nơi ghi dấu thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở Huế trong những năm 1898 - 1900.

Làng Dương Nỗ nằm bên sông Phổ Lợi, xã Phú Dương, cách trung tâm TP Huế vài cây số về hướng biển Thuận An. Qua khỏi cầu Chợ Nọ nối QL49 đoạn Huế - Thuận An, rẽ phải theo con đường bê tông chừng hơn 500m là Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ.

Nơi ghi dấu ấn thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế

img

Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nỗ (bên phải) nhìn từ trên cao

Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dương Nỗ trước đây là của gia đình ông Nguyễn Sĩ Độ (Thủ bộ của làng Dương Nỗ). Năm 1898, ông Độ mời ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) về dạy học cho các con và sắp xếp để gia đình thầy ở trong ngôi nhà này.

Trong thời gian sống ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó mang tên gọi Nguyễn Sinh Cung mới lên 8 đã được cha cho theo học chữ Hán, được khai tâm bằng hai chữ “Nhân” và “Nghĩa”. Dưới mái nhà tranh làng Dương Nỗ, Người đã học những bài học đầu tiên về đạo làm người, để bắt đầu cho một hành trình lớn lên, trưởng thành và phụng sự đất nước.

Bên cạnh Nhà lưu niệm là bến nước nhỏ thường gọi là Bến Đá, trước đây là bến riêng của gia đình ông Nguyễn Sĩ Độ. Thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh về sinh sống ở đây thường ra bến tắm giặt; những ngày hè nóng bức, Người ra ngồi hóng mát, câu cá, vui chơi.

Đình làng Dương Nỗ, Am Bà được hình thành trong quá trình lập làng, là nơi bảo lưu nhiều nét văn hóa cổ truyền của dân tộc như nghi thức tưởng nhớ tiền nhân có công khai canh, khai khẩn lập làng; thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu...

Đình làng, Am Bà là nơi hằng ngày Nguyễn Sinh Cung thường ra chơi, viếng cảnh, học bài. Đặc biệt là dịp hội hè, tế lễ hàng năm của làng, Người và các bạn cùng lứa tuổi hòa chung với những sinh hoạt truyền thống, lễ hội làng...

Ngôi làng quê hiền hòa, giàu bản sắc văn hóa bên dòng sông Phổ Lợi gắn bó với những kỷ niệm về tuổi thơ hồn nhiên của Nguyễn Sinh Cung lúc học tập, vui chơi, xem hội với bạn bè... đã góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước trong trái tim Người.

img

Người dân và du khách xem và cổ vũ giải đua thuyền trên sông Phổ Lợi trong chương trình “Dương Nỗ - Hành trình tháng Năm” chào mừng 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023)

Địa chỉ đỏ

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ ngày nay đã trở thành địa chỉ đỏ, địa điểm về nguồn, giáo dục truyền thống của cán bộ, chiến sỹ, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trên toàn tỉnh.

Những giá trị vật chất và tinh thần mà di tích chứa đựng là tri thức quý giá góp phần vào công tác tuyên truyền và đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Dương Nỗ còn là địa điểm du lịch có giá trị lịch sử, hàng năm đón tiếp hàng trăm ngàn lượt khách tham quan trong và ngoài nước, vừa góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam nói chung, tôn vinh Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh nói riêng, vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Cụm Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nỗ có 4 di tích, trong đó Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990; Đình làng Dương Nỗ được xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật cấp quốc gia năm 1995. Năm 2020, 2 di tích này được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Bến Đá và Am Bà được xếp hạng Di tích cấp tỉnh năm 2007 và 2008.

Đây là 4 di tích tiêu biểu, gắn bó mật thiết với giai đoạn Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình sống và học tập tại làng Dương Nỗ từ năm 1898 – 1900.

Các di tích về Người ở Dương Nỗ đến nay đã được bảo tồn tương đối nguyên vẹn từ kiến trúc đến cảnh quan; các cơ quan quản lý di sản nỗ lực trùng tu, tôn tạo để các di tích ngày càng hoàn chỉnh, lưu giữ được phần hồn, không gian văn hóa như thời kỳ Người về sinh sống và học tập tại đây.

Theo tư liệu, làng Dương Nỗ được thành lập sau cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471. Các vị thủy tổ đã chọn đất trên vùng đồng bằng thoáng đãng của huyện Tư Vinh, phủ Triệu Phong, ven vùng ruộng ngập mặn để lập làng.

Tên làng là Dương Nỗ có nghĩa là “trương nỏ” do các vị tiền nhân nhận thấy địa thế vùng đất cong giống cánh nỏ giương ra, đồng thời để biểu lộ chí khí nam nhi anh hùng của con người nơi đây. Dương Nỗ còn hàm nghĩa là Nõ Dàng (tức Nõ Chàm), xuất phát từ việc định danh các phế tích của người Chăm trên vùng đất này.

Trong quá trình hình thành và phát triển, Dương Nỗ có 7 họ chính cư. Khảo sát văn bản làng xã và tư liệu gia phả cho thấy các tổ nhập cư vào làng nhiều thời điểm khác nhau. Các ngài khai canh, khai khẩn đầu tiên thuộc hai họ Nguyễn, Trần vào đầu đời Hồng Đức (1471), sau đó có ngài thủy tổ họ Đoàn (khoảng năm 1490), tiếp sau là các họ Võ, Dương, Lê, Huỳnh (từ năm 1558 đến 1660).

Cả 7 vị thủy tổ khai canh, khai khẩn tuy nhập cư vào những thời điểm chênh lệch nhau nhưng cho đến giữa thế kỷ XVIII, đã trở thành một biểu tượng tôn quý cho dân làng tôn sùng. Đó là những ngài có công khai phá, thành lập nên làng, và những người kế tục góp công, góp sức phát triển làng Dương Nỗ.

Bên cạnh Dương Nỗ, tại Huế còn có những địa chỉ gắn liền với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại số 112 đường Mai Thúc Loan (TP Huế), Trường Quốc học.

img

Di tích lịch sử - văn hóa Nhà lưu niệm Dương Nỗ

Nhà lưu niệm số 112 đường Mai Thúc Loan, là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ nhất, từ năm 1895 - 1901.

Năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế thi Hội nhưng không đỗ. Để chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo, ông xin vào học trường Quốc Tử Giám - Huế và được chấp nhận.

Tuy nhiên, học bổng của trường rất ít, không đủ để ông sống tại đất kinh đô, vì vậy, ông về quê bàn với gia đình đưa vợ con vào Huế để gia đình có điều kiện giúp đỡ ông học hành và nuôi dạy các con. Đến Huế, nhờ người quen giới thiệu, ông Nguyễn Sinh Sắc đã thuê được một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba (là ngôi nhà di tích hiện nay).

Ngôi nhà này đã lưu giữ nhiều kỷ niệm lúc thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứng kiến những năm tháng miệt mài đèn sách, khổ công học hành của ông Nguyễn Sinh Sắc, sự trung hậu, đảm đang của bà Hoàng Thị Loan, chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung.

Đặc biệt, ngôi nhà này là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ 4 là Nguyễn Sinh Xin và cũng là nơi bà Hoàng Thị Loan trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10/2/1901).

Ngôi nhà đã được Bộ Văn hoá thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 74/VH-QĐ ngày 2/02/1993.

img

Ngôi nhà nơi ông Nguyễn Sinh Sắc cùng 2 con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung đã sinh sống, học tập trong những năm 1898 - 1900

img

Bên trong Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nỗ

img

Nhà lưu niệm Dương Nỗ nhìn từ phía ngoài vào

img

Nơi lưu giữ, trưng bày các tư liệu về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nỗ...

img

Du khách tham quan tại Nhà lưu niệm Dương Nỗ...

img

Cầu Chợ Nọ nối QL49 với làng Dương Nỗ

img

Đình làng Dương Nỗ

img

Gian chính đình làng

img

Nơi thờ 7 vị thủy tổ khai canh, khai khẩn ở đình làng Dương Nỗ

img

Du khách dừng chân chụp ảnh đình làng Dương Nỗ

img

Bức ảnh toàn cảnh đình làng tại triển lãm trong chương trình “Dương Nỗ - Hành trình tháng Năm” chào mừng 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh

img

Nhà lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà lưu niệm Dương Nỗ nhìn từ sông Phổ Lợi trên cao

img

Sơ đồ tuyến tham quan Cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Dương Nỗ

img

Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở số 112 đường Mai Thúc Loan, TP Huế

img

Trường Quốc học - Huế ngày nay

img

Ngôi nhà 112 đường Mai Thúc Loan là nơi đã lưu giữ nhiều kỷ niệm lúc thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình ở Huế từ năm 1895 - 1901

img

Trường Quốc học cũng là nơi thu hút rất nhiều du khách và các bạn trẻ đến chụp ảnh

img

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế bên tuyến đường Lê Lợi, TP Huế

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.