Chất lượng sống

Về miền ký ức của “Chiến sỹ Điện Biên”

25/04/2018, 05:27

Đã 64 năm trôi qua, hình ảnh về những năm tháng hào hùng cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”...

26

Ông Trần Quang Hữu với công việc thường nhật khi về già

Đã 64 năm trôi qua, hình ảnh về những năm tháng hào hùng cùng đồng đội “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những ngày chiến đấu ác liệt giành giật với địch từng tấc đất, từng đoạn chiến hào diễn ra trên cánh đồng Mường Thanh, rồi những tiếng hô reo vang, cái ôm siết chặt mừng đại thắng… vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những chiến sỹ Điện Biên.

“Khoét núi, ngủ hầm” để bộc phá

Sống bình dị cùng vợ và các con trong một căn nhà trên phố Trường Chinh, phường Tân Thanh, TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), cụ Phạm Bá Miều (SN 1930) vẫn còn khỏe và minh mẫn kể lại cho chúng tôi về những ngày tháng cách đây 64 năm, cả nước lên đường, hướng về Tây Bắc.

Thời điểm ấy, hòa trong khí thế quân và dân ta vừa làm nên chiến thắng Việt Bắc, đập tan 2 vạn quân Pháp, chuyển cuộc kháng chiến của dân tộc ta từ cầm cự sang phòng ngự, năm 1949, Phạm Bá Miều cùng thanh niên trong làng rời miền quê Thái Thụy, Thái Bình lên đường tập kết ra Cao Bằng và được phân công vào Đại đội 13, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 65, Đại đoàn 312. Sau khi được huấn luyện bài bản, năm 1950, ông được chuyển sang Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 để ra trận chiến đấu.

"Những năm sau chiến tranh, dân cư vẫn thưa thớt, đường sá gập ghềnh, đèo dốc ngoằn ngoèo khiến phương tiện rất dễ bị rơi xuống vực núi. Vất vả nhất là chở hàng về Hà Nội, phải mất 2 ngày chạy xe vượt đồi. Trên thùng xe bao giờ cũng phải dự phòng một thùng phuy dầu 200 lít đề phòng chết máy giữa đường và luôn có sẵn nồi niêu, xoong chảo để khi dừng nghỉ tại Tuần Giáo, Mộc Châu thì tự nấu cơm ăn. Giờ thì đường về Hà Nội hiện đại, an toàn lắm rồi, theo QL6 là chỉ mất 9 tiếng về thủ đô”.

CCB Trần Quang Hữu
nguyên chiến sĩ Trung đoàn 144 kháng chiến chống Pháp ở Thuận Châu, Sơn La

Cuộc hành quân chiến đấu với giặc Pháp đầu tiên của Phạm Bá Miều là năm 1952 khi trung đoàn tiến quân từ vùng Tây Bắc sang đất bạn Lào rồi “mò đường trong đêm” tránh sự phát hiện của giặc để về giải phóng Lai Châu năm 1953. “Sau khi đánh thắng 2.000 quân Pháp tại Nà Sản (Lai Châu), chúng tôi được ra lệnh hành quân về “Trần Đình”. Lúc này, không ai biết “Trần Đình” ở đâu, là chiến trường nào, chúng tôi chỉ biết hành quân xuyên đêm, bí mật vượt sông Đà để đến khu vực lòng chảo xung quanh núi non trùng điệp - nơi có sân bay, dù, trại bạt trắng của giặc Pháp. Đến nơi, hỏi ra mới biết là Điện Biên Phủ”, ông Miều cho biết.

Trong kháng chiến chống Pháp tại Điện Biên Phủ, ông Miều là người có mặt từ đầu đến cuối. Một trong những trận đánh ông còn nhớ mãi là trận đánh chiếm đồi A1.

Trận đánh mở màn ngày 31/3/1954, một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của ta là trong trận này phải xóa sổ bằng được trung tâm đề kháng Eliane 2 trong dãy cứ điểm phía đông Điện Biên Phủ (ta gọi là đồi A1).

Do vị trí đặc biệt quan trọng, đồi A1 được xây dựng với hệ thống hầm ngầm bí mật vô cùng kiên cố, bố trí hỏa lực mạnh với các ổ súng máy, lỗ châu mai cùng những lực lượng mạnh nhất để bảo vệ cứ điểm này đến cùng. Vì vậy, trong đợt tiến công lần 1, Trung đoàn 174 đã phát động 4 lần tiến công liên tục mà cũng chỉ chiếm được nửa đồi.

“Chúng tôi dồn hết sức lực để đào đường hầm xuyên núi đưa gần 1 tấn thuốc nổ vào làm nổ tung hệ thống hầm ngầm ở đây. Cuối cùng, một chiến hào dài 43m xuyên đồi A1, áp sát hầm ngầm địch đã hoàn thành. Thuốc nổ được đóng thành từng bao 20kg để dễ vận chuyển vào điểm tập kết. Đúng 22h ngày 6/5, khối bộc phá 1 tấn thuốc nổ được châm ngòi, phá sập toàn bộ hệ thống hầm ngầm, chúng ta hoàn tất việc chiếm đồi. Đây cũng là mệnh lệnh tấn công đợt cuối cùng, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”, ông Miều nhớ lại.

27
Cựu binh Nguyễn Tiêu trò chuyện cùng PV Báo Giao thông

Ở lại với Điện Biên

Ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, Pháp hoàn toàn thất thủ tại Điện Biên Phủ, chính thức chấm dứt chế độ thực dân tại Đông Dương.

Nhấp chén trà, ông Trần Quang Hữu (SN 1934, ở tổ C17, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) lau nhẹ bức hình của gia đình ông chụp kỷ niệm năm 1958, thuở ban đầu quay lại Điện Biên làm kinh tế tại nông trường. Ông Hữu nhớ lại: “Năm 1953, từ miền quê xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, Hà Nam, tôi nhập ngũ, tham gia Trung đoàn 144 kháng chiến chống Pháp ở Thuận Châu, Sơn La. Tháng 3/1954, quân Pháp nhảy dù đổ bộ Điện Biên nên cả Trung đoàn di chuyển về Mường Tè để sẵn sàng chiến đấu. Sau trận chiến quyết liệt tại lòng chảo Mường Thanh, chúng tôi được điều động tham gia thu dọn chiến trường, chăm sóc thương binh. Sau đó tôi về quê cưới vợ”.

Cuối năm 1958, nghe theo lời kêu gọi của đơn vị, ông Hữu trở lại miền Tây Bắc để  tham gia xây dựng kinh tế tại Nông trường quốc doanh Điện Biên. Ban đầu, ông đảm nhận công tác phụ xe cho bộ đội, sau đó chuyển sang làm anh nuôi, rồi lại làm bảo vệ. Năm 1960, ông đi học lái xe để phục vụ cho nông trường.

Bà Trần Thị Nụ (SN 1939), vợ ông Hữu góp chuyện: “Ngày mới lên Điện Biên cùng chồng, cuộc sống vô cùng khó khăn, chúng tôi đi làm bữa no bữa đói, vẫn phải ăn cơm độn ngô, độn sắn là chính. Ngày ấy bộ đội, thanh niên và người bản địa bắt tay vào làm kinh tế hoàn toàn từ con số không, nhưng giờ thì cuộc sống đã thay đổi hẳn. Gạo Điện Biên bây giờ vừa nhiều, vừa ngon, nổi tiếng cả nước”.

Cựu binh Nguyễn Tiêu (92 tuổi) dù tai không còn nghe rõ vì tuổi già, nhưng khi biết chúng tôi hỏi chuyện về Điện Biên vẫn hào hứng ngồi tiếp chuyện. Ông Tiêu kể: “Quê ông tận vùng Nghệ An. Đánh Pháp xong, nghe theo tiếng gọi làm kinh tế mới vùng Tây Bắc, ông quyết định trở lại Điện Biên. Lúc này, Trung đoàn 165 - đơn vị ông tham gia chiến đấu cử đi học kế toán rồi được phân công về làm tại nông trường Mường Ảng. Nay ông đã có 4 người con trưởng thành và công tác trong ngành công an và ngân hàng tại địa phương.

Mặc bộ quần áo giản dị với những huân chương, huy chương cài trên ngực nặng trĩu, ông Tiêu tự hào: “92 tuổi đời, 69 năm tuổi Đảng, gắn bó với Điện Biên giờ thấy mảnh đất này thay đổi thì không gì vui bằng. Những ngày lễ lớn, ngày trọng đại tôi vẫn luôn cài huân, huy chương như muốn nhắn nhủ, báo cáo với đồng đội rằng tôi đã chiến đấu không ngừng để trụ lại trên quê hương thứ hai Điện Biên”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.