Chất lượng sống

Về Na Hối đi "sớ tán pao"

03/09/2014, 20:26

Xe ngựa chở khách của ông Hoàng Đức Chù (62 tuổi, dân tộc Nùng, ở thôn Na Hối Nùng, xã Na Hối, Lào Cai), được du khách và người dân sở tại ưa dùng và gọi là sớ tán pao (xe an toàn).

Xe ngựa chở khách của ông Hoàng Đức Chù (62 tuổi, dân tộc Nùng, ở thôn Na Hối Nùng, xã Na Hối, Bắc Hà, Lào Cai), được du khách và người dân sở tại ưa dùng và gọi là sớ tán pao (xe an toàn).

Chiếc xe ngựa chở khách duy nhất đi khắp những nẻo đường của phố huyện.
Chiếc xe ngựa chở khách duy nhất đi khắp những nẻo đường của phố huyện

Bạn thân thiết của mọi người

Cứ buổi sáng chủ nhật hàng tuần, tiếng móng ngựa gõ lọc cọc, rộn rã tạo ra những âm thanh quen thuộc với người dân nơi đây. Cũng là lúc ông Chù bắt đầu với công việc chở khách. 

Lên xe cảm giác thật thoải mái, người lắc lư theo điệu nhạc của tiếng vó ngựa. Vừa được hòa mình vào cỏ cây chim muông ven đường, lại ngắm nhìn những em bé lẽo đẽo theo mẹ xuống chợ với đủ thứ hàng hóa trên lưng. 

Được biết, ông Chù người gốc bản địa ở đây, sinh ra và lớn lên gắn bó với những chú ngựa hoang dã ở vùng đất mộng mơ này. Là người hơn chục năm cầm cương ở vùng đất cao nguyên trắng. Nhiều lần xem ti vi về những “cỗ” xe ngựa, từ đó đã nảy ra ý nghĩ “chế” chiếc xe ngựa thời nay để chở khách cho đỡ buồn và kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.

Vậy nên ông bắt đầu nghiên cứu, tự thiết kế rồi mang cho thợ hàn, tất cả đều được làm bằng sắt. Theo lời kể của ông, muốn sở hữu được một chú ngựa để chạy xe phải mất 3 tháng huấn luyện ngựa tham gia giao thông. Phải xuất vốn hơn 20 triệu đồng mua ngựa và làm xe. Thế nhưng, giá thành lại rất rẻ, ông chỉ lấy 10 nghìn đồng/lượt/5km/khách, còn khách du lịch đặt tour 200 nghìn đồng/lượt, những khách du lịch rất thích được ngồi trên xe ngựa dạo quanh các bản làng, vào các khu du lịch sinh thái.

Chị Giàng Thị Cảo, người dân đi xe cười tít nói, “Tao là người dân tộc Mông lại ở xa lắm à, không có xe máy để đi chợ, cái xe này tiện lắm lại rẻ nữa tuần nào tao cũng đi, ưng cái bụng lắm”. Tiếp lời cu Vảng học sinh lớp 7 ngồi cùng bạn ở đầu xe miệng nhai bánh tóp tép cũng chen vào, “chiếc xe này gắn bó với chúng cháu đã lâu, nó là bạn đồng hành đưa mọi người đi lại mỗi khi chợ phiên tới, nhờ có xe này mà cháu và các bạn không phải đi bộ mấy cây số ra chợ, đỡ mỏi chân bao nhiêu”. 

Sớ Tán Pao (xe an toàn)...

Không phải dùng xăng hay dầu vừa đảm bảo môi trường lại đảm bảo an toàn cho tất cả hành khách. Cụ Vàng Seo Vừ, khách hàng đi quen cho biết, “Từ khi có chiếc xe này tôi cảm thấy vui hơn, đi chợ không phải đi bộ nữa, chứ đi xe máy nguy hiểm hay xảy ra tai nạn, sợ lắm. Tôi thích ngồi xe ngựa vì ngồi trên xe cảm thấy an toàn”, cụ Vừ cười tươi nói. Rất nhiều khách hàng từ già đến trẻ đều thích chiếc xe này, nó là một phần cuộc sống của người dân nơi đây.

Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông về sự an toàn của chiếc xe ngựa, ông Hoàng Đức Chù cho biết, “để đảm bảo an toàn cho mọi người, tôi đã xin giấy phép của ủy ban cho sử dụng chiếc xe, từ khi chạy xe đến giờ chưa có va chạm gì cả, mọi người yên tâm khi đi xe. Thu nhập mỗi tháng cũng chỉ khoảng 1 – 1,2 triệu đồng, vì một tuần phiên chợ chỉ diễn ra một lần. Tôi làm vì lòng yêu nghề, mình phải đặt cái “Tâm” lên hàng đầu”. Cũng theo ông Chù, “Có rất nhiều người tìm đến đây gạ mua chiếc xe này, nhưng tôi không bán vì đây là tâm huyết của tôi, tôi còn khỏe ngày nào thì còn chở khách.”, ông Chù nói.

Theo ông, xe ngựa giờ đây không còn thịnh hành nữa, vì xã hội phát triển, xe máy, ô tô nhiều. Thế nhưng xe ngựa đã tạo nên một giá trị văn hóa tinh thần từ xưa đến nay, chúng ta cần phải bảo tồn nó. Dù nắng hay mưa, cứ chủ nhật hàng tuần hay những ngày khách Tây gọi, ông đều nhiệt tình chở, bởi đó là niềm vui tuổi già.

Tiếng móng ngựa gõ thay tiếng chào mời bắt khách, tạo nên âm nhịp buồn của cuộc sống mưu sinh. Hy vọng sẽ còn nhìn thấy chiếc xe ngựa này và nhiều chiếc xe khác nữa ở trong phố huyện để phục vụ cho bà con, khách du lịch tạo nên một nét văn hóa giao thông độc đáo trong thời hiện đại.

Quỳnh An

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.