Hạ tầng

VEC lắng nghe, điều chỉnh từ ý kiến doanh nghiệp vận tải

19/03/2015, 20:18

Những xe quá tải sẽ không được lên đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây từ tháng 4/2015.

1
                                              Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Nhiều vi phạm về ATGT trên cao tốc

Vấn đề được các DN vận tải quan tâm nhất, đó là tốc độ lưu thông trên đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành - Dầu Giây.

Phản ánh về vấn đề này, ông Trần Phước Anh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô tỉnh Đồng Nai cho biết, nhiều xe container, xe tải chở hàng quá tải chỉ “bò” tốc độ 60 – 70km/h, dẫn đến ùn tắc.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam chia sẻ: "Không chỉ ở cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây mà cao tốc Nội Bài – Lào Cai cũng thế, xe chở quá tải trọng chạy chậm, khiến cả đoàn xe phía sau “rồng rắn” “bò” theo. Vấn đề này đã được VEC ghi nhận và ngay từ đầu cho phép xe chạy 2 làn với tốc độ bằng nhau".

Đại diện Cục CSGT - Bộ Công an cho rằng, cần nâng tốc độ tối thiểu lưu thông trên đường cao tốc lên 70km/h thay vì 60km/h như hiện nay, để hạn chế tình trạng ùn tắc trên đường cao tốc.

Một vấn đề khác liên quan đến ATGT là có không ít trường hợp tài xế dừng đỗ ngay trên đường để ngắm cảnh, đi vệ sinh. Đặc biệt theo phản ánh của Đội CSGT số 6 (Cục CSGT) thì thời gian gần đây có nhiều xe máy cố tình chạy vào đường cao tốc gây TNGT.

Mặc dù các lực lượng CSGT đã cố ngăn chặn, nhưng các đối tượng này vẫn cố tình lạng lách để chạy qua. Những đối tượng này thường là say xỉn, hoặc là người chưa đủ tuổi lái xe.

2
Từ tháng 4/2015 sẽ bắt đầu kiểm tra tải trọng trên đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây

Ngoài vấn đề tốc độ, ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. Hồ Chí Minh còn phản ánh về tình trạng xe quá tải từ TP.HCM đi về Đồng Nai, Vũng Tàu vẫn lưu thông trên đường cao tốc để né trạm cân. Ông Quản nêu quan điểm, VEC nên lập hệ thống cân tải trọng trước khi cho xe tham gia cao tốc. Những xe nào quá tải thì không cho đi lên đường cao tốc.

Một vấn đề khác được đề cập đến là hệ thống biển báo trên đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây quá nhỏ.

“Ban đêm, cộng thêm sương mù tài xế phải đi đến gần mới đọc được chữ, trong khi lưu thông với tốc độ cao rất nguy hiểm” - Ông Trần Phước Anh phản ánh.

Mặt khác, tuyến cao tốc này chưa lắp hệ thống camera để có thể giám sát cũng như hỗ trợ lực lượng CSGT. Một tài xế cho rằng, VEC cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra mặt đường, dọn sạch các hòn đá vương vãi, vì đây sẽ là nguyên nhân khiến xe nổ lốp khi chạy tốc độ cao, nguy cơ tiềm ẩn TNGT cao.

Ngoài ra, cần gắn biển báo chỉ dẫn lặp lại ở nhiều cự ly chứ không chỉ một lần, rõ ràng hơn, để tránh tình trạng tài xế rẽ lạc đường.

IMG_0310
Những hội nghị đối thoại như thế này là cơ hội để VEC lắng nghe ý kiến của các DN vận tải

Xe quá tải hết đường lên cao tốc

Tiếp thu những góp ý, phản ánh của tài xế, doanh nghiệp, ông Mai Tuấn Anh cho biết, VEC cam kết sẽ cho rà soát lại hệ thống biển báo, những biển báo nào chưa hợp lý, còn nhỏ thì sẽ thay thế. Vấn đề đá rơi vãi trên đường, VEC sẽ cho đội vệ sinh đường cao tốc tích cực thu dọn để đảm bảo ATGT.

Ông Tuấn Anh cũng thông tin thêm, VEC đang kêu gọi xã hội hóa đầu tư trạm dừng chân, khu ăn uống, vệ sinh.

Dự tính quý II/2015 sẽ xây dựng trạm dừng chân tại Km 41, lúc này khách đi đường có thể dừng chân ngắm cảnh, nghỉ ngơi, vệ sinh mà không phải dừng lại giữa đường cao tốc gây phản cảm và mất ATGT.

Năm 2016 sẽ hoàn thành hệ thống giao thông thông minh ở đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, trong đó sẽ lắp nhiều camera tự động nên sẽ điều khiển và ghi nhận các lỗi vi phạm từ xa.

Trong tháng 4/2015, VEC sẽ tiến hành lắp trạm cân tải trọng, những xe nào chở hàng quá tải sẽ không được lưu thông trên đường cao tốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.