Thế giới giao thông

Vì Brexit, Anh bị ghẻ lạnh tại Thượng đỉnh EU

30/06/2016, 09:01

Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết yêu cầu London “kích hoạt” tiến trình rời khỏi EU ngay lập tức.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean - Claude Juncker (phả

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker nói với các chính trị gia Anh trước toàn thể Nghị viện châu Âu rằng: Đây là lần cuối các ông vỗ tay ở đây đấy!

Trong khi truyền thông phương Tây ghi lại cảnh Thủ tướng Anh Cameron “hối hả” bước vào phòng nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh EU tại Brussels (28-29/6) thì phía các nhà lãnh đạo châu Âu cũng… kiên định thúc giục Anh mau chóng rời khỏi Liên minh này.

“Ông ở đây làm gì?”

Theo Reuters, Anh chỉ có mặt tại phiên thứ nhất (ngày 28/6) để bàn bạc về Brexit mà thôi. Các nhà lãnh đạo EU cho rằng, London cần hành động nhanh chóng, nhằm giải quyết những rắc rối chính trị và kinh tế gây ra bởi cuộc trưng cầu dân ý của mình, tránh gây ảnh hưởng và áp lực đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đáng chú ý, Nghị viện châu Âu đã thông qua nghị quyết yêu cầu London “kích hoạt” tiến trình rời khỏi EU ngay lập tức, theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon bằng cách đưa ra tuyên bố chính thức, tiến hành đàm phán và đề ra các điều khoản ra khỏi EU trong 2 năm. Tại Hội nghị thượng đỉnh, 27 thành viên EU còn lại đều bày tỏ quan ngại về tác động của những bất ổn chính trị, pháp lý từ Brexit, đồng thời đặt câu hỏi khi nào có thể bắt đầu các cuộc đàm phán về việc rời khỏi EU.

Về phần mình, Thủ tướng Anh Cameron bày tỏ nguyện vọng duy trì một mối quan hệ kinh tế và chính trị mật thiết với EU: “Anh rời khỏi, nhưng chúng tôi sẽ không quay lưng lại với EU”.

Cũng tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo EU không ngần ngại bày tỏ thái độ “ghẻ lạnh” đối với các chính trị gia Anh. Theo New York Times ngày 29/6, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean - Claude Juncker đã đặt câu hỏi với Nigel Farage, Chủ tịch đảng Đối lập nước Anh trước toàn thể Nghị viện châu Âu rằng tại sao ông này lại có mặt ở hội nghị.

Ông Nigel Farage là người ủng hộ “rời EU” trong cuộc trưng cầu dân ý. “Đây là lần cuối các ông vỗ tay ở đây đấy”, ông Jean - Claude Juncker nói với các chính trị gia Anh. “Tôi ngạc nhiên rằng ông có mặt ở đây, ông đã đấu tranh để ủng hộ phe “rời đi” trong “cuộc chiến” Brexit của Anh, và người dân Anh chọn bỏ EU, vậy ông ở đây làm gì?”, ông Juncker nói với Farage.

Doanh nghiệp lo thiếu nhân sự

Anh và EU có thể mất tới nhiều năm để thiết lập lại các quy tắc thương mại giữa 2 bên và vấn đề lao động nước ngoài là một trong số đó.

Mike Ashmead, Giám đốc điều hành Encocam - một công ty chuyên sản xuất mannequin để kiểm tra độ an toàn xe hơi đã lên kế hoạch tuyển dụng 120 nhân viên từ nay đến năm 2018 tại các công ty thiết kế và cơ sở sản xuất gần Cambridge (Anh). Nhưng ngay sau khi Brexit có kết quả, Ashmead và đội ngũ quản lý công ty lập tức hủy mọi kế hoạch. Hãng này bắt đầu tìm hiểu về các thể chế mới nhằm xây dựng một trung tâm thiết kế ở Tây Ban Nha và xem xét nghiên cứu các môi trường ở Bồ Đào Nha, Đức, Ireland và Ba Lan.

“Chúng tôi không thể chờ đợi tới hai năm để xem xét những điều này”, ông Ashmead cho biết. Song, đó chưa phải điều tồi tệ mà Brexit tác động tới một công ty như Encocam. Điều khiến Ashmead lo lắng là luật di trú mới có thể cản trở kế hoạch thuê nhân sự.

Đó là mối quan tâm hàng đầu của những nhà sử dụng lao động Anh, vốn từ lâu đã dựa vào nguồn lao động nước ngoài. Từ trước tới nay, các công dân EU làm việc tại Anh mà không cần thị thực. Và các nhà tuyển dụng lo ngại rằng, sau Brexit, họ không thể tìm đủ số công nhân và các kỹ sư người Anh để lấp vào các chỗ trống nhân sự. Bản thân Encocam từng mất 18 tháng mới xin được thị thực làm việc tại Anh cho một kỹ sư đến từ Ấn Độ.

Cùng chung tình cảnh, hãng viễn thông khổng lồ Vodafone cũng khẳng định, các luật di trú mới sẽ rất quan trọng đối với việc hãng này lựa chọn trụ sở. Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, có tới 2,1 triệu người từ các quốc gia EU và 1,2 triệu người ngoài EU đang làm việc tại Anh. Một trong những cam kết quan trọng của các chính trị gia khi vận động Anh rời EU là sẽ thiết lập một quy định nhập cư có chọn lọc, đáp ứng mối quan tâm rộng rãi của cử tri về các dịch vụ công cộng. Tuy nhiên, theo Reuters, khoảng cách từ “chọn lọc” cho tới “hạn chế” là rất gần; Và đó mới chỉ là một vấn đề được đặt lên bàn nghị sự của các nhà lãnh đạo Anh và EU, chưa kể vô số vấn đề thương mại khác.

Tuy nhiên, vấn đề lao động nước ngoài hứa hẹn sẽ là một trong những “bài toán hóc búa nhất”, trong bối cảnh di cư vốn đang là “điểm nóng” của châu Âu. Ashmead  và một loạt doanh nhân Anh khác đang chờ đợi điều đó từ các nhà lãnh đạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.