Chuyện dọc đường

Vì đâu bờ biển miền Trung bị xâm hại?

14/01/2019, 14:59

Dải bờ biển miền Trung có đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của cả nước, nơi sở hữu nhiều bãi biển du lịch đẹp nhất hành tinh...

img
Sạt lở bờ biển đoạn qua thôn 3, xã Vinh Hải, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế - Ảnh: Duy Lợi

Dải đất ven biển miền Trung có bề ngang khá hẹp với địa hình dốc lớn về phía biển. Với mật độ sông suối dày đặc, vùng bờ biển này hàng năm được cung cấp một lượng sa bồi (bùn cát) rất lớn theo các con sông đổ ra cửa biển trong các đợt lũ. Tại sao với nguồn cung bùn cát dồi dào như vậy, tình trạng xói lở trên diện rộng vẫn diễn ra?

Trước hết cần phải hiểu rõ về căn nguyên của hiện tượng xói lở. Đây là hệ quả từ sự mất cân bằng (thiếu hụt) về bùn cát ở các quy mô không gian và thời gian khác nhau. Tuy nhiên, tùy vào tác nhân gây ra mà xói lở có thể rất khác nhau về tính chất và cường độ. Trên quan điểm bệnh học công trình thì xói lở có thể được chia thành hai loại chính: xói cấp tính và xói mãn tính. Xói cấp tính hay còn gọi là xói trong bão, xói ngang bờ, là dạng xói đột nhiên xảy ra trong một thời đoạn ngắn gắn với các yếu tố thời tiết biển cực đoan ngắn hạn như sóng và nước dâng trong bão. Xói cấp tính thực chất chỉ là dạng xói tạm thời, dễ xử lý và có tính tự phục hồi cao do bùn cát không bị mất đi mà chỉ bị đem ra xa theo phương ngang bờ. Trong khi đó, xói mãn tính là dạng xói vĩnh viễn, xảy ra âm thầm ngày này qua ngày khác trong điều kiện thời tiết biển thông thường và mang tính dài hạn.

Cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục để cho rằng các yếu tố tự nhiên như biến đổi khí hậu và nước biển dâng là nguyên nhân chính gây ra xói lở diện rộng bờ biển miền Trung như hiện nay. Tuy nhiên, có căn cứ để khẳng định rằng tác động từ các hoạt động sản xuất và khai thác của con người. Ở miền Trung, có ba nhân tố nổi bật gây ra mất cân bằng bùn cát ở biển cần được đề cập tới đó là: Hoạt động khai thác cát trên sông và ở cửa sông, xây dựng đập ngăn nước trên thượng nguồn của các con sông làm giảm nguồn cung bùn cát đổ ra biển và xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển trái phép, sai quy định.

Đáng chú ý, việc áp dụng các công trình bảo vệ, chống xói lở bờ biển một cách không đồng bộ hoặc mức độ can thiệp quá thô bạo cũng làm mất đi cán cân cân bằng dòng chảy bùn cát cục bộ, là nguyên nhân trực tiếp gây ra hoặc làm gia tăng xói lở ở các đoạn bờ biển lân cận. Thực tế này thường gặp ở các bãi biển du lịch như Hội An khi mà các chủ khách sạn và khu nghỉ dưỡng tự xây dựng các công trình bảo vệ bờ và bãi biển của họ theo cách riêng.

Một thực tế đáng phê phán ở nhiều địa phương ven biển đó là khi hiện tượng xói lở xuất hiện ở đâu đó thì hầu như người ta nghĩ ngay đến việc xây dựng kè biển. Rất tiếc, trong đại đa số các trường hợp đây là một sự nhầm lẫn tai hại, không những công trình không thể phát huy được tác dụng mà còn có thể nhanh chóng bị phá hỏng.

Với xói mãn tính thì cần có giải pháp (cứng hoặc mềm) để giữ được bãi. Các giải pháp công trình (cứng) thường được áp dụng để giữ và tôn tạo bãi là hệ thống các mỏ hàn hoặc đê chắn sóng xa bờ và có thể kết hợp thêm giải pháp mềm nuôi bãi nhân tạo. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau bao gồm cả do chi phí đầu tư cao nên các dạng công trình này rất ít được phổ biến (hiện nay duy nhất mới được xây dựng để chống xói cho đoạn bờ biển Xóm Rớ - Tuy Hòa).

Ở nhiều địa phương người ta thường nhắc tới giải pháp chống xói lở “khẩn cấp” hay “cấp bách”. Đây là giải pháp được hiểu là dùng trong trường hợp xử lý nhanh và tạm thời. Tuy nhiên sẽ là không khoa học và lãng phí khi đưa ra một giải pháp xử lý khẩn cấp chống xói lở. Vì sự phức tạp của xói mãn tính nên nếu giải pháp khẩn cấp được sử dụng thì cần xem xét thiết kế sao để phần xử lý khẩn cấp sẽ trở thành một bộ phận cấu thành giải pháp lâu dài sau này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.