Tài chính

Ví điện tử đang “hụt hơi”

03/12/2024, 07:00

Ví điện tử có vai trò quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và xu hướng không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, thị trường ví điện tử dường như bước vào giai đoạn bão hòa, nếu không có sự đột phá và mở rộng tính năng, ví điện tử sẽ dần "hụt hơi" và đối mặt xu hướng dần đào thải...

Mới tập trung ở khu vực thành thị

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, hiện có tới 48 ví điện tử được cấp phép hoạt động, nhưng chỉ một số ít như VNPAY, MoMo… giữ được thị phần đáng kể. Nhiều ứng dụng nhỏ hơn phải chật vật duy trì hoạt động hoặc dần biến mất khỏi thị trường.

Ví điện tử đang “hụt hơi”- Ảnh 1.

Ví điện tử VNPAY. Nguồn: VNPAY.

Nguyên nhân chính đến từ sự phân bổ không đồng đều về người dùng do các ví lớn thường tập trung ở khu vực thành thị, nơi có thói quen sử dụng ví điện tử, trong khi khu vực nông thôn gặp rào cản về công nghệ và thói quen tiêu dùng.

Cùng đó, ví điện tử còn phải đối mặt với sự "lấn sân" từ các ngân hàng và tập đoàn công nghệ lớn. Nhiều ngân hàng tích hợp chức năng thanh toán qua ứng dụng di động, tạo trải nghiệm liền mạch mà không cần trung gian. Đồng thời, các "ông lớn" như Apple Pay hay Google Pay cũng đang thâm nhập thị trường Việt Nam, đe dọa thị phần của các ví nội địa.

Theo ông Lù Duy Nguyên, chuyên gia tài chính từng làm việc mảng ví điện tử, thanh toán qua ví đang thu hẹp do ngân hàng phát triển ứng dụng với tốc độ cao, thu hút lượng lớn người dùng.

Bên cạnh đó, quy định siết chặt bảo mật cũng khiến trải nghiệm trên ví ngày càng phụ thuộc vào ngân hàng. Ngoài ra, lợi nhuận vượt trội của nhóm ngân hàng so với các doanh nghiệp phát triển ví điện tử, qua đó cho phép các nhà băng đầu tư mạnh hơn và áp đảo về các giải pháp công nghệ.

Thị phần lớn nhưng lỗ nặng

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, nhiều ví điện tử dù có số lượng giao dịch lớn nhưng vẫn đối mặt với bài toán thua lỗ.

Nguyên nhân chủ yếu do chi phí khuyến mãi, marketing và đầu tư hạ tầng công nghệ quá cao. Một số ví báo lỗ hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, điển hình như MoMo và ZaloPay, dù liên tục gọi vốn thành công.

Theo báo cáo của Vietdata, những ví điện tử lớn như VNPAY hay MoMo đều có doanh thu lớn. Trong năm 2023, VNPAY vẫn là đơn vị dẫn đầu với doanh thu 31.188 tỷ đồng, tăng 4,2% so với năm 2022. Dù vậy, lãi ròng cũng chỉ ở mức 244 tỷ đồng.

Đáng chú ý, MoMo cũng chiếm tới 68% thị phần ví điện tử tại Việt Nam, nhưng lại là ví điện tử lỗ nhiều nhất. Năm 2020 và 2021, lợi nhuận sau thuế MoMo ghi nhận âm khoảng 880 tỷ đồng. Con số này tăng 30% vào năm 2022, âm gần 1.150 tỷ đồng và được rút ngắn xuống âm hơn 287 tỷ đồng vào năm ngoái.

Tương tự, ZaloPay cũng ghi nhận âm gần 680 tỷ đồng năm 2020, mức lỗ tiếp tục tăng 82,5% vào năm 2021 và tăng thêm 6,5% vào năm 2022, âm hơn 1.300 tỷ đồng trước khi giảm xuống 721 tỷ trong năm 2023.

Việc phụ thuộc vào ưu đãi để thu hút người dùng khiến nhiều ví khó xây dựng mô hình kinh doanh bền vững. Khi các chương trình khuyến mãi giảm dần, người dùng cũng có xu hướng quay lại sử dụng tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng.

"Trong ba năm tới, ví điện tử sẽ dần mất sức hút với người dân. Nếu không có khuyến mãi, họ khó tìm được lý do để sử dụng.

Khi cần thanh toán, người dùng chỉ cần mở ứng dụng ngân hàng, quét mã QR, không phải tốn thêm bước nạp tiền vào ví rồi mới sử dụng", ông Nguyên cho biết.

Đổi mới để tránh đào thải

Theo chuyên gia tài chính Hồ Bá Tình, cuộc đua các ví điện tử sẽ bị đào thải rất nhanh. Đây là ngành hoạt động theo kiểu lợi thế kinh tế theo quy mô, không có chỗ cho thị trường ngách.

Ông Tình cho biết, nếu chỉ dừng lại ở vai trò ứng dụng thanh toán trực tuyến, ví điện tử sẽ khó phát triển bền vững.

Thời gian qua, nhiều công ty đã nỗ lực mở rộng tính năng để vượt qua giới hạn của một ví điện tử thông thường. Tuy nhiên, đối với phần lớn khách hàng, ví điện tử vẫn chủ yếu được sử dụng cho các chức năng cơ bản như chuyển tiền và thanh toán.

Grab mới đây cũng chính thức khai tử ví điện tử Moca. Hướng đi chiến lược của Grab là trở thành nền tảng siêu ứng dụng (super app), trong đó việc phát triển một hệ thống thanh toán trực tuyến tích hợp là yếu tố quan trọng để thúc đẩy hiệu quả vận hành và trải nghiệm người dùng.

Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi nhuận, "gã khổng lồ" trong lĩnh vực gọi xe và giao đồ ăn đã quyết định từ bỏ Moca, tập trung vào những mảng kinh doanh cốt lõi khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Về phần mình, MoMo cũng phải chuyển định vị thành "trợ thủ tài chính với AI". Đồng nghĩa, MoMo không còn là ví điện tử.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc định vị lại nhằm mở rộng hệ sinh thái và nâng cao giá trị gia tăng cho người dùng có thể nói là chiến lược sống còn tại thời điểm này với MoMo.

Với mục tiêu trở thành "trợ thủ tài chính", MoMo không chỉ cung cấp thanh toán mà còn tích hợp các giải pháp tài chính như đầu tư, tiết kiệm, vay mượn và quản lý chi tiêu. Đặc biệt, ứng dụng AI được kỳ vọng sẽ cải thiện trải nghiệm người dùng và tối ưu hóa dịch vụ.

Thay vì "khai tử" hay thay đổi định vị, một "ông lớn" khác là VNPAY lại có điểm mạnh riêng để trụ lại và ngày càng mở rộng thị phần trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện VNPAY cho biết, ví điện tử chỉ là một sản phẩm trong danh mục dịch vụ của VNPAY, nhưng điểm đặc biệt là nó sở hữu hệ sinh thái thanh toán, mua sắm, di chuyển, giải trí toàn diện.

Hiện tại, ví VNPAY có mức độ phủ sóng rất lớn, khách hàng có thể dùng ví để thanh toán VNPAY-QR tại hơn 350 nghìn điểm chấp nhận thanh toán.

Đáng chú ý, VNPAY chú trọng đến khả năng tích hợp cao, qua đó mang đến trải nghiệm sử dụng thân quen và dễ dàng như khi khách hàng thao tác trên các ứng dụng ngân hàng di động (mobile banking).

Nắm bắt được nhu cầu đề cao tính tiện lợi trong xu hướng đi lại, VNPAY cũng đã "mạnh tay" ký kết hợp tác với gần 200 thương hiệu taxi như: Xanh SM, Be, taxi Mai Linh, G7, Thăng Long, Thủ Đô, Thanh Nga, Sun, Sen Hồng, Đà Nẵng...

Điều này không chỉ giúp các hãng taxi truyền thống nhanh chóng mở rộng tệp khách hàng tiềm năng trên ứng dụng ví điện tử VNPAY mà còn tiết kiệm chi phí đầu tư dịch vụ và nâng tầm trải nghiệm cho người dùng trong thời đại số.

Vé metro ở TP.HCM có thể thanh toán bằng tiền mặt, thẻ ngân hàng, ví điện tửVé metro ở TP.HCM có thể thanh toán bằng tiền mặt, thẻ ngân hàng, ví điện tử

UBND TP.HCM yêu cầu, vé điện tử đi metro phải linh hoạt ở nhiều phương thức như tiền mặt, thẻ ngân hàng, ví điện tử để người dân thuận lợi khi thanh toán.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.