Chuyện dọc đường

Vì một môi trường sống sạch hơn

19/12/2017, 08:17

Không khí trong lành tại các đô thị lớn của Việt Nam đang bị suy giảm đáng kể, trực tiếp đe dọa sức khỏe...

4

Kiểm định khí thải xe ô tô đang lưu hành tại một trung tâm đăng kiểm phía Bắc

Hình ảnh người tham gia giao thông ở các thành phố đeo khẩu trang kín mít để chống lại ô nhiễm, khói bụi ngày càng trở nên quen thuộc.

Riêng tại Hà Nội và TP.HCM, ô nhiễm không khí không còn là cảm tính, bởi một nghiên cứu quốc tế được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos đã xếp hai đô thị này nằm trong 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường), cùng với các nguồn thải khác (như công nghiệp, xây dựng...), phương tiện giao thông cơ giới là “thủ phạm” chính gây ô nhiễm không khí nói chung và ô nhiễm không khí đô thị nói riêng. Trong đó, với hơn 43 triệu xe máy và hơn 2 triệu ô tô trên toàn quốc đang lưu hành, chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch (diesel, xăng), cộng với mức gia tăng bình quân 12–15%/năm đang là nguồn phát thải lớn các chất HSU, CO, HC, khói bụi vào không khí.

Nếu nguồn phát thải này không được kiểm soát chặt chẽ hơn sẽ khiến chất lượng không khí tiếp tục suy giảm, gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có tăng nguy cơ bệnh tật liên quan đến đường hô hấp. Vấn đề này không phải bây giờ mới được đặt ra. Từ giữa năm 2006, xe ô tô lưu thông tại 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương đã được kiểm soát khí thải định kỳ tại các trung tâm đăng kiểm. Đến giữa năm 2008, phạm vi áp dụng được mở rộng ra toàn quốc. Tuy nhiên, việc kiểm soát này vẫn bộc lộ bất cập là tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành vẫn giữ nguyên như từ hơn 10 năm nay, trong khi số lượng phương tiện đã tăng lên rất nhanh.

Cũng nhằm kiểm soát khí thải ô tô, từ ngày 1/1/2017, các xe ô tô được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới phải đáp ứng tiêu chuẩn từ Euro 4 trở lên mới được tham gia giao thông (riêng xe dùng diesel từ ngày 1/1/2018). Điều này có nghĩa, tiêu chuẩn khí thải ô tô “đầu vào” đã khắt khe hơn nhiều so với tiêu chuẩn cách đây hơn 10 năm (tiêu chuẩn dưới Euro 4).

Do đó, cùng với xe được sản xuất mới, tiêu chuẩn khí thải đối với các xe đang lưu hành cũng cần được nâng lên, tạo sự kiểm soát đồng bộ. Có chuyên gia cho rằng, nếu vẫn giữ nguyên tiêu chuẩn khí thải đối với xe đang lưu hành như hiện nay, “hàng rào Euro 4” đối với xe được sản xuất mới sẽ vô nghĩa.

Theo lộ trình đã được Thủ tướng phê duyệt, thời gian tới, tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô đang lưu hành chắc chắn sẽ được nâng lên. Tuy vậy, vấn đề các đơn vị quản lý, các nhà khoa học đang đau đầu bàn thảo là nâng tiêu chuẩn lên bao nhiêu; áp dụng ở các thành phố lớn trước hay áp dụng toàn quốc; áp dụng với một số nhóm ô tô hay tất cả,...

Khi tiêu chuẩn mới được ban hành, có thể tác động đến hàng trăm nghìn chủ phương tiện. Có xe buộc phải sửa chữa, khắc phục mới đáp ứng chuẩn mới, thậm chí có xe không thể đáp ứng để được lưu hành. Dẫu vậy, việc này rất cần sự đồng thuận của xã hội để giữ một bầu không khí trong lành, để cuộc sống của người dân được bình yên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.