Đường thủy

Vi phạm đường thủy sẽ bị “phạt nguội” như đường bộ

25/05/2021, 14:02

Nếu áp dụng “phạt nguội” vi phạm đường thủy như đường bộ thời gian qua, chắc chắn vi phạm đường thủy sẽ giảm.

img

CSGT tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đường thủy trên tuyến sông Hồng

Tình trạng vi phạm giao thông đường thủy gần đây rất nhức nhối, đặc biệt là hành vi chở quá tải nhưng việc kiểm tra, xử lý của lực lượng chức năng rất khó khăn, mất thời gian.

Thế nhưng, những vi phạm trên đường thủy sẽ được ngăn chặn đáng kể nếu dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 132/2015 được ban hành với nhiều chế tài tăng nặng, trong đó quy định cả hình thức “phạt nguội” như với trên đường bộ.

Tăng nóng chở quá tải, thuyền viên chây ỳ khó xử lý

Tại chốt điều tiết, hướng dẫn giao thông trên các tuyến đường thủy thuộc Hành lang đường thủy số 1 phía Bắc (như sông: Hồng, Đuống, Thái Bình...) rất phổ biến tình trạng phương tiện thủy chở hàng quá tải. Hàng hóa, nhiều nhất là vật liệu xây dựng được chất cao hơn thành hầm chở hàng, khiến nước tràn lên mặt boong mạn tàu, vượt quá vạch dấu mạn khô an toàn.

Trực tiếp cùng Tổ tuần tra kiểm soát thuộc Thủy đoàn 1, Cục CSGT làm nhiệm vụ trên sông Hồng cách đây không lâu, PV Báo Giao thông ghi nhận hàng chục trường hợp tàu chở hàng chở quá tải (quá vạch dấu mớn nước an toàn). Tuy nhiên, để xử lý được một trường hợp vi phạm mất rất nhiều thời gian.

Khi kiểm tra tàu có dấu hiệu quá tải, Tổ công tác phải điều khiển ca nô xuôi theo tàu chở hàng một đoạn dài, tránh sóng lớn mới cập được mạn tàu để lên kiểm tra. Khi kiểm tra dấu hiệu quá tải của các tàu như: HP-xx79, VP-xx66, HD-xx14… thuyền viên đều không chịu ký biên bản. Chây ỳ không được thì xuống nước xin xỏ vì lý do: “Chuyến trước vừa bị lập biên bản vi phạm quá tải, chưa nộp phạt”.

Mỗi trường hợp như vậy, tổ công tác mất cả tiếng để giải thích, phải rất kiên quyết xử lý thì thuyền viên mới chịu ký vào biên bản vi phạm. “Có tàu nào chở cát, đá sỏi đúng tải đâu. Nếu mình chở đúng tải thì cước cao hơn, cạnh tranh thế nào được. Bị phạt nhưng không bị giữ tàu là được. Nếu trốn được hay xin bỏ qua được thì càng tốt”, thuyền viên tên Tuấn, tàu VP-xx66 nói.

Thực tế sau hơn 5 năm thực hiện Nghị định số 132/2015, lực lượng tuần tra, kiểm soát của cảnh sát đường thủy các địa phương lập biên bản xử lý tới hơn 671 nghìn trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy, phạt tiền gần 456 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động 1.767 trường hợp phương tiện. Trong đó, nhóm vi phạm chiếm tỷ lệ cao nhất là chở quá tải tới hơn 55%.

Ngoài chở quá tải, tình trạng tàu thuyền vi phạm quy định mặc áo phao rất phổ biến. Tuy nhiên, việc xử lý hành vi này rất khó. Có phương tiện đang trên hành trình từ bờ này sang bờ kia, tất cả khách đều không mặc áo phao, dụng cụ cứu sinh cá nhân. Nhưng khi thấy lực lượng chức năng kiểm tra, thuyền viên mới vội vàng đưa phao cho khách, khiến lực lượng chức năng chỉ có thể lập biên bản nhắc nhở.

Khi được hỏi, thuyền viên phà Mễ Sở chống chế: “Nhiều hành khách thấy có người đến kiểm tra mới mặc áo phao, đeo dụng cụ cứu sinh, nên… chuyến nào cũng phát sẽ mất nhiều thời gian”.

Có “phạt nguội” thuyền viên mới biết sợ

Theo một lãnh đạo Đội Thanh tra đường thủy thuộc Chi cục ĐTNĐ phía Bắc, nếu áp dụng “phạt nguội” như đường bộ thời gian qua, chắc chắn vi phạm đường thủy sẽ giảm.

Liên quan vấn đề trên, ông Đoàn Trường Sơn, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Pháp chế - thanh tra, Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, mới đây tại dự thảo sửa đổi nghị định xử lý vi phạm giao thông đường thủy (thay thế Nghị định số 132/2015) đã đưa quy định “phạt nguội” vi phạm giao thông đường thủy.

“Dự thảo lần đầu quy định được dùng hình ảnh làm căn cứ để “phạt nguội”. Hình ảnh được lấy từ 3 nguồn: Từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thu thập; của cơ quan, tổ chức được giao quản lý khai thác, sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, đảm bảo ATGT đường thủy; do tổ chức, cá nhân cung cấp hoặc đăng tải trên các báo chí, truyền hình, mạng xã hội”, ông Sơn thông tin.

Cũng theo ông Sơn, các lực lượng có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đường thủy đều có thể áp dụng “phạt nguội”.

Ông Lưu Xuân Bình, nguyên Phó chánh Văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để ban hành quy định về “phạt nguội”. Việc này sẽ kéo giảm các vi phạm phổ biến mà mắt thường cũng có thể thấy được như chở quá tải, vi phạm quy tắc giao thông đường thủy.

Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Vĩnh Giang, Trưởng phòng Hướng dẫn TTKS và đấu tranh, phòng chống tội phạm trên đường thủy (Cục CSGT) cho rằng, việc áp dụng “phạt nguội” sẽ nâng hiệu quả phòng ngừa vi phạm giao thông đường thủy.

Tăng nặng mức phạt nhiều hành vi vi phạm

Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 132/2015, mức phạt tiền đối với hầu hết các vi phạm giao thông đường thủy đều tăng cao so với hiện nay, trong đó nhiều hành vi liên quan đến thuyền viên, phương tiện thủy có mức tăng gấp đôi, thậm chí hơn chục lần so với hiện nay.

Chẳng hạn, đối với phương tiện chở quá tải, dự thảo bỏ chế tài phạt “cảnh cáo” và bổ sung mức phạt thấp nhất là 500 nghìn đồng, cao nhất 15 triệu đồng. Người điều khiển phương tiện chở quá tải từ 1/5 mạn khô phương tiện trở lên sẽ bị tước bằng lái 3 - 12 tháng, thay vì quy định chở quá từ 1/2 mạn khô trở lên như hiện nay.

Đối với phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, quy định hiện nay là phạt từ 500 nghìn - 7 triệu đồng (mức phạt tăng theo sức chở phương tiện) và đình chỉ 1 - 2 tháng. Còn dự thảo tăng mức phạt lên 1 - 10 triệu đồng và tăng thời hạn đình chỉ lên 3 - 6 tháng. Đáng chú ý, bổ sung mức phạt 1 - 5 triệu đồng đối với phương tiện thủy từ thô sơ, nhỏ nhất đến sức chở dưới 12 người (hoặc dưới 15 CV) nếu không trang bị hoặc không đủ phao, dụng cụ cứu sinh cá nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.