Điều tra

Vì sao 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị bắt?

23/02/2019, 19:34

Trong thương vụ MobiFone mua AVG, những sai phạm nào khiến cả 2 cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố, bắt giam?

img
Hai cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đã bị khởi tố, bắt giam liên quan đến những sai phạm trong thương vụ MobiFone mua AVG

Ngày 23/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết đang điều tra mở rộng vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan.

Nhiều lãnh đạo “vướng vòng lao lý” vì thương vụ MobiFone mua AVG

Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra các quyết định khởi tố bị can; lệnh bắt bị can để tạm giam; lệnh khám xét đối với 2 cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông là các ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, đề điều tra về cùng tội danh “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cùng ngày, VKSND Tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên.

quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng thông tin thêm, đơn vị này đã thi hành các quyết định và lệnh nêu trên đối với 2 bị can đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm đối với các bị can và những người có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Hai ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị bắt để điều tra về những sai phạm trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG).

Những sai phạm của cả hai ông Son và Tuấn được xác định xảy ra khi ông Nguyễn Bắc Son đang giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, còn ông Trương Minh Tuấn là Thứ trưởng.

Với ông Nguyễn Bắc Son, trên cơ sở kết luận và đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, Bộ Chính trị xác định ông Son phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Ông Nguyễn Bắc Son đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, không bàn bạc, thảo luận trong tập thể Ban cán sự đảng, trực tiếp chỉ đạo và quyết định nhiều nội dung liên quan đến Dự án không đúng quy định.

Ngoài ra, ông Son còn ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án và giao cho cấp dưới ký một số văn bản liên quan đến Dự án có nội dung trái quy định, không đúng nhiệm vụ được phân công; thiếu chỉ đạo, kiểm tra quá trình thực hiện Dự án, để xảy ra nhiều vi phạm rất nghiêm trọng.

Vì thế, ông Nguyễn Bắc Son đã lần lượt bị cách chức ủy viên Trung ương Đảng khóa XI và Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016, bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Sau ông Vũ Huy Hoàng, ông Son là trường hợp thứ 2 bị kỷ luật bằng hình thức xoá tư cách nguyên Bộ trưởng.

Theo quy định tại Khoản 3 điều 220 Bộ luật Hình sự 2015 (Tội Vi phạm quy định của nhà nước về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng): Người nào phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

Với trường hợp của ông Trương Minh Tuấn, Bộ Chính trị kết luận ông Tuấn khi còn là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo trong quá trình được phân công chỉ đạo thực hiện Dự án.

Ông Tuấn cũng là người ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT, ngày 21/12/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Dự án và một số văn bản có liên quan trái quy định, có văn bản không thuộc nhiệm vụ được phân công.

Với cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng từ tháng 4/2016 đến nay, ông Tuấn chịu trách nhiệm chính về các vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Những vi phạm ông Trương Minh Tuấn được xác định là rất nghiêm trọng, vì thế, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Trương Minh Tuấn bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Cuối tháng 7/2018, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tạm đình chỉ công tác Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn do có vi phạm, khuyết điểm và Bộ Chính trị đã có thi hành kỷ luật về Đảng.

Liên quan đến thương vụ MobiFone mua AVG làm thất thoát lớn tài sản Nhà nước, ngày 10/7/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan.

Cùng với quyết định khởi tố vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã khởi tố ông Lê Nam Trà - nguyên chủ tịch HĐTV Tổng công ty Viễn thông Mobifone và ông Phạm Đình Trọng - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng.

quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sau đó cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Phạm Thị Phương Anh - Phó tổng giám đốc và ông Cao Duy Hải - nguyên Tổng giám đốc MobiFone để điều tra về cùng tội danh nêu trên.

Những sai phạm nghiêm trọng làm thất thoát hàng nghìn tỷ

Giữa tháng 3/2018, Thanh tra chính phủ chính thức công bố kết luận thanh tra toàn diện Dự án Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Hơn một tháng sau, hồ sơ, tài liệu của thương vụ này đã được Thanh tra Chính phủ bàn giao cho cơ quan điều tra của Bộ Công an để điều tra, làm rõ.

Theo kết luận thanh tra, thương vụ MobiFone mua AVG đã có nhiều sai phạm rất nghiêm trọng.

Công ty MobiFone được xác định đã để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm trong việc đề xuất đầu tư, đánh giá thực trạng tài chính, kinh doanh của AVG; lựa chọn các đơn vị tư vấn thẩm định giá; trình Bộ TT&TT phê duyệt dự án đầu tư…

Những vi phạm và những việc làm trái quy định, thiếu trách nhiệm của Mobifone đã gây nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn nhà nước tại Mobifone khoảng hơn 7.000 tỉ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng; việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông.

Đồng thời, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 đã giảm so với năm 2015 là 321,7 tỷ đồng; số lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 1.982,7 tỷ đồng; đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc cổ phần hóa Mobifone.

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và quản lý nhà nước về thông tin, truyền thông, đơn vị này đã thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định dự án, phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước.

Quyết định số 236/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm các quy định của pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước, cần phải được xem xét, hủy bỏ.

Ngoài ra, việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị Bộ Công an cho ý kiến và đã đưa giao dịch này thuộc danh mục Mật là không đúng quy định.

Khi Thanh tra Chính phủ có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định theo thẩm quyền được pháp luật quy định về việc giải mật hoặc tiếp tục bảo mật, Bộ Thông tin và Truyền thông đã không thực hiện, đồng thời đề nghị Thanh tra Chính phủ báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là không đúng quy định.

Đáng chú ý, trước khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra, Mobifone và AVG đã hoàn tất việc chấm dứt hợp đồng mua bán 95% cổ phần AVG.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.