Bóng đá

Vì sao “ác mộng” ập đến với những người hùng U23 Việt Nam?

03/03/2020, 16:57

Có tới 6 cầu thủ thuộc lứa U23 Việt Nam làm nên kỳ tích ở Thường Châu, Trung Quốc bị chấn thương dây chằng đầu gối.

img
Đội hình U23 Việt Nam đá trận chung kết giải U23 châu Á 2018

Ngày 1/3, Duy Mạnh dính chấn thương đứt dây chằng chéo trước trong trận tranh Siêu cúp Quốc gia 2019 giữa Hà Nội FC và TP.HCM. Anh dự kiến phải phẫu thuật và rời xa sân cỏ từ 9 tháng tới 1 năm.

Thông tin về chấn thương của Duy Mạnh khiến người hâm mộ Việt Nam không khỏi choáng váng. Càng giật mình hơn khi anh là cầu thủ thứ 6 của lứa U23 Việt Nam làm nên kỳ tích ở Thường Châu, Trung Quốc bị đứt dây chằng.

Trước Duy Mạnh, Đình Trọng, Văn Đức, Văn Thanh, Xuân Trường, Xuân Mạnh cũng gặp chấn thương tương tự, phải trải qua thời gian dài vật lộn hồi phục. Văn Thanh đã trở lại nhưng chưa có phong độ cao nhất.

Xuân Mạnh mới đây tiếp tục phải chia tay sân cỏ để điều trị vết thương dây chằng tái phát. Văn Đức, Đình Trọng và Xuân Trường mỗi người một cảnh và nhiều khả năng sẽ không thể cùng đội tuyển Việt Nam đá trận gặp Malaysia vào ngày 31/3 tới.

Ngoài ra, Quang Hải tuy không chấn thương quá nặng nhưng cũng bị rách cơ đùi tại SEA Games, bỏ lỡ 3 trận đấu cuối cùng. Hiện anh cũng đang bị đau, chưa đạt thể trạng tốt nhất.

Tính ra, chỉ 4 cái tên đá chính trong trận chung kết giải U23 châu Á 2018 miễn nhiễm với chấn thương gồm: Thủ môn Bùi Tiến Dũng, trung vệ Bùi Tiến Dũng, tiền vệ Phạm Đức Huy và tiền đạo Nguyễn Công Phượng.

Vậy tại sao những cầu thủ chơi hay tại giải U23 châu Á 2018 lại phải đối mặt với cơn ác mộng chấn thương?

Điều đầu tiên có thể khẳng định là họ bị vắt kiệt sức, dẫn tới quá tải và chấn thương. Kể từ sau giải đấu đầu năm 2018, những cầu thủ nêu trên gần như đều cày ải liên tục, khắp các mặt trận trong cả màu áo ĐTQG lẫn CLB.

Thứ hai, cầu thủ Việt Nam chưa thực sự có thói quen tập luyện, sinh hoạt khoa học nên không thể ra sân cùng nền tảng thể lực tốt nhất. Khi không có thể lực tốt, chấn thương đến là điều dễ hiểu.

Cuối cùng, cầu thủ Việt Nam chưa thực sự có ý thức tự bảo vệ mình. Nhiều cái tên dù bị đau nhưng vẫn cố nhịn để thi đấu, khiến chấn thương trở nên trầm trọng hơn hoặc chấn thương dây truyền.

Ví dụ như trường hợp Đình Trọng, nếu không thi đấu tại VCK U23 châu Á 2020, chấn thương của anh có lẽ đã hồi phục hoàn toàn.

Tựu chung lại, việc các học trò của HLV Park Hang-seon liên tục dính chấn thương nghiêm trọng là tổng hòa từ nhiều nguyên nhân. Đây cũng là lời cảnh báo cho công tác huấn luyện, sử dụng cầu thủ ở các đội bóng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.