Tâm sự

Vì sao bắn pháo hoa cũng bị "ném đá"?

27/01/2015, 08:00

Thực sự tôi không hiểu nổi vì sao Hà Nội vừa nói tới việc bắn pháo hoa thường xuyên đã bị ném đá?

nhung-vi-tri-dac-dia-de-ngam-va-chup-anh-phao-hoa-
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đề xuất bắn pháo hoa trên cầu Nhật Tân (Ảnh minh hoạ: Xóm nhiếp ảnh)

Những ngày qua, đề xuất bắn pháo hoa thường xuyên tại khu vực gần cầu Nhật Tân của Sở Văn hóa Hà Nội đã gây xôn xao lớn trong dư luận. Đáng nói là đề xuất góp phần tạo điểm nhấn, thu hút du lịch trong thành phố này lại nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.

Là một bạn đọc, một người dân bình thường, cá nhân tôi cho rằng nhiều người đang quá khắt khe với việc bắn pháo hoa thường xuyên, nếu không muốn nói là bất công.

1404751267-rong1
Đà Nẵng có cầu Rồng phun lửa vào cuối tuần. Ảnh: CNN

Mọi người nghĩ xem nếu Đà Nẵng có cầu Rồng phun lửa vào dịp cuối tuần, thu hút du khách và người dân thì có lý do gì Hà Nội không thể tạo điểm nhấn pháo hoa thường xuyên tại khu vực cầu Nhật Tân.

Đành rằng có người lo ngại bắn pháo hoa thường xuyên sẽ tốn kém số tiền lớn nhưng việc này đâu có dùng đến ngân sách nhà nước, không phải tiền đóng thuế của nhân dân mà dùng nguồn vốn xã hội hóa huy động từ các doanh nghiệp.

Nói cách khác, thay vì đăng các thông tin quảng cáo trên báo đài, các doanh nghiệp ấy làm truyền thông, tạo tên tuổi bằng cách mang tiền ấy mua pháo hoa cho người dân thưởng thức. Điều này đâu có gì là không tốt.

Nhiều người kể cũng lạ, cứ hễ có dự án, chương trình gì đầu tư lớn lại ngay lập tức "ca bài ca" tiền đấy để xóa đói giảm nghèo. Thực tế là chúng ta đã và đang rất chú trọng, quan tâm đến việc hỗ trợ và chăm lo cho cuộc sống của những người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, cần phải nhớ rõ bài học “cần câu và con cá” giúp đỡ người nghèo để có những biện pháp phù hợp. Còn nếu cứ nghĩ việc đầu tư gì cũng lãng phí thì mọi người tốt nhất có làm ra nhiều tiền thì cũng ăn cơm với rau thôi, để tiền đấy mà giúp người nghèo.

cau-nhat-tan-1136
Cầu Nhật Tân

Đáng buồn hơn là việc nhiều người lấy danh nghĩa quan điểm của những người nghèo để phản đối việc bắn pháo hoa vì cho rằng chỉ để phục vụ người giàu.

Khổ thân ông Phan Đăng Long - Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa qua bị phản ứng rất nhiều vì câu nói: “Bắn pháo hoa là phục vụ cho nhu cầu của toàn dân, chứ đâu phải chỉ để phục vụ người giàu. Biết đâu, những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa, những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó, những cái vất vả luôn đeo bám cuộc sống của họ bấy lâu nay. Vì vậy, đừng bao giờ nghĩ là người nghèo không có nhu cầu thưởng thức cuộc sống”.

Cá nhân tôi, thấy nói như vậy không có gì quá. Trong thời buổi “người khôn của khó” hiện nay, chỉ cần bước chân ra đường thôi là đã có ti tỉ khoản cần phải chi tiêu, đối mặt với biết bao áp lực trong công việc và cuộc sống. Khi ấy nếu vừa được xem pháo hoa đẹp lại còn được miễn phí thì ai chẳng vui vẻ, thích thú.

Cho nên không cần nói đến việc có tạm quên đi cái nghèo hay không, chỉ cần có được những giây phút thư giãn để tái tạo sức lao động đã thấy đáng quý rồi.

Tôi nghĩ bắn ở đâu thì cần suy tính kỹ nhưng bắn pháo hoa ở cầu Nhật Tân cũng rất đẹp, vừa khoe được cây cầu với bà con, vừa rộng rãi thoáng mát. Cứ nghĩ cảnh chạy quanh Hồ Gươm chọn chỗ nào không có lùm cây che, rồi ngửa mặt lên, chen lấn xô đẩy ngắm pháo hoa tôi đã thấy nản. 

Cá nhân tôi cho rằng việc gì có lợi cho số đông thì nên làm, đừng ngại ngần. Bởi nếu cứ đắn đo, sợ sệt thì sẽ mãi chẳng làm được gì. Hà Nội vẫn mãi buồn tênh thế thôi.

Vũ Hoan (Khương Trung, Hà Nội)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, không thể hiện quan điểm của tòa soạn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.